ECB cảnh báo bất ổn kinh tế toàn cầu do COVID-19 vẫn ở mức cao
Theo ECB, tốc độ triển khai tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 chậm hơn dự kiến và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng có thể dẫn đến các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn và lâu hơn.
Trong báo cáo công bố ngày 4/2, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định đà phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn còn đối mặt với sự bất ổn liên quan đến đại dịch COVID-19 và tốc độ triển khai chiến dịch tiêm chủng.
Theo ECB, sự phục hồi của hoạt động kinh tế toàn cầu đã diễn ra vào cuối năm 2020 trước “những cơn gió ngược” ngày càng tăng, cùng với làn sóng lây nhiễm gần đây nhất có ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế không mạnh mẽ như làn sóng lây nhiễm đầu tiên bùng phát hồi tháng 3-4/2020.
Tuy nhiên, tốc độ triển khai tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 chậm hơn dự kiến và tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng có thể dẫn đến các biện pháp phong tỏa chặt chẽ hơn và lâu hơn. Điều này sẽ tác động đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
Trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng tốt nhưng lĩnh vực dịch vụ đang bị ảnh hưởng bởi một loạt biện pháp hạn chế mới, dẫn đến các mô hình tăng trưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng tại khu vực Eurozone đã chậm lại trong những tháng cuối năm 2020, sau khi ghi nhận đà phục hồi trong quý 3/2020.
ECB nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế trong khu vực Eurozone cần được hỗ trợ bởi “các điều kiện tài chính thuận lợi, tài khóa mở rộng và nhu cầu phục hồi khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ và tình trạng bất ổn giảm dần.”
Báo cáo cũng đánh giá sơ lược về các nền kinh tế lớn trên thế giới, trong đó Trung Quốc “tiếp tục chứng kiến quá trình phục hồi mạnh mẽ.” Tốc độ tăng trưởng 2,3% đã đưa Trung Quốc trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt mức tăng trưởng dương năm 2020.
Số liệu trong quý 4/2020 cho thấy đà phục hồi ở Trung Quốc đã tăng lên, từ đầu tư sang tiêu dùng, và lĩnh vực dịch vụ đang “lấy lại đà” trong bối cảnh đại dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()