EC nên mua lại ngũ cốc của Ukraine và gửi tới châu Phi
Đề xuất trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra trong cuộc họp báo ngày 23/9 (giờ địa phương). Ông đồng thời khẳng định Nga không phớt lờ đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres về việc gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.
Chỉ quay lại khi những quan ngại được giải quyết
Tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho biết, ngũ cốc Ukraine đang được cung cấp cho các nước châu Âu, trong đó nhiều nước không muốn nhập khẩu số ngũ cốc này vì họ không muốn gây sức ép cạnh tranh cho nông dân của mình. Để giải quyết số ngũ cốc Ukraine bị một số nước châu Âu từ chối nhập khẩu, Ủy ban châu Âu (EC) nên mua lại số ngũ cốc này và chuyển chúng tới các nước châu Phi đang có nhu cầu.
Ông lấy ví dụ về việc 260.000 tấn phân bón của Nga bị ách tắc ở các cảng của Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2022, đã được nước này chuyển miễn phí tới các nước châu Phi như Malawi, Kenya. Thông báo về kết quả hoạt động tại Đại hội đồng LHQ khóa 78, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cho biết ông đã giải thích với Tổng Thư ký Antonio Guterres về lý do đề xuất gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen của người đứng đầu LHQ không hiệu quả.
Ông khẳng định Nga không phớt lờ đề xuất của ông Antonio Guterres mà đơn giản chỉ là biện pháp này không thể thực hiện. Điện Kremlin đã nêu rõ rằng, sẽ quay lại thỏa thuận chỉ khi nào những quan ngại của Moscow được giải quyết. Ông nói: “Lý do chính khiến chúng tôi rời bỏ thỏa thuận là vì mọi lời cam kết với chúng tôi thực ra chỉ là lời dối trá. Tôi tôn trọng nỗ lực của Tổng Thư ký và các cơ quan của LHQ. Họ thực sự đang nỗ lực nhưng chúng tôi chưa thấy ngân hàng nông nghiệp chính của chúng tôi quay trở lại hệ thống SWIFT, cũng như chúng tôi chưa thấy giải pháp nào cho phép Nga tiếp cận các cảng ở Địa Trung Hải và các cảng khác mà không bị cản trở, cũng như không có giải pháp cho vấn đề bảo hiểm khi chi phí đã tăng gấp 4 lần. Không vấn đề nào trong số này được giải quyết cả”.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Sergei Lavrov, trong đó đưa ra các đề xuất cụ thể nhằm khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen vốn đã hết hạn từ tháng 7 vừa qua. Trong bức thư, ông Antonio Guterres đã nhấn mạnh đến việc các bên phải thực hiện các cam kết đối với Nga: “Tôi tin rằng, chúng tôi đã đưa ra những đề xuất có thể là cơ sở cho việc gia hạn thỏa thuận một cách ổn định. Chúng ta không thể có một sáng kiến Biển Đen đi từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, đình chỉ hết lần này đến lần khác. Chúng ta cần phải có một thứ gì đó hiệu quả và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”. Theo thông tin được Bộ Ngoại giao Nga cung cấp, nội dung chính các đề xuất của Tổng Thư ký LHQ đưa ra gồm kết nối lại một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp Nga – Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, thiết lập một nền tảng bảo hiểm, dỡ bỏ phong tỏa tài sản ở nước ngoài của các công ty sản xuất phân bón Nga và cho phép các tàu của Nga cập bến các cảng châu Âu. Đổi lại, LHQ muốn Nga bảo đảm Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được nối lại ngay lập tức và đầy đủ.
EU phân cực vì ngũ cốc Ukraine
EU hồi tháng 5 đã vào cuộc để ngăn chặn từng quốc gia áp đặt lệnh cấm đơn phương và áp đặt lệnh cấm nhập khẩu vào các nước láng giềng. Theo lệnh cấm của EU, Ukraine được phép xuất khẩu qua các nước này với điều kiện sản phẩm phải được bán ở nơi khác. Tuy nhiên, sau khi Ukraine cam kết thực hiện những biện pháp thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng và EU không gia hạn các lệnh cấm vào ngày 15/9, Hungary, Ba Lan và Slovakia đơn phương tuyên bố ngăn chặn dòng ngũ cốc khiến cho căng thẳng giữa 3 nước này với Ukraine tiếp tục gia tăng. Mặc dù họ vẫn khẳng định cho phép quá cảnh các sản phẩm của Ukraine sang các nước khác tuy nhiên đây là một thời điểm vô cùng nhạy cảm bởi nó diễn ra khi người nông dân châu Âu vào mùa thu hoạch và chuẩn bị bán nông sản. Hiện vẫn chưa thể tính toán cụ thể được thiệt hại và các rủi ro lương thực nếu có sự gián đoạn xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen nhưng vấn đề này đã đẩy mâu thuẫn, chia rẽ trong cách thức ứng phó của các quốc gia EU đối với cuộc xung đột hiện nay.
Rõ ràng việc 3 quốc gia là Ba Lan, Hungary và Slovakia công khai thách thức quyết định không gia hạn lệnh cấm vận đối với ngũ cốc của Ukraine của EC sẽ đặt ra câu hỏi liệu EU sẽ phản ứng thế nào để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, EC sẽ không vội vàng thực hiện những hành động mạnh tay với 3 nước này đặc biệt khi cuộc tổng tuyển cử ở Ba Lan và Slovakia chuẩn bị diễn ra. Một số quan chức cấp cao trong EC cho biết hiện tại EU chưa có ý muốn thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại các quốc gia này. Tuy nhiên, EU đã cảnh báo rằng, một hành động cứng rắn có thể diễn ra sau đó. Cuối tuần qua, người phát ngôn của EC đã nhắc nhở 3 nước rằng, chính sách thương mại là thẩm quyền độc quyền của Ủy ban, từ đó có thể suy đoán EC có thể có hành động chống lại 3 quốc gia này bất chấp những lý do ảnh hưởng về kinh tế được đưa ra để ngăn nhập khẩu sản phẩm ngũ cốc từ Ukraine.
Thậm chí, việc này có thể dẫn đến các hình phạt từ Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) dành cho 3 nước Đông Âu. Trong một diễn biến đáng chú ý, ngày 18/9, Ukraine có kế hoạch kiện Ba Lan, Hungary và Slovakia với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về các lệnh cấm đối với các sản phẩm nông nghiệp của nước này. Đây cũng là một thời điểm vô cùng khó khăn khiến EU phải cân nhắc kỹ lưỡng. Những động thái của EU có thể dẫn tới thay đổi về quan điểm ngoại giao chính trị, thậm chí có thể ảnh hưởng tới quan hệ nội bộ EU trong bối cảnh các quốc gia như Ba Lan, Slovakia bước vào bầu cử tới đây. Một động thái cứng rắn của EU có thể khiến người nông dân châu Âu cảm thấy bất an bị can thiệp quá sâu dẫn tới gây bất lợi cho người dân trong lĩnh vực này. Trong khi những ảnh hưởng kinh tế từ đại dịch COVID-19, xung đột vẫn chưa lắng xuống, việc các biện pháp của EU làm ảnh hưởng đến đời sống người dân có thể dẫn tới những chia rẽ to lớn hơn trong những quyết định tiếp theo của khối.
Theo giới chuyên gia, đánh giá việc cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine là bước thử nghiệm trong nhiều phép thử sắp tới của châu Âu dành cho Kiev là hoàn toàn có cơ sở. EC vừa cam kết dỡ bỏ lệnh cấm vận trước ngày 15/9 và đã đưa ra quan điểm nghiên cứu các giải pháp thay thế, chẳng hạn như cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực vận tải qua sông Danube, qua đó có thể giảm bớt căng thẳng đặt ra trên các tuyến đường bộ sau sự sụp đổ của hành lang Biển Đen. Ngay khi EU quyết định chấm dứt các hạn chế của khối đối với việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đã tạo ra những mâu thuẫn gay gắt giữa lợi ích của khối này và một số nước Đông Âu. Các quốc gia Đông Âu cho biết đang phải hứng chịu làn sóng ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine, làm chao đảo thị trường nông nghiệp, các quyết định đơn phương của Ba Lan, Hungary và Slovakia với sản phẩm ngũ cốc của Ukraine cũng đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng trong khối và tạo ra những nguy cơ bất đồng kéo dài giữa Ủy ban châu Âu và các thành viên.
Sự chia rẽ trong các quyết định đối với cuộc xung đột hiện nay từ lâu vẫn luôn âm ỉ, nhưng những động thái mới đây càng khiến cho căng thẳng trong khối gia tăng; đẩy Ba Lan và Ukraine, hai quốc gia được coi là đồng minh thân cận và có ủng hộ rất lớn trong suốt quá trình xung đột cũng rơi vào căng thẳng ngoại giao mới. Thậm chí, quyết định này cũng được đánh giá là một giải pháp trung dung, trong đó tăng cường mức độ kiểm soát đối với ngũ cốc của Ukraine nhưng dưới sự giám sát trực tiếp của Kiev, tạo ra ý thức chia sẻ trách nhiệm đối với cuộc tranh chấp nông sản kéo dài.
Nguồn:https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/ec-nen-mua-lai-ngu-coc-cua-ukraine-va-gui-toi-chau-phi-i708209/
Ý kiến ()