EC hoan nghênh gói 540 tỷ euro ứng phó với đại dịch Covid-19
Chủ tịch EC Charles Michel. Ảnh: Reuters.
Ông Charles Michel nói rằng, việc đạt được thỏa thuận này thể hiện sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên EU vì mục tiêu chung là giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Ông nói: “Thỏa thuận của nhóm Eurozone là một bước đột phá quan trọng. Với những biện pháp chưa từng có này, chúng ta cùng gánh trách nhiệm đối phó với cuộc khủng hoảng chung. Đã đến lúc đặt nền móng cho sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ”.
Quỹ cứu trợ trị giá 540 tỷ euro hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 trong đó Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) lập quỹ 200 tỷ euro hỗ trợ các doanh nghiệp, Cơ chế ổn định châu Âu (ESM) sẽ mở các khoản tín dụng 240 tỷ euro (2% GDP của các nước eurozone) sẽ được cung cấp cho các nước yêu cầu hỗ trợ để chống lại tác động kinh tế do đại dịch gây ra, Ủy ban châu Âu hỗ trợ 100 tỷ euro nhằm giảm tình trạng thất nghiệp tại các quốc gia thành viên (SURE) do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong khi ESM chỉ dành riêng cho các quốc gia trong khu vực eurozone, thì với EIB và SURE, tất cả các quốc gia thành viên EU đều có thể tiếp cận.
Tuy nhiên gói cứu trợ vẫn cần phải được các nhà lãnh đạo chính phủ của EU chính thức thông qua.
Viết trên trang Twitter, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh “thỏa thuận tuyệt vời của các bộ trưởng tài chính châu Âu để phản ứng trước tác động kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. 500 tỷ euro sẵn sàng ngay lập tức.
Pháp và Đức đã ủng hộ nỗ lực của Chủ tịch tịch Eurogroup Mario Centeno hòa giải bất đồng sau khi cuộc họp qua video của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone kéo dài 16 giờ hôm thứ Tư không đạt được thỏa thuận. Vì vậy, thỏa thuận đã đạt được vào tối ngày 9-4 sau nhiều giờ thảo luận.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Wopke Hoekstra cho biết, gói cứu trợ này sẽ giúp các nước có nhu cầu tài chính trong ngắn hạn và đồng thời xây dựng các nền kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn trong dài hạn. Đó là một dấu hiệu mạnh mẽ và có ý nghĩa của châu Âu đoàn kết.
Tuy đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ nhưng về vấn đề phát hành trái phiếu “coronabonds” không đạt được. Một nhóm gồm chín nước EU, trong đó Italy, Tây Ban Nha và Pháp muốn phát hành trái phiếu “coronabonds” để hỗ nỗ lực phục hồi chung. Nhưng một số nước thành viên khác như Hà Lan, Đức và Áo lại lên tiếng phản đối.
Ý kiến ()