EAC: Tiến trình hòa bình ở miền Đông CHDC Congo đang đi đúng hướng
Tổng thống Burundi và điều phối viên của Cộng đồng Đông Phi đã xem xét những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các hợp phần chính trị và quân sự nhằm ổn định miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo.
Ngày 5/11, Cộng đồng Đông Phi (EAC) cho biết tiến trình hòa bình ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo do tổ chức này dẫn đầu đang đi đúng hướng.
Theo tuyên bố của EAC, tiến trình hòa bình đã được xem xét vào ngày 4/11 trong cuộc họp tham vấn diễn ra tại thủ đô Bujumbura của Burundi.
Chủ trì cuộc họp là Tổng thống Burundi Evariste Ndayishimiye (người đang giữ vai trò Chủ tịch hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EAC) và ông Uhuru Kenyatta, điều phối viên của EAC về tiến trình hòa bình ở khu vực phía Đông Cộng hòa Dân chủ Congo và là cựu Tổng thống Kenya.
Tuyên bố nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã xem xét những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các hợp phần chính trị và quân sự nhằm ổn định miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo.
Với việc tiếp tục hình thành và triển khai lực lượng, tiến trình này đang hướng tới một giải pháp toàn diện để đảm bảo an ninh lâu dài tại khu vực này.
Hai nhà lãnh đạo cũng điểm lại những diễn biến gần đây ở Bắc Kivu, đặc biệt là sự bùng phát bạo lực, và cho biết điều này đang làm suy yếu những thành quả đã đạt được.
Cuộc họp tham vấn cũng nhất trí về một lộ trình thực hiện hướng tới một giải pháp lâu dài cho hòa bình và an ninh ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời khuyến khích sự phát triển song song giữa tiến trình do EAC dẫn đầu và tiến trình Luanda (do Angola đứng ra làm trung gian hòa giải) nhằm xoa dịu căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda.
Phiên tiếp theo của đối thoại hòa bình dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 16/11 tại thủ đô Nairobi của Kenya.
Cùng ngày 5/11, các Ngoại trưởng của Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda đã gặp nhau tại Angola, trong nỗ lực mới nhất nhằm giảm leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Angola Joao Lourenco kiêm nhà hòa giải của Liên minh châu Phi (AU) Joao Lourenco đã tiếp Ngoại trưởng của hai nước nói trên tại thủ đô Luanda.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm, hai ngoại trưởng nhất trí duy trì đối thoại như là biện pháp ưu tiên giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị giữa Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda, đồng thời xác định khung thời gian để đẩy nhanh kế hoạch giảm leo thang căng thẳng được ký kết vào tháng 7 vừa qua.
Lộ trình nhằm chấm dứt sự thù địch giữa hai nước nói trên đã đạt được tại hội nghị do Angola làm trung gian giữa Tổng thống Rwandan Paul Kagame và người đồng cấp Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi.
Cuộc hội đàm diễn ra trong bối cảnh giao tranh gia tăng giữa lực lượng dân quân M23 và quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo ở miền Đông nước này, với việc phiến quân chiếm được nhiều vùng lãnh thổ mới trong những tuần gần đây.
M23 là nhóm vũ trang hoạt động tại miền Đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, chủ yếu ở tỉnh Bắc Kivu.
M23 lần đầu tiên nổi lên vào năm 2012 khi nhóm này chiếm được tỉnh Goma trong một thời gian ngắn trước khi bị đánh bại trong cuộc tấn công phối hợp giữa các binh sỹ Liên hợp quốc và Cộng hòa Dân chủ Congo.
M23 đã bị đánh bật khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo sau khi nhóm này phát động cuộc nổi loạn trong 2 năm 2012 và 2013. Sau khi buộc phải rút chạy khỏi Cộng hòa Dân chủ Congo, các phần tử M23 đã chạy sang lãnh thổ Rwanda và Uganda.
Sau nhiều năm yên ắng, M23 tiếp tục hoạt động vũ trang trở lại vào cuối năm 2021. Kể từ đó, M23 đã chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở tỉnh Bắc Kivu, gây mất ổn định ở khu vực Trung Phi.
Cộng hòa Dân chủ Congo cáo buộc Rwanda hỗ trợ M23, song Rwanda đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc này. Cuối tháng trước, Cộng hòa Dân chủ Congo đã trục xuất đại sứ của Rwanda, đồng thời triệu hồi đặc phái viên của nước này từ Kigali./.
Ý kiến ()