Duy trì và phát triển rừng trồng các loài keo trong tương lai
Đó là chủ đề của hội thảo quốc tế do Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (VAFS), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Quốc tế các tổ chức nghiên cứu lâm nghiệp (IUFRO) tổ chức tại TP Huế từ ngày 18 đến 21-3.
Hơn 200 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý lâm nghiệp và các doanh nghiệp về lâm nghiệp đến từ các nước trên thế giới tham dự hội nghị.
Keo là loài cây đã và đang trở thành nguồn nguyên liệu quan trọng mang tính toàn cầu với hơn 3,5 triệu ha, gồm các loại hình rừng trồng kinh tế tập trung, rừng phòng hộ, nông lâm kết hợp và hộ gia đình. Loài keo có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội và môi trường trên thế giới, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.
Ở Việt Nam, các loài keo hiện được trồng rất phổ biến và các hoạt động nghiên cứu, phát triển được triển khai rất thành công. Diện tích rừng trồng các loài keo ở nước ta hiện có khoảng 900 nghìn ha, cung cấp 90% trong tổng số 5,4 triệu tấn gỗ dăm xuất khẩu trong năm 2011, trị giá khoảng 650 triệu USD; trong đó 300 triệu USD là lợi nhuận của người trồng rừng. Vì thế, việc nghiên cứu và phát triển các loài keo phục vụ trồng rừng, chế biến xuất khẩu gỗ, hỗ trợ các ngành công nghiệp liên quan có vai trò quan trọng; đặc biệt hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, tăng độ phì nhiêu cho đất.
Trong 25 năm qua, VAFS đã hợp tác với cộng đồng khoa học quốc tế, đặc biệt là Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế Australia để tạo nên nền tảng khoa học vững chắc cho việc mở rộng rừng trồng các loài keo tại Việt Nam. Việc quản lý bền vững rừng trồng các loài keo có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu của chính sách xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nâng cao độ phì nhiêu cho đất, giảm thiểu phát thải và tăng nguồn dự trữ khí các bon (CO).
Trong những ngày hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận và trao đổi các thông tin khoa học, chính sách và công tác quản lý lâm nghiệp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường của rừng trồng các loài keo; đặc biệt là năng suất, chất lượng, tính bền vững tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()