Duy trì tuyến xuất khẩu lương thực qua Biển Đen
Duy trì tuyến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Ðen là một trong những vấn đề trọng tâm trong chuyến thăm Ukraine của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Sau gần một tháng triển khai, “sáng kiến ngũ cốc Biển Ðen” đã có bước khởi đầu thuận lợi, song vẫn còn nhiều trở ngại để dòng chảy lương thực này tiếp tục thông suốt.
Tàu chở ngũ cốc neo tại cảng Chornomorsk, Ukraine ngày 29/7. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Trong chuyến thăm lần thứ 2 đến Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã có cuộc thảo luận trực tiếp với hai nhà lãnh đạo Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề quan trọng, trong đó có việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ngũ cốc.
Ông Guterres cũng tới cảng Odessa thị sát việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và tới Thổ Nhĩ Kỳ thăm Trung tâm điều phối chung (JCC), cơ quan giám sát việc thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Giới quan sát nhận định, lịch trình của ông Guterres cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Liên hợp quốc đối với dòng chảy lương thực quan trọng qua Biển Ðen.
Tại cuộc họp báo ở Ukraine, Tổng Thư ký Liên hợp quốc khẳng định, bảo đảm nguồn cung lương thực từ Ukraine và Nga ra thế giới là chìa khóa quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay.
Trên thực tế, chưa đầy một tháng kể từ khi Nga và Ukraine ký các thỏa thuận riêng rẽ với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu, 25 tàu chở ngũ cốc đã rời các cảng ở Ukraine. Khoảng 630.000 tấn nông sản của Ukraine được xuất khẩu thông qua “hành lang an toàn” trên Biển Ðen. Ðáng chú ý, tàu chở lương thực là lô hàng viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc đã xuất phát từ Ukraine đến hỗ trợ người dân khu vực Sừng châu Phi, nơi đang trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khơi thông dòng chảy ngũ cốc là “một mũi tên trúng nhiều đích”, không chỉ giúp “cởi trói” cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Ðen, mà còn bảo đảm lương thực và phân bón của Nga không chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, từ đó góp phần “hãm phanh” đà tăng giá lương thực trên thế giới, giúp những người dân dễ bị tổn thương tiếp cận thực phẩm dễ dàng hơn.
Thứ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Yuriy Vaskov tuyên bố, trong tháng 9 tới, Ukraine có thể xuất khẩu ra thị trường thế giới 3 triệu tấn ngũ cốc từ các cảng của nước này và trong tương lai có thể nâng khối lượng xuất khẩu lên 4 triệu tấn/tháng. Trong khi đó, theo thỏa thuận các bên đạt được, các sản phẩm phân bón và lương thực của Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, cũng được tạo điều kiện cần thiết để tiếp cận thị trường toàn cầu.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres từng ví các thỏa thuận đạt được cuối tháng 7 vừa qua như “ngọn hải đăng trên Biển Ðen” giúp ổn định giá lương thực, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay. Nga và Ukraine được coi là những “vựa lương thực” hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường toàn cầu. Ngoài lúa mì, Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt, trong khi Ukraine là nhà cung cấp chính về ngô và dầu hướng dương.
Tuy nhiên, các bên đang đối mặt nhiều thách thức để dòng chảy quan trọng này tiếp tục thông suốt. Nhiều chuyên gia cho rằng, với số lương thực tồn kho tại Ukraine, số lượng tàu tham gia hiện chưa đủ, một phần do nhiều công ty bảo hiểm còn e ngại bảo đảm cho các chuyến hàng đi qua khu vực xung đột. Vấn đề cấp thiết của Ukraine là sớm “giải phóng” khoảng 18 triệu tấn ngũ cốc còn tồn đọng từ mùa vụ trước để nhường chỗ chứa cho vụ thu hoạch năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cũng cho biết, Moskva vẫn đối mặt nhiều trở ngại trong việc xuất khẩu nông sản và phân bón ra thị trường quốc tế. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, khó khăn lớn nhất là nguồn cung thiết bị nông nghiệp, do chịu ảnh hưởng gián tiếp từ các lệnh trừng phạt.
Khơi thông dòng chảy lương thực qua Biển Ðen góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và bình thường hóa giao dịch trên thị trường quốc tế. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi các bên vượt qua trở ngại trên tinh thần thỏa hiệp để duy trì tuyến xuất khẩu lương thực quan trọng này.
Ý kiến ()