Duy trì thi, tuyển sinh theo giải pháp "ba chung" đến năm 2015
Ngày 14-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) toàn quốc nhằm đánh giá công tác thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH năm 2011 và nhiệm vụ năm 2012.
Trong đó, việc công bố chính thức kế hoạch thi, tuyển sinh năm 2012 và lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh ĐH, CĐ cho những năm tiếp theo thu hút sự quan tâm của đông đảo đại diện các trường ĐH, CĐ và dư luận xã hội. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dự hội nghị.
Theo Bộ GD và ĐT, công tác thi, tuyển sinh từ nay đến năm 2015 vẫn thực hiện theo phương pháp “ba chung” như những năm trước đây. Tuy nhiên, sẽ có những điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển… nhằm tạo sự linh hoạt cho các trường và nhiều cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Từ năm 2016 đến 2019, sẽ chỉ tổ chức thi, tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có hai môn công cụ bắt buộc là Toán, Ngữ văn, còn lại là các môn thi tự chọn. Từ năm 2020, khi Luật Giáo dục ĐH đi vào cuộc sống, có sự phân tầng ĐH cùng với công tác kiểm định chất lượng đi vào nền nếp, việc thi tuyển chỉ còn diễn ra ở các trường ĐH tốp đầu và các trường theo định hướng nghiên cứu, các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông.
Thứ trưởng GD và ĐT Bùi Văn Ga cho biết, để thực hiện lộ trình đổi mới, năm 2012, công tác thi, tuyển sinh dự kiến có một số điều chỉnh. Trong đó, các trường căn cứ về tiêu chí tỷ lệ sinh viên chính quy/giảng viên cơ hữu và diện tích sàn xây dựng phục vụ trực tiếp công tác đào tạo/ sinh viên để tự xác định chỉ tiêu của mình. Ngoài ra, các trường ĐH thực hiện tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia đoạt giải nhất, nhì, ba; các trường CĐ tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia giải khuyến khích vào các ngành đúng hoặc ngành gần đúng theo môn học sinh đoạt giải. Nếu học sinh không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đoạt giải, thì được ưu tiên theo hướng: Dự thi đủ số môn quy định, kết quả thi đạt điểm sàn trở lên, không có môn nào bị điểm 0 sẽ được tuyển. Ngoài ra, các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước nhưng có thể bổ sung khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) nếu thấy cần thiết. Riêng đối với lịch thi sẽ được điều chỉnh ba đợt thi vào các ngày thứ bảy, chủ nhật của ba tuần đầu tháng 7. Bổ sung thêm cụm thi Hải Phòng, do Trường ĐH Hàng hải làm trưởng cụm thi, tổ chức thi cho thí sinh có hộ khẩu thường trú tại TP Hải Phòng và Quảng Ninh có nguyện vọng học tại Trường ĐH Hàng hải và các trường đại học đóng trên địa bàn TP Hà Nội. Đáng chú ý, trong công tác tuyển sinh năm 2012, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển với điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn; không quy định số đợt, số nguyện vọng, thời gian mỗi đợt xét tuyển; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước…
Tại hội nghị, đại diện phần lớn các trường ĐH, CĐ đều nhất trí với lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ GD và ĐT. Tuy nhiên, kế hoạch đổi mới cũng gây khó khăn cho một số trường và thí sinh. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh Đinh Xuân Khoa, việc tiếp tục thi, tuyển sinh theo hình thức “ba chung” là cần thiết vì phần khó khăn nhất là việc ra đề, bảo đảm đề thi được Bộ GD và ĐT thực hiện. Ngoài ra, việc thực hiện tuyển thẳng học sinh giỏi đoạt giải trong kỳ thi quốc gia, bổ sung thêm khối thi A1 nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng, việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm sẽ khiến hiệu trưởng các trường chịu nhiều áp lực hơn nhưng là hoạt động phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục ĐH. Tuy nhiên, việc trao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các trường mà không thực hiện in và phát hành cuốn Những điều cần thiết về thi, tuyển sinh làm “cẩm nang” cho thí sinh là không phù hợp. Nhất là học sinh vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ rất khó khăn trong việc tìm hiểu, đăng ký tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử của các trường ĐH, CĐ.
Ở khía cạnh khác, một số trường ĐH trực thuộc tỉnh cũng như các trường khối văn hóa, nghệ thuật thì lo ngại việc đổi mới công tác xác định chỉ tiêu và không cho trường ĐH đào tạo trình độ trung cấp sẽ phát sinh nhiều bất cập. Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Đính, phần lớn các trường ĐH trực thuộc tỉnh là nâng cấp từ các trường trung cấp, cao đẳng. Vì vậy nếu không được đào tạo trình độ trung cấp thì nhu cầu nguồn nhân lực có trình độ trung cấp của địa phương đó phải đào tạo từ địa phương khác có trường trung cấp. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường ĐH sân khấu điện ảnh Trần Thanh Hiệp thì lo ngại khối văn hóa nghệ thuật có đặc thù riêng tuyển chọn thí sinh có năng khiếu nhưng theo quy định của Bộ GD và ĐT, nếu bắt buộc thi môn Văn cùng chung với khối C thì nhiều em năng khiếu rất tốt nhưng lại bị trượt vì môn Văn điểm quá thấp.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng lo ngại việc thay đổi xét tuyển các nguyện vọng không khống chế thời gian “chốt” cho toàn bộ công tác tuyển sinh của năm là không phù hợp. Mặc dù, ưu tiên thuận lợi xét tuyển nhiều lần tạo điều kiện cho thí sinh, khó cho trường là đúng nhưng vẫn cần giới hạn mốc thời gian nếu không khó có thể khai giảng năm học, thực hiện kế hoạch đào tạo. Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Nghĩa cũng nhìn nhận: Việc đổi mới tuyển sinh đã có lộ trình nhưng cần có sự đồng bộ, gắn với đổi mới thi tốt nghiệp THPT, dạy và học ở các bậc phổ thông. Cần có một đề án về đổi mới thi, tuyển sinh chung nhất, tránh tình trạng rời rạc, nhỏ lẻ gây hoang mang cho thí sinh.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Phạm Vũ Luận, công tác thi, tuyển sinh sẽ tiếp tục thực hiện giải pháp “ba chung” đến năm 2015 nhưng theo hướng điều chỉnh dần nhằm tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, đồng thời minh bạch các hoạt động của ngành giáo dục. Bộ GD và ĐT sẽ thực hiện việc tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trên cơ sở bảo đảm tiêu chí, quan trọng nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Các trường ĐH, CĐ được xét chỉ tiêu nhiều lần nhưng sẽ “chốt” khung thời gian cho kỳ tuyển sinh của cả năm chứ không “thả nổi” đến hết năm. Đáng chú ý, Bộ GD và ĐT khuyến khích các đơn vị xuất bản và thống nhất với Nhà xuất bản Giáo dục xem xét tiếp tục in cuốn Những điều cần biết về thi, tuyển sinh trên cơ sở số liệu do các trường thông tin và tự chịu trách nhiệm nhằm tránh gây hoang mang lo lắng cho học sinh và phụ huynh. Bộ GD và ĐT sẽ sớm có văn bản chính thức về công tác thi, tuyển sinh năm nay…
Ý kiến ()