Duy trì phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Mục tiêu chung mà cộng đồng quốc tế đang tập trung hướng tới là duy trì phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó phát huy vai trò của các nước giàu và các tổ chức tài chính. Bằng việc phát triển các chiến lược dài hạn đồng hành với quá trình chuyển đổi theo hướng xanh hơn, kỹ thuật số hơn, nhiều nước đang nỗ lực đạt được mục tiêu tham vọng, song sự phục hồi chưa đồng đều được cảnh báo tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.
Trong khuôn khổ các ưu tiên của Italia, Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay với chủ đề là “Con người, hành tinh, sự thịnh vượng”, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 đã thảo luận các vấn đề về kinh tế quốc tế và y tế toàn cầu cũng như những nỗ lực hướng tới sự phục hồi và tăng trưởng bền vững hơn. Hội nghị đã đề cập mối liên hệ giữa cuộc cách mạng kỹ thuật số và năng suất, việc hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, các vấn đề của khu vực tài chính và việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh.
Các bộ trưởng tài chính G20 đang hợp tác chặt chẽ với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Hội đồng Ổn định tài chính, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) để giải quyết các vấn đề liên quan hợp tác kinh tế quốc tế, bảo đảm sự ổn định tài chính toàn cầu, giảm rủi ro. Sự “bắt tay” chặt chẽ hơn giữa G20 và các tổ chức tài chính, kinh tế diễn ra trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế thế giới bị đe dọa bởi sự gia tăng các biến thể mới của Covid-19 và khả năng khó tiếp cận vaccine ở các nước đang phát triển. Mặc dù triển vọng kinh tế toàn cầu đã được cải thiện đáng kể nhờ việc triển khai chiến dịch tiêm chủng và các gói hỗ trợ kinh tế, song vẫn rất mong manh khi thế giới phải đối mặt các biến thể mới, nhất là biến thể Delta. G20 khẳng định quyết tâm sử dụng tất cả công cụ chính sách có sẵn trong thời gian cần thiết để giải quyết các hậu quả bất lợi của Covid-19.
Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cảnh báo về tình trạng phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đe dọa sự gắn kết tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định và an ninh trên toàn cầu. Trong khi tốc độ tăng trưởng nhanh của các quốc gia giàu có như Mỹ, khu vực đồng Euro (Eurozone) là tin tốt lành, thì tốc độ tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển, nhất là ở châu Phi và Mỹ la-tinh, lại bị kìm hãm bởi tiến độ tiêm vaccine ngừa Covid-19 chậm. Người đứng đầu IMF kêu gọi các nước giàu có hành động mạnh mẽ hơn trong vấn đề chia sẻ vaccine để có thể san sẻ “gánh nặng” kinh tế cho các quốc gia nghèo hơn, giúp giảm rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.
Ý kiến ()