Chủ nhật, 24/11/2024 06:27 [(GMT +7)]
Duy trì phổ cập tiểu học đúng độ tuổi - cách làm của Đình Lập
Thứ 3, 01/11/2011 | 09:16:00 [(GMT +7)] A A
LSO- Một lớp ghép 1-2 với 5 học sinh, cô giáo đang uốn nắn dòng chữ viết cho các em học sinh lớp 1; bên cạnh, chiếc bàn xoay ngang có 2 học sinh lớp 2 đang miệt mài làm những con tính… cô giáo và 5 học trò trong một căn phòng rộng mới xây, cứ âm thầm như vậy trong suốt cả năm học…
Lớp ghép 2 trình độ tại trường tiểu học 2 xã Thái Bình
Trao đổi về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Thái Bình cho biết, nhà trường chỉ có 113 học sinh, nhưng được chia ra những 19 lớp tại 7 điểm trường, trong đó có tới 7 lớp ghép 2 trình độ. Được phân công đảm nhiệm các thôn khu vực phía bắc của xã với nhiều thôn bản cách xa nhau, dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp, bị chia cắt bằng núi cao, khe sâu, các cán bộ giáo viên Trường tiểu học 2 phải nỗ lực rất nhiều trong việc huy động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, chống lưu ban bỏ học để giữ vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ và duy trì kết quả phổ cập tiểu học đúng độ tuổi (ĐĐT).
Đối với một huyện thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh như Đình Lập, thì sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên trường tiểu học 2 xã Thái Bình chỉ là một ví dụ nhỏ. Và Thái Bình chỉ là một trong nhiều xã khó khăn như Đồng Thắng, Bắc Xa, Kiên Mộc, Bính Xá, Lâm ca, Bắc Lãng… Do quá khó khăn, nhất là huy động học sinh đi học, nên trong công tác phổ cập tiểu học chống mù chữ và phổ cập tiểu học ĐĐT, Đình Lập luôn là địa phương “về sau”. Với nhận thức không chạy đua thành tích mà chú trọng chất lượng, Đình Lập là địa phương luôn rút kinh nghiệm của những huyện “đi trước” để tìm ra cách thức và những bước đi thích hợp cho riêng mình trong một công việc phức tạp và đòi hỏi sự đồng bộ rất cao này. Trong các giải pháp thực hiện, ngoài việc quán triệt sâu sắc Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về lợi ích của phổ cập giáo dục tiểu học ĐĐT; ngành đã triển khai một loạt hoạt động như phân công cán bộ phụ trách địa bàn, phát triển mạnh mẽ giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng dạy và học tại các nhà trường; tăng cường cơ sở vật chất để thu hút học sinh tới trường. Với mạng lưới các điểm trường tiểu học, đội ngũ giáo viên điểm trường phải chịu trách nhiệm về địa bàn của mình, họ đồng thời là những cán bộ dân vận giỏi trong công tác huy động. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, số đơn vị hoàn thành và được duy trì cứ tăng theo từng năm. Nếu năm 2001 toàn huyện chỉ có thị trấn Đình Lập hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học ĐĐT, thì năm 2002 thêm 2 đơn vị và đến tháng 10/2010 đã có 11/12 đơn vị hoàn thành với chất lượng cao nhất là thị trấn Nông Trường đạt 100% và thấp nhất là xã Kiên Mộc đạt 80%, trong đó có 1 đơn vị đạt chuẩn mức độ 2. Năm học 2010-2011, tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đã đạt 99,5% và đã có 88,8% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, còn lại 11,2% đang học tại các lớp tiểu học. Huyện được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học ĐĐT vào cuối năm 2010.
Đối với một huyện như Đình Lập, phấn đấu đạt chuẩn đã khó, giữ chuẩn còn khó hơn nhiều. Bởi vì đến nay vẫn còn xã Đồng Thắng chưa được công nhận chuẩn và có đến 5 xã có chất lượng chuẩn thấp. Để đạt mục tiêu đến hết tháng 12/2011 có tất cả 100% số đơn vị đạt chuẩn và nâng cao chất lượng chuẩn, chống “rớt chuẩn”, Đình Lập còn nhiều việc phải làm. Trước mắt mở các lớp linh hoạt để chống lưu ban bỏ học. Hiện ngành đang duy trì 7 lớp linh hoạt với 28 học sinh tại 3 xã Lâm Ca, Cường Lợi, Bính Xá và sẽ hoàn thành trong tháng 10/2011. Bước sang năm 2012, tiếp tục mở 9 lớp linh hoạt với 23 học sinh tại 4 xã là Thái Bình, Đồng Thắng, Bắc Xa, Kiên Mộc, dự kiến hoàn thành trong tháng 12/2012.
Về lâu dài, giải pháp mang lại hiệu quả nhất vẫn là thực hiện phổ cập giáo dục mầm non. Hiện nay Đình Lập là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về tỷ lệ huy động trẻ ra lớp mầm non. Nếu giữ được nhịp huy động này và nâng cao hơn nữa tỷ lệ huy động, tất sẽ có được “đầu vào” cấp tiểu học đúng độ tuổi một cách vững chắc; nếu nâng cao chất lượng cấp tiểu học, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học sẽ cao. Tất nhiên điều đó sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó việc xây dựng trường lớp, bổ sung trang thiết bị… là quan trọng. Tuy nhiên “yếu tố quan trọng” này lại nằm ngoài “tầm tay” của cấp huyện.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()