Duy trì, phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ
LSO-Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất phân bổ cho các địa phương từ Chương trình xây dựng nông thôn mới trong những năm qua không nhiều. Điều này đòi hỏi mỗi địa phương phải biết chắt chiu từng đồng vốn ít ỏi đó, lựa chọn mô hình thích hợp nhất hỗ trợ nhân dân và phải duy trì được nguồn vốn.
Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng kiểm tra mô hình chăn nuôi lợn nái tại thôn Quán Bầu |
Trong năm 2011, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng được nhận nguồn lực phân bổ 200 triệu đồng cho phát triển sản xuất. Số tiền không nhiều, nên Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới của xã đã phải cân nhắc rất thận trọng, tổ chức họp quân dân chính, đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của người dân từ đó đưa ra các phương án được coi là khả thi và hiệu quả nhất và quyết định sẽ hỗ trợ lợn nái để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Số tiền vừa đủ để mua 30 lợn nái, xã hỗ trợ cho 30 hộ trên địa bàn, đối tượng ưu tiên là hộ nghèo và các gia đình bị ảnh hưởng do dịch bệnh chưa có khả năng tái đàn. Hỗ trợ theo hình thức quay vòng, lợn nái sinh sản đến lứa thứ 2 thì chuyển cho gia đình khác. Song song với công tác hỗ trợ, xã Chi Lăng liên tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi lợn nái, đồng thời suốt quá trình đó, các thành viên trong Ban quản lý xã chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát những gia đình được hỗ trợ, đảm bảo phát huy được hiệu quả. Chị Vy Thị Hiếu, thôn Quán Bầu bộc bạch: đúng lúc gia đình tôi đang khó khăn vì năm trước đàn lợn bị dịch chết hết, không còn khả năng tái đàn thì được hỗ trợ lợn nái để tiếp tục duy trì sản xuất. Những con giống này được cán bộ xã và những người có kinh nghiệm về chăn nuôi ở địa phương đến tận các trại giống có uy tín chọn mua. Chỉ sau lứa đầu tiên gia đình chị Hiếu đã thu được gần 10 triệu đồng, đủ để cải tạo lại hệ thống chuồng trại bắt đầu lứa tiếp theo trước khi chuyển giao cho hộ gia đình khác.
Không chỉ riêng gia đình chị Hiếu mà rất nhiều gia đình trên địa bàn xã Chi Lăng đã vươn lên từ mô hình này. Nhiều hộ sau lứa thứ 2, đã mua lại lợn nái với Ban quản lý xã, xã lại dùng số tiền này hỗ trợ sản xuất cho các hộ gia đình khác. Năm 2012, nguồn vốn phân bổ cho phát triển sản xuất chỉ là 40 triệu đồng, Chi Lăng tiếp tục triển khai thực hiện mô hình này. Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Chi Lăng cho biết: từ 30 lợn nái hỗ trợ ban đầu, hiện nay đàn đã phát triển tới 47 lợn nái và trên 400 lợn con. Nguồn vốn được duy trì, hiệu quả được phát huy tối đa. Trong chuyến thăm và làm việc mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đánh giá rất cao cách làm của xã Chi Lăng. Năm nay với 100 triệu đồng phân bổ cho hỗ trợ sản xuất, địa phương tiếp tục đầu tư vào mô hình này với mục tiêu đưa xã Chi Lăng trở thành vùng sản xuất tập trung, từng bước cung ứng được lợn giống cho địa bàn nội xã và khu vực lân cận.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Chánh văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới của tỉnh cho biết: không chỉ riêng xã Chi Lăng, mà trong những năm qua, với nguồn vốn hỗ trợ ít ỏi, nhưng nhiều địa phương đã xây dựng được các mô hình hiệu quả như chăn nuôi gà mía, trồng hồng không hạt, trồng nấm. Ngoài ra công tác hỗ trợ phát triển sản xuất còn được lồng ghép từ nhiều nguồn vốn thuộc các chương trình khác, kết hợp với chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo phát huy hiệu quả và duy trì được nguồn vốn hỗ trợ. Tuy nhiên, vẫn còn một số các địa phương do chưa khảo sát, xem xét các yếu tố đặc thù của địa phương mình và nhu cầu của thị trường nên công tác hỗ trợ chưa hiệu quả. Có nơi sau khi nhận được nguồn vốn phân bổ đã vội vàng mua ngay giống khoai tây hoặc phân bón để hỗ trợ, thực tế cách hỗ trợ này không mang lại hiệu quả cao và chỉ sau 1 vụ, nguồn vốn hỗ trợ đã bị “cụt”. Trong những năm qua, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh là không nhiều. Với đặc thù của tỉnh miền núi, khó khăn, các địa phương cần phải chắt chiu những đồng vốn ít ỏi đó để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc tham khảo, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người dân để từ đó đưa ra quyết định xây dựng mô hình hỗ trợ là điều quan trọng, quyết định tới hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ.
Ý kiến ()