Duy trì, phát huy hiệu quả điểm sơ cấp cứu cộng đồng
– Các điểm sơ cấp cứu (SCC) cộng đồng được đặt tại những khu vực “điểm đen” thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông trên các quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh đã góp phần giúp đỡ, SCC cho nhiều trường hợp không may gặp tai nạn. Việc duy trì mô hình này đã góp phần tích cực hỗ trợ điều trị kịp thời các nạn nhân bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 12 điểm SCC do Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh triển khai từ năm 2009, đặt tại các “điểm đen” hay xảy ra tai nạn giao thông trên các quốc lộ: 1A, 1B và 4B đoạn qua địa bàn tỉnh. Khi có tai nạn xảy ra, các tình nguyện viên (TNV) tại các điểm SCC đều khẩn trương tới hiện trường để thăm khám, SCC ban đầu và kịp thời đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho người bị nạn
Đơn cử như trong tháng 3/2022, ông N.Đ.K huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đi xe máy trên quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng thì bị tại nạn và được TNV điểm SCC thị trấn Chi Lăng SCC kịp thời. Bà Nguyễn Thanh Loan, Đội trưởng điểm SCC thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Ngay khi nhận được thông tin có tai nạn xảy ra, tôi đã khẩn trương mang theo băng bông, gạc cùng một số vật tư y tế đến hiện trường tai nạn để cầm máu, nẹp cố định cánh tay bị gãy cho nạn nhân, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa nạn nhân đến Trung tâm Y tế huyện Chi Lăng cấp cứu kịp thời.
Đó chỉ là một trong hàng trăm trường hợp bị tai nạn được các TNV tại các điểm SCC hỗ trợ kịp thời. Từ khi thành lập đến tháng 4/2022, tại các điểm SCC trên địa bàn tỉnh đã sơ cứu ban đầu cho trên 350 người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Tính riêng trong năm 2021, các TNV điểm SCC đã cấp cứu kịp thời cho 33 người bị tai nạn giao thông, giảm thiểu thương vong cho người bị nạn. Để có được những kết quả trên, hằng năm, Hội CTĐ tỉnh cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn kỹ năng SCC do Trung ương hội tổ chức. Cùng với đó, Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức mỗi năm ít nhất một lớp tập huấn các kỹ năng SCC cho các TNV. Đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ thiết bị y tế như: băng bông, gạc, kẹp cố định, các loại thuốc để có điều kiện thuận lợi nhất cho công tác SCC khi có người bị nạn.
Hiệu quả của các điểm SCC đã được khẳng định, tuy nhiên, trong quá trình vận hành, mô hình này vẫn gặp không ít khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất của các điểm SCC là nguồn lực con người. Nhiều TNV đã cao tuổi, hạn chế trong việc cập nhật kiến thức, kỹ năng mới cũng như thực hiện thao tác hỗ trợ SCC cho người bị nạn. Cùng với đó, các điểm SCC đặt nhờ nhà dân hoặc nhà văn hóa thôn, cơ sở vật chất, trang thiết bị sơ cấp cứu tại một số điểm còn thiếu thốn…
Anh Đào Quang Nguyên, Chủ tịch Hội CTĐ huyện Cao Lộc cho biết: Hiện nay, Cao Lộc có 3 điểm SCC cộng đồng ở thị trấn Cao Lộc, xã Thụy Hùng và xã Phú Xá với 9 TNV. Tuy nhiên, có 7/9 TNV có tuổi đời từ 50 đến 60 tuổi. Các điểm SCC đều đặt nhờ ở nhà dân và nhà văn hóa thôn nên các TNV không thuận tiện trong việc thay ca nhau túc trực… Do vậy, khi nhận được thông báo có tai nạn, các TNV rất khó để đến được hiện trường tai nạn cấp cứu nạn nhân một cách nhanh nhất.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh khẳng định: Dù còn nhiều khó khăn thế nhưng các điểm SCC đã vượt khó để sơ cứu cho người bị nạn vượt qua cơn nguy kịch, lan tỏa những hành động nhân ái trong cộng đồng. Trong thời gian tới, để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của mô hình, các cấp hội tiếp tục vận động nguồn lực để bổ sung trang thiết bị cho các điểm SCC. Đồng thời, tìm những TNV trẻ tuổi, năng động, nhiệt huyết thay thế những TNV cao tuổi để mô hình SCC cộng đồng phát huy hiệu quả cao nhất.
Ý kiến ()