Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Dự án thủy lợi hồ Kẻ Gỗ do cộng đồng quốc tế tài trợ đã hỗ trợ tích cực cho nông dân ở Hà Tĩnh trong xóa đói giảm nghèo bền vững. (Ảnh: Đặng Hiếu) - Như tin đã đưa, Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 (CG) được tổ chức tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị trong 2 ngày 4-5/6. Hội nghị năm nay có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đã tập trung thảo luận vấn đề giảm nghèo và giảm thiểu hậu quả thiên tai ở khu vực miền Trung Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên cao của Chính phủ, kể cả trong trường hợp có tập trung hơn vào tăng trưởng. Theo Phó Thủ tướng, ảnh hưởng tiêu cực từ việc kiểm soát lạm phát, đặc biệt đến các doanh nghiệp và vấn đề về việc làm, cần phải được giải quyết. Chính phủ trong lúc tập trung vào mục tiêu ổn định...
– Như tin đã đưa, Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam 2012 (CG) được tổ chức tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị trong 2 ngày 4-5/6. Hội nghị năm nay có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, đã tập trung thảo luận vấn đề giảm nghèo và giảm thiểu hậu quả thiên tai ở khu vực miền Trung Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khẳng định duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên cao của Chính phủ, kể cả trong trường hợp có tập trung hơn vào tăng trưởng. Theo Phó Thủ tướng, ảnh hưởng tiêu cực từ việc kiểm soát lạm phát, đặc biệt đến các doanh nghiệp và vấn đề về việc làm, cần phải được giải quyết. Chính phủ trong lúc tập trung vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cũng sẽ hướng chi tiêu vào hỗ trợ người nghèo và sẽ tiếp tục công việc này.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Hội nghị cũng hướng tới sự trao đổi để thảo luận những vấn đề lớn ảnh hưởng tới việc áp dụng chính sách và hướng dẫn của Trung ương cho giảm nghèo bền vững và giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời đưa ra những kiến nghị bổ sung cho các chính sách và hướng dẫn cấp Trung ương và việc áp dụng của cấp tỉnh. Các đề xuất nhằm tăng cường sự phối hợp, lồng ghép và thực hiện có hiệu quả hỗ trợ của các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ trong hoạt động của các tỉnh về giảm nghèo bền vững và giảm nhẹ thiên tai.
Tại Hội nghị, các đối tác phát triển đều nhất trí đánh giá cao những thành công của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô nhờ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11. Tuy nhiên, một số đối tác phát triển lưu ý Chính phủ không nên nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm bởi vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể làm đảo ngược kết quả của việc hạ nhiệt chỉ số giá cả gần đây.
Các đối tác phát triển và Chính phủ cũng nhất trí rằng hiện nay khi nền kinh tế vĩ mô đang dần đi vào ổn định, nên tập trung thúc đẩy tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công. Các đại biểu cũng đồng ý rằng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững trong đầu tư công là chìa khóa để nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam. Cải cách ngành ngân hàng và các doanh nghiệp nhà nước cũng nhận được sự quan tâm và được thảo luận tại Hội nghị. Chính phủ cũng nhận thấy rằng những cải cách dự kiến sẽ tiến hành trong hai lĩnh vực này nhằm mục đích giúp hai ngành này đạt được tiêu chuẩn quốc tế.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe tổng quan về công việc cập nhật Hệ thống Giám sát giảm nghèo Việt Nam, bao gồm các khảo sát về Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam (VHLSS) (bắt đầu từ năm 2010) và sửa đổi chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Thống kê Việt Nam. Các đại biểu đã thảo luận những quan điểm địa phương của các tỉnh miền Trung và các thách thức trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo ở khu vực này, bao gồm vấn đề nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉ lệ tăng trưởng hạn chế, cơ sở hạ tầng yếu kém và lệ thuộc vào nông nghiệp, các yếu tố dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên, lệ thuộc cao vào phúc lợi xã hội, tỉ lệ phổ cập giáo dục thấp và hiệu quả hạn chế trong hành chính công. Những nhiệm vụ trước mắt bao gồm cần phải lồng ghép giảm nghèo vào các kế hoạch phát triển chung của khu vực, củng cố các thể chế và chính sách, phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ trong việc xây dựng và thực hiện các dự án giảm nghèo, cải thiện kết cấu hạ tầng và nâng cao kĩ năng và các nguồn nhân lực.
Các đại biểu cũng thảo luận tầm quan trọng của việc đo lường các khía cạnh nhiều mặt của nghèo đói, cần phải giải quyết sự manh mún hiện nay trong các chương trình giảm nghèo và đảm bảo có một kế hoạch lồng ghép tốt hơn. Hội nghị xác định cần có chương trình xây dựng năng lực cho địa phương, cần nhanh chóng áp dụng các hướng tiếp cận sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề nghèo đói của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như giải quyết nhu cầu của nhóm cận nghèo đang gia tăng nhanh chóng. Các đại biểu cũng làm rõ tầm quan trọng của sự tham gia của các cộng đồng trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chương trình và dự án, cần phải cân nhắc sự tham gia hơn nữa của các tổ chức phi Chính phủ trong việc thực hiện dự án, lợi ích của việc lồng ghép tất cả các nghiên cứu phân tích và can thiệp về nghèo. Các đại biểu cũng lưu ý việc cần cấp thiết giải quyết các vấn đề về đất đai, đặc biệt đảm bảo việc tiếp cận đất đai cho nông dân quy mô nhỏ. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và chương trình xây dựng kĩ năng trong công tác giảm nghèo. Các đại biểu đề nghị Chính phủ đảm bảo Chương trình an sinh xã hội hiện đang được soạn thảo sẽ là một chương trình tổng thể và vững mạnh hỗ trợ cho cả chính quyền trung ương và địa phương.
Hội nghị cũng đã nghe trình bày của các tỉnh miền Trung về các vấn đề chính sách vướng mắc hiện tại ở cấp quốc gia và cấp tỉnh về Quản lý rủi ro thiên tai và những bài học kinh nghiệm liên quan. Đại diện của Oxfam (Liên minh quốc tế gồm 15 tổ chức cùng phối hợp hoạt động tại 98 quốc gia và cùng làm việc với các đối tác và liên minh khác trên khắp thế giới để tìm giải pháp bền vững cho nghèo đói và bất bình đẳng) và AusAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia) cũng trình bày những bài học và kinh nghiệm về cách tiếp cận khác nhau trong việc Quản lý rủi ro thiên tai từ các dự án của các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Các bài trình bày này cũng đưa ra một số khuyến nghị để các chương trình được triển khai hiệu quả hơn. Các khuyến nghị bao gồm sự tham gia của chính người dân địa phương, trong đó chú trọng vấn đề giới và vai trò của khu vực tư nhân, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tỉnh, sự điều phối của tất cả các bên liên quan, lồng ghép đánh giá rủi ro vào việc lên kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng trong công tác phòng chống thiên tai, lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào chương trình phát triển kinh tế xã hội địa phương, và tầm quan trọng của nâng cao nhận thức thông qua giáo dục.
Hội nghị nhất trí cùng đẩy mạnh các lĩnh vực như điều phối tốt hơn giữa chính quyền cấp tỉnh và Trung ương, giữa các tỉnh với nhau và giữa các đối tác phát triển, nâng cao nhận thức, lập kế hoạch phát triển các vùng ven sông và các hệ thống phòng chống lũ lụt tốt hơn, mở rộng mạng lưới cảnh báo sớm, lập kế hoạch quản lý rủi ro thiên tai và lồng ghép đánh giá rủi ro vào việc lập kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác phòng chống thiên tai. Các đối tác phát triển cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thay đổi từ cách tiếp cận ngắn hạn chuyển sang tập trung vào các thách thức quản lý và phòng ngừa rủi ro trung hạn. Các đại biểu kết luận rằng những khuyến nghị đưa ra là đúng đắn và có thể thực hiện được. Đồng thời, các đại biểu cam kết hỗ trợ nỗ lực này của Chính phủ.
Cũng tại Hội nghị, một báo cáo đánh giá toàn diện về quá trình tổ chức CG bao gồm những phát hiện chính và những phương án lựa chọn cho việc đổi mới phương thức tổ chức hội nghị CG cho thời gian tới đã được trình bày tại Hội nghị CG giữa kỳ lần này. Các đại biểu đã rà soát lại điểm mạnh, điểm yếu của các lựa chọn, thảo luận và đưa ra ý kiến đóng góp để quá trình tổ chức CG được hiệu quả hơn và phù hợp hơn với tình hình thực tế của Việt Nam khi đã trở thành quốc gia có thu nhâp trung bình.
Trong phiên bế mạc Hội nghị, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đồng chủ tọa Hội nghị CG đã bày tỏ sự cám ơn Chính phủ và các đối tác phát triển đã có những phiên thảo luận thật hiệu quả và khẳng định quyết tâm của các cộng đồng phát triển trong việc hỗ trợ những nỗ lực phát triển của Việt Nam. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()