Duy trì hiệu quả công tác phổ cập giáo dục
(LSO) – Để duy trì chất lượng công tác phổ cập, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ bồi dưỡng đội ngũ cho đến sắp xếp lại mạng lưới trường học, thực hiện tốt việc huy động học sinh đến trường…
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Để thực hiện công tác phổ cập giáo dục, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng giai đoạn và cho từng năm học. Trong đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đủ giáo viên theo quy định. Kịp thời điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, tăng đầu tư để hoàn thiện hệ thống trường lớp. Đẩy nhanh việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Hoàn thiện hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú. Phát triển nhanh hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh…
Học sinh Trường Tiểu học – THCS xã Điềm He, huyện Văn Quan trong giờ học tại trường
Cùng đó, Sở GD&ĐT đôn đốc, hướng dẫn phòng GD&ĐT các huyện, thành phố thực hiện rà soát, tham mưu với UBND huyện sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở giáo dục để tinh gọn bộ máy, tạo thuận lợi hơn trong công tác quản lý, điều hành. Qua đó, năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 743 trường, đến năm học 2020 – 2021, giảm xuống còn 675 trường. Ngoài ra, tình trạng thừa, thiếu phòng học giữa các cấp học trong cùng một địa bàn cũng được ngành khắc phục. Ông Ngô Văn Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Văn Quan cho biết: Đối với học sinh ở điểm trường lẻ khi dồn về điểm trường chính đã được hưởng lợi vì được học đầy đủ các môn học, nhiều em được hưởng chế độ bán trú. Nhờ đó, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, tỉ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp đạt 99,9%; duy trì sĩ số đạt 100%. Đối với cấp THCS, trẻ 11 tuổi vào lớp 6 đạt 100%; tỉ lệ duy trì sĩ số đạt 99,8%. Chất lượng giáo dục được duy trì với 99,6% học sinh tiểu học hoàn thành chương trình lớp học; 100% học sinh tốt nghiệp THCS.
Cùng với việc sắp xếp trường học, ngành giáo dục tỉnh cũng quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phát triển các đơn vị trường đạt chuẩn quốc gia, nội trú, bán trú nhằm tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh. Đầu năm học 2017 – 2018, tính riêng bậc học mầm non và phổ thông, toàn tỉnh có trên 5.200 phòng học kiên cố, chiếm trên 60% số phòng học đang sử dụng, đến năm học 2020 – 2021, số phòng học kiên cố là hơn 5.900 phòng, chiếm trên 75% số phòng học đang sử dụng. Toàn tỉnh hiện có 232 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 99 trường so với năm 2015; 10/10 huyện có trường phổ thông dân tộc nội trú; năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 98 trường phổ thông dân tộc bán trú với trên 15.200 học sinh, tăng 92 trường so với năm học 2010 – 2011…
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS Bắc Ái 2, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định trong giờ học
Ngoài ra, Sở GD&ĐT cũng quan tâm củng cố và phát triển các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động tiếp tục tham gia học tập nâng cao trình độ; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, phối hợp với các trường đại học đào tạo giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ theo quy định trong Luật Giáo dục 2019 và đáp ứng yêu cầu dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018…
Với những cách làm trên, công tác phổ cập giáo dục của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực ở cả 3 cấp: mầm non, tiểu học và THCS. Cụ thể hiện nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, tăng hơn 2% so với năm học 2017 – 2018. Từ năm học 2017 – 2018 đến nay, 100% xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Đối với cấp THCS, hiện có 7/11 huyện, thành phố đạt đạt chuẩn phổ cập mức độ 2 và 4/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập mức độ 3 (năm 2017 – 2018 mới chỉ có 3/11 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 1 và 8/11 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 2); tỉ lệ duy trì kết quả đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS hiện nay đạt 100%.
Thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc huy động học sinh, duy trì sỹ số và nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường phân luồng học sinh sau THCS; phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú; từng bước mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo đối với trung tâm giáo dục dạy nghề – giáo dục thường xuyên; duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài…
Ý kiến ()