Duy trì, củng cố chất lượng công tác phổ cập giáo dục
– Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, ngành giáo dục Lạng Sơn đã thực hiện hiệu quả công tác phổ cập giáo dục (PCGD), góp phần đảm bảo công tác giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên địa bàn tỉnh.
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, do đó, công tác PCGD, nhất là tại các trường vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh luôn là vấn đề trọng tâm đầu năm học của ngành giáo dục tỉnh. Bằng sự quyết tâm của ngành giáo dục, cùng sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong triển khai nhiều giải pháp huy động học sinh ra lớp, công tác PCGD trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến vững chắc. Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, từ năm học 2019 – 2020 đến nay, hằng năm, tỷ lệ huy động học sinh 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Kết thúc năm học 2021 – 2022, tỷ lệ trẻ độ tuổi 11-14 tuổi hoàn thành Chương trình tiểu học đạt 99,69% (tăng 0,11% so với năm học 2019 – 2020); tỷ lệ huy động trẻ hoàn thành Chương trình tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,9% (tăng 0,03% so với năm học 2019 – 2020). Qua đó, Lạng Sơn được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2.
Một tiết học mẫu của các em học sinh Trường Tiểu học xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để có được kết quả đó, ngành GD&ĐT tỉnh đã quan tâm, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả; đồng thời củng cố hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; quan tâm bố trí đầy đủ, hợp lý đội ngũ giáo viên giảng dạy ở khu vực dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là triển khai, thực hiện tốt chế độ, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao tỷ lệ trẻ đến trường, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học tại các xã vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Cụ thể, thực hiện sắp xếp các đơn vị trường học, đến năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 670 trường (giảm 73 trường so với năm 2016 – 2017), trong đó, có 108 trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú. Hệ thống các trường này đã bao phủ 100% các xã, phường, thị trấn, bảo đảm quy mô và khoảng cách phù hợp với mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học và từng địa bàn. Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, để công tác PCGD đạt hiệu quả, đội ngũ giáo viên giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao, với khoảng 14.000 giáo viên đang giảng dạy ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Tìm hiểu về thực hiện công tác PCGD tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, được biết, cùng với các giải pháp của ngành, hằng năm, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đều chỉ đạo các trường học triển khai công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số học sinh tới các thôn, bản, khu dân cư và toàn thể Nhân dân trên địa bàn; triển khai tốt Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (theo Quyết định 1008/QĐ-TTg, ngày 2/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Nhờ vậy, công tác PCGD luôn được củng cố, duy trì vững chắc. Bà Ninh Thu Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đình Lập cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân đối với công tác PCGD, tất cả học sinh trong độ tuổi đi học đều được huy động ra lớp. Nhiều năm nay, 100% trẻ 5 tuổi trên địa bàn huyện đều được huy động đến trường, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, không có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.
Ngoài ra, tại các trường vùng cao, công tác PCGD đã được ban giám hiệu các nhà trường thực hiện bằng nhiều cách thiết thực, hiệu quả. Có thể kể đến như tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học – THCS Bắc Ái 2, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định, đây là ngôi trường ở khu vực đặc biệt khó khăn của huyện. Thầy Nguyễn Trần Phúc, Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: Để vận động học sinh ra lớp, vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều phân công cụ thể cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách từng thôn, bản vận động học sinh ra lớp; thường xuyên nắm bắt tình hình sĩ số, theo dõi và lập danh sách học sinh có nguy cơ bỏ học, tìm hiểu nguyên nhân, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần, vật chất để vận động học sinh ra lớp; đồng thời, tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, các ban, ngành, chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động học sinh ra lớp đảm bảo theo đúng chương trình, kế hoạch năm học đề ra.
Những giải pháp được triển khai đã góp phần củng cố vững chắc và đạt kết quả PCGD ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng PCGD, Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Ý kiến ()