Duy trì áp lực cạnh tranh trên thị trường thông tin di động
Những biến động liên tục trên thị trường thông tin di động nước ta từ đầu năm đến nay đã cho thấy mức độ cạnh tranh gay gắt, khốc liệt giữa các doanh nghiệp (DN) tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường này. Sự cạnh tranh này đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu quản lý chặt chẽ để bảo đảm thị trường thông tin di động cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và bền vững.Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia viễn thông về thị trường thông tin di động năm 2012, mua bán, sáp nhập đã trở thành xu hướng ngày càng rõ nét trên thị trường. Cuối tháng 3-2012, EVN Telecom đã chính thức sáp nhập vào Viettel, điều này đồng nghĩa với thương hiệu EVN Telecom không còn trên thị trường. Trung tuần tháng 9 vừa qua, VimpelCom, đối tác nước ngoài chính trong liên doanh Gtel Mobile cũng chính thức rút thương hiệu Beeline khỏi thị trường Việt Nam sau khi bán toàn bộ 49% cổ phần trong liên doanh Gtel Mobile cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên Truyền dẫn và dịch vụ...
Đúng như dự báo của nhiều chuyên gia viễn thông về thị trường thông tin di động năm 2012, mua bán, sáp nhập đã trở thành xu hướng ngày càng rõ nét trên thị trường. Cuối tháng 3-2012, EVN Telecom đã chính thức sáp nhập vào Viettel, điều này đồng nghĩa với thương hiệu EVN Telecom không còn trên thị trường. Trung tuần tháng 9 vừa qua, VimpelCom, đối tác nước ngoài chính trong liên doanh Gtel Mobile cũng chính thức rút thương hiệu Beeline khỏi thị trường Việt Nam sau khi bán toàn bộ 49% cổ phần trong liên doanh Gtel Mobile cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên Truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng (Gtel), đưa Gtel Mobile trở thành công ty 100% vốn trong nước. Thương hiệu Beeline được thay thế bằng thương hiệu Gmobile. Như vậy, đến nay trên thị trường chỉ còn lại sáu mạng di động đang hoạt động là Viettel Mobile, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gmobile và SFone.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), bên cạnh những biến động như sáp nhập DN, rút vốn khỏi thị trường… thì thị phần của các DN di động cũng có sự thay đổi lớn so thời điểm cuối năm 2011. Đến tháng 6-2012, thị phần của Viettel Mobile đã tăng lên 40% (năm 2011, con số này là 36,72%). Tương tự, thị phần của VinaPhone cũng tăng từ 28,71% năm 2011 lên hơn 30% vào tháng 6-2012. Song, thị phần của MobiFone lại giảm từ 29,11% xuống còn 18,45%. Mặc dù thay đổi về thị phần nhưng cả ba mạng lớn này vẫn chiếm tới gần 90% thị phần dịch vụ thông tin di động. Tuy nhiên, nhìn vào sự thay đổi thị phần của các mạng di động thời gian qua, có thể thấy nỗ lực vươn lên chiếm lĩnh thị trường của các mạng di động nhỏ. Đến tháng 6-2012, thị phần của ba mạng di động nhỏ là Gmobile, Vietnamobile và SFone đã tăng lên hơn 10%, thay vì ở mức chỉ khoảng 5% thị phần như hồi năm 2011, trong đó đáng chú ý là thị phần của mạng Gmobile đã tăng từ 3,21% lên 4,63% trong sáu tháng đầu năm nay.
Những biến động liên tục trên thị trường thông tin di động thời gian qua cho thấy thị trường đang ở giai đoạn cạnh tranh khá phức tạp. Thị phần không tương xứng giữa các mạng di động lớn và nhỏ đã tạo áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhất là với các mạng di động nhỏ. Tại một cuộc tọa đàm mới đây do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức tại Hà Nội, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (Hanoi Telecom) Trịnh Minh Châu cho rằng, Nhà nước cần tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng cho mọi DN, đặc biệt, cần có chính sách tạo điều kiện hỗ trợ DN nhỏ vươn lên. Nếu không duy trì chính sách quản lý tốt thì có thể xảy ra tình trạng lũng đoạn, độc quyền, thị trường tập trung vào một đến hai DN lớn. Trưởng đại diện của Hutchison tại Việt Nam, đối tác của Hanoi Telecom trong mạng Vietnam Mobile Xtê-phen Sun cũng chia sẻ: “Dù là nhà mạng nhỏ nhưng tiềm lực về công nghệ, chiến lược quản trị thì chúng tôi không thua kém bất cứ đối thủ nào. Chúng tôi không ngại cạnh tranh với các DN lớn nhưng để cạnh tranh được thì cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách đối xử công bằng với các DN”. Ông Xtê-phen Sun lấy dẫn chứng, đối với DN viễn thông, tần số là tài nguyên vô cùng quan trọng, thiếu tần số, DN không thể phát triển được nên việc phân bổ tần số cần bảo đảm công bằng cho mọi DN. Kinh nghiệm ở nhiều nước mà Hutchison đầu tư cho thấy, để tạo điều kiện cho các mạng nhỏ phát triển thì Nhà nước thường có chính sách ưu đãi riêng cho các nhà mạng nhỏ trong thời gian từ 3 đến 5 năm đầu hoạt động, chẳng hạn ưu đãi về cước kết nối từ nhà mạng nhỏ sang nhà mạng lớn.
Phó Trưởng phòng Chính sách và quy hoạch (Cục Viễn thông) Trần Nhật Lệ phân tích, cũng giống như các thị trường khác, các hành vi cạnh tranh trên thị trường thông tin di động chủ yếu diễn ra dưới ba hình thức: lạm dụng vị trí DN thống lĩnh thị trường; tập trung kinh tế (sáp nhập, mua bán, liên doanh DN…); Cạnh tranh bằng giá và khuyến mại. Bên cạnh việc quản lý bằng Luật Cạnh tranh thì Cục Viễn thông cũng tập trung kiểm soát chặt chẽ các hành vi cạnh tranh nêu trên để bảo đảm thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh và bền vững thông qua việc xác định rõ DN nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường để quản lý chặt. Đồng thời ban hành các quy định quản lý giá cước, khuyến mại, không để các DN lợi dụng chính sách khuyến mại bán phá giá thị trường, thực hiện những hành vi khuyến mại nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh, kéo theo sự đổ vỡ thị trường.
Nhìn nhận về chính sách phát triển các nhà mạng nhỏ, Cục trưởng Viễn thông Phạm Hồng Hải cho biết, từ trước đến nay, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng hình thức quản lý phi đối xứng: quản lý chặt các DN lớn, DN chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, còn DN nhỏ thì quản lý linh hoạt hơn. Không phải là DN thống lĩnh thị trường, DN nhỏ có quyền khuyến mại, ban hành giá cước dịch vụ có thể thấp hơn giá thành trong thời gian đầu hoạt động nhưng cũng không được thấp quá so mức trung bình chung của thị trường. Đây chính là cách quản lý nói chung ở các nước trên thế giới và cũng là cách ưu tiên để các nhà mạng nhỏ có cơ hội vươn lên giành thị phần. Song, theo Cục trưởng Phạm Hồng Hải, cách thức quản lý cơ bản nhất để bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh và bền vững chính là duy trì áp lực cạnh tranh lên tất cả các DN, tạo điều kiện cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển thị trường theo quy định của pháp luật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()