Đảng bộ huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam chuẩn bị bước vào đại hội lần thứ 22. Đây là đại hội Đảng bộ huyện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Huyện ủy. Thành công nổi bật trong nhiệm kỳ qua của huyện là gì? Mục tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ tới? Đó là những điều chúng tôi quan tâm.
Bây giờ quê hương chúng tôi đã là cửa ngõ Thủ đô rồi đấy. Về Duy Tiên, gặp cán bộ lãnh đạo, hay xuống thôn làng gặp những người dân quê, thường được nghe câu nói đó. Ấy là niềm tự hào, là thêm một thế mạnh, cũng là thêm những lo toan. Lo để làm sao quê hương mình xứng đáng là vùng đất kề cận Thủ đô, kinh tế – xã hội phát triển, giàu về văn hóa. Tự hào và nhớ lại đôi chút về lịch sử mảnh đất này. Mươi mười lăm năm trước, từ khi còn chung tỉnh Nam Hà, rồi khi tái lập tỉnh Hà Nam, Duy Tiên đều được xác định là huyện phía bắc tỉnh. Một huyện phía bắc còn nghèo, thuần nông, chung quanh huyện bao bọc bởi các con sông, đường bộ kém phát triển. Cứ gọi chung là huyện lúa. Mà lúa thì năng suất không hơn gì các huyện bạn. Lùi xa hơn nữa, vùng đất trũng nơi đây xưa có câu ca: “Duy Tiên đồng đất mai rùa/Ăn hạt thóc mùa tát nước quanh năm”. Đất lúa chỉ cấy một vụ. Vụ mùa, cánh đồng trắng lênh đênh những con thuyền, những cánh cò thấm bùn lam lũ. Năng suất những năm ấy, khi Thái Bình đạt năm tấn thóc/ha thì Duy Tiên đạt chừng bốn tấn. Rồi cứ nhích dần lên. Thủy lợi hóa. Giống mới. Kỹ thuật canh tác mới đã đưa cây lúa vùng trũng lên ngôi. Nhiều năm nay năng suất lúa của “huyện phía bắc” dẫn đầu toàn tỉnh, gần 12 tấn/ha cả năm. Nét nổi bật về trồng lúa ở Duy Tiên là, cơ cấu mùa vụ chuyển dịch rõ rệt – tăng diện tích trà xuân muộn và lúa mùa sớm. Giống lúa lai, giống lúa hàng hóa có năng suất cao tăng gấp hai lần trong vòng năm năm qua.
Nói tới nông nghiệp còn phải kể tới sản xuất vụ đông, hình thành các trang trại. Điều này tưởng như không mới. Nhưng cái mới là, vụ đông đã thật sự trở thành vụ chính, không phải là làm cho vui, cho có phong trào. Ở đây ta có thể dễ dàng tìm đến các mô hình sản xuất cây vụ đông đạt giá trị kinh tế cao từ 70 đến 75 triệu đồng/ha một vụ. Các mô hình ấy chủ yếu trồng các loại cây truyền thống, như: bí xanh, cà chua, dưa chuột, cà rốt, ớt. Rồi các trang trại, với con số 88 trang trại trong toàn huyện đủ để minh chứng cho một chủ trương thuận lòng dân đã đi vào cuộc sống. Nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản mỗi năm thu lãi khoảng 250 triệu đồng, đủ để người nông dân xây nhà tầng, mua sắm ô-tô.
Nhưng những điều kể trên có thể coi là nổi bật chưa? Chưa đâu. Anh Tư Lành nói vậy. (Tên anh là Phạm Tư Lành, nhưng nhiều người thường gọi anh Tư, có điều gì đó rất Nam Bộ ở người Bí thư Huyện ủy này). Nổi bật ở vùng đất sông Châu – núi Đọi phải là công nghiệp. Các anh chị cứ hình dung nhé, khoảng một nửa diện tích đất trồng lúa của chúng tôi đã phải nhường chỗ cho các khu công nghiệp. Một tất yếu trên con đường công nghiệp hóa, nhưng cũng là một cuộc cách mạng thật sự. Đúng như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, phải khai thác tối đa thế mạnh của vùng đất phía nam Thủ đô. Phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Và trong những năm qua, giá trị sản xuất đã tăng bình quân gần 45%, trong đó chỉ tiêu ban đầu chỉ là 7,1%. Còn phải kể đến ngành bưu chính, viễn thông có tốc độ phát triển rất nhanh, in-tơ-nét đã phủ đến 100% các thôn, xóm, phố. Nổi bật là ở chỗ ấy. Cái nổi bật đi liền với công nghiệp phát triển là cơ sở hạ tầng phát triển, nông dân dành đất cho công nghiệp và đã có việc làm ngay trên quê hương, ly nông, không ly hương. Hơn sáu nghìn lao động làm việc tại các khu, cụm công nghiệp Đồng Văn – Duy Tiên là con số rất có ý nghĩa.
Minh chứng cụ thể cho điều này, chúng tôi về xã Bạch Thượng. Xã giáp ranh với Phú Xuyên (Hà Nội). Lũy tre xanh liền lũy tre xanh. Nhà máy kề bên nhà máy. Đám cưới, cô dâu chú rể người của hai làng bây giờ là người Thủ đô và người Hà Nam. Họ cùng làm việc trong một nhà máy, lương hai người cộng lại bốn triệu đồng. Thế là mức lương lý tưởng lắm ở nông thôn bây giờ. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Xuân Sơn thông báo ngay hai tin vui: Toàn xã đã cấy xong vụ mùa. Vào Đại hội Đảng bộ huyện là yên tâm lắm, bởi khi ấy lúa xanh đồng rồi. Ngồi đại hội mà lúa chưa xuống ruộng thì kém phấn khởi, thì nhấp nhổm lắm. Tin vui thứ hai là Đảng bộ xã vừa hoàn thành đại hội. Nội dung thảo luận phong phú, thiết thực. Dân trí cao, trí tuệ đại biểu dự đại hội cũng cao. Bàn thảo những vấn đề nóng lắm, như là giải quyết việc làm ở nông thôn, ô nhiễm môi trường; công tác đảng thì băn khoăn nhất là làm sao nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn và công tác quản lý đảng viên. Bí thư Bùi Xuân Sơn nói: “Hiện nay toàn xã chúng tôi có khoảng một nghìn lao động làm việc trong các khu công nghiệp. Cũng khoảng chừng ấy làm nghề tự do. Có việc làm, đời sống khá, an ninh, trật tự cũng tốt lên nhiều. Bây giờ các anh về nông thôn thấy nhà tầng san sát, xe máy nhà nào cũng có, nhiều hộ sắm được ô-tô, máy cày là do thu nhập từ sản xuất công nghiệp cả đấy. Cũng có hộ được tiền đền bù giải phóng mặt bằng, không đầu tư cho sản xuất, dành tiền mua sắm xe máy, ti-vi, nhưng số đó không nhiều. Vấn đề này cũng phải định hướng từ trước. Các chi bộ bàn bạc thấu đáo, rồi trao đổi kỹ trong từng thôn xóm. Nhưng tại đại hội Đảng bộ xã vừa rồi còn nhiều ý kiến băn khoăn. Hiện nay toàn xã còn khoảng hơn một nghìn lao động không có việc làm, mà chủ yếu là phụ nữ, độ tuổi từ 30 đến 45. Gay chứ! Không còn ruộng cấy, chị em làm gì? Nào, các bác trả lời chúng em đi. Hướng tới mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 300 lao động là hết sức rồi. Chúng em là cứ bám thắt lưng các nhà máy thôi. Nhưng tự mình cũng phải lo phát triển nghề thủ công, dịch vụ, như thêu ren, làm mây giang đan, chăn nuôi gà, vịt… Đó, cái hay của các ý kiến thảo luận là như thế. Bàn công việc của chính mình. Lý luận gắn với thực tiễn”.
Mục tiêu của Duy Tiên trong năm năm tới? Dự thảo Báo cáo Chính trị của Huyện ủy trình Đại hội nêu rõ 17 chỉ tiêu chủ yếu. Nhưng chúng tôi muốn nói tới một mục tiêu chung nhất, để bất cứ người dân nào cũng có thể nhớ, chung sức cùng gánh vác công việc chung với Đảng. Anh Tư Lành suy nghĩ giây lát rồi trả lời chắc nịch: “Duy Tiên hướng tới mục tiêu huyện công nghiệp”. “Anh hình dung trong tương lai huyện công nghiệp đó như thế nào”. ” Cứ tạm thế này nhé (còn phải chờ Đại hội bàn thảo, quyết định chứ), dân giàu, GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt khoảng 45 triệu đồng. Huyện mạnh, tổng sản phẩm trong toàn huyện tăng bình quân hơn 15% một năm. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chiếm khoảng 90%; nông nghiệp chỉ còn khoảng 10%”.
Thế là đã đủ hình dung bức tranh phác thảo về một huyện công nghiệp. Có cơ sở chắc chắn không? Có chủ quan, duy ý chí không? Các bước cụ thể hóa sẽ ra sao, bởi năm năm là thời gian không dài. Và còn điều này nữa, ai làm, ai sẽ đem những chỉ tiêu cụ thể, những cách làm đến từng ngôi nhà, từng lũy tre, từng nhà máy? Nhân dân làm. Tổ chức đảng các cấp làm. Cấp ủy làm. Cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền làm. Vẫn là cái chung, cái mà trường chính trị đã dạy chúng ta. Phải cụ thể hơn nữa, đào sâu trí tuệ hơn nữa để tập hợp, để thu hút trí tuệ của nhân dân. Tôi đã thấy những điều khá cụ thể trong hướng đi của Duy Tiên. Đó là: ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm. Đó là: mở rộng các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện, đa dạng hóa sản phẩm, hướng mạnh vào các sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Đó là: nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân,v.v.
Những việc cần làm đã rõ. Ai làm cũng đã thấy được đề cập rõ hơn. Bí thư Đảng ủy xã Bạch Thượng nói rằng, chúng tôi được giao tham luận tại Đại hội Đảng bộ huyện về việc tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Vấn đề lớn quá phải không ạ? Nhưng nếu nói về những đòi hỏi từ thực tiễn, từ công việc hằng ngày hằng giờ của người cán bộ, đảng viên ở nông thôn thì có thể gợi mở nhiều vấn đề thiết thực. Thảo luận vấn đề này sẽ rõ hơn vấn đề ai làm. Trách nhiệm của mỗi đồng chí cấp ủy viên, đảng viên phải được thể hiện qua sự phân công, phân cấp, có kiểm tra, giám sát thường xuyên, khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Đội ngũ cán bộ chủ chốt đủ mạnh mới có thể đảm đương công việc được giao. Có như vậy chủ trương của Đảng mới được triển khai thực hiện có hiệu quả thông qua bộ máy chính quyền, gắn liền với việc cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Duy Tiên – cửa ngõ Thủ đô – đang vươn mình để xứng với vị trí, với tiềm năng của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Nơi đây có phong tục đẹp, mùa Xuân năm Đinh Hợi (987) Vua Lê Đại Hành lần đầu tiên về đây cày ruộng tịch điền để khuyến nông, cầu cho mưa thuận gió hòa. Từ hai Tết nay, phong tục đẹp này đã được khôi phục. Đương nhiên, từ Lễ hội tịch điền người ta nghĩ rộng hơn, xa hơn về chuyện nhà nông trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bởi vùng đất này đang trỗi dậy mạnh mẽ trên đôi cánh công nghiệp.
Ý kiến ()