Đường về của những mảnh đời lầm lạc: Sự sa ngã và nỗi đau cùng cực
Nhiều người từ nghiện ma túy đã dẫn đến lây nhiễm căn bệnh HIV kèm theo sự bế tắc cùng cực trong cuộc đời; nhiều gia đình tan nát, đau khổ khi con cái họ ngập ngụa trong cơn mê sảng mang tên “ma túy.”
Đầu những năm 90, cơn lốc ma túy tràn đến Việt Nam, cuốn theo một loạt thanh niên chơi bời, ngỗ nghịch thời đó và nhấn chìm họ trong “vũng lầy” nghiện ngập ma túy tăm tối, không lối thoát.
Nhiều người từ nghiện ma túy mà dẫn đến lây nhiễm căn bệnh HIV kèm theo sự bế tắc cùng cực trong cuộc đời. Nhiều gia đình tan nát, đau khổ, khi con cái họ ngập ngụa trong cơn mê sảng mang tên “ma túy.”
Vào tuổi xế chiều, nhiều ông bố, bà mẹ phải ngậm ngùi, xót xa trong cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh” và coi đó như một cách giải thoát duy nhất cho những đứa con dại dột của mình. Nhưng, trong cơn cùng quẫn tuyệt vọng đó, vẫn có những mảnh đời nghiện ngập, bệnh tật, được giúp đỡ, được cưu mang, dẫn lối… để tìm lại đường về cho cuộc đời mình.
Bước sa chân của tuổi trẻ
Xuất thân từ gia đình có bố mẹ là công chức Nhà nước, gia đình nền nếp, con cái được đầu tư học hành, nhưng với bản tính ngỗ nghịch, Nguyễn Việt Dũng (sinh năm 1979, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên nghỉ học, bỏ nhà đi chơi, đàn đúm với nhóm bạn xấu.
Năm 1991, mới 12 tuổi, khi đang lang thang ngoài đường, Dũng được đưa vào Trại giáo dưỡng dành cho thanh thiếu niên. Trở về nhà, Dũng trở nên bất cần và quậy phá hơn. Năm 1994, Dũng bắt đầu sử dụng heroin.
Các phụ huynh trong khu tập thể cấm con cái không được giao du với Dũng. Cậu thiếu niên nghiện ngập sa lầy trong hư hỏng, hội tụ đủ các mánh khóe lưu manh, ăn cắp, lừa đảo, cướp giật để có tiền thỏa mãn cho những cơn nghiện. Đến năm 1997, Dũng bị bắt và bị phạt 18 tháng tù treo về tội gây rối trật tự công cộng.
Quãng thời gian sau đó, Dũng tiếp tục cuộc đời trong vòng luẩn quẩn, vào Trung tâm cai nghiện, trở về tiếp tục sử dụng ma túy, tiếp tục trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, rồi lại đi cai nghiện… Năm 1998, trong một lần kiểm tra sức khỏe tại Trung tâm cai nghiện, Dũng phát hiện ra mình bị nhiễm HIV.
Vào thời điểm đó, căn bệnh HIV chưa có thuốc kháng virus, một người nhiễm HIV bị coi như mang bản án tử hình thường trực bên mình. Bởi vậy, khi biết mình bị nhiễm HIV, Dũng tuyệt vọng, mọi ý thức sống sụp đổ. Dũng lao vào sử dụng ma túy với suy nghĩ cuộc đời của mình đã chấm dứt rồi, không còn gì để cố gắng.
Hàng ngày, bố mẹ Dũng phải đau xót chứng kiến cảnh con mình hút, chích ma túy, tàn tạ về cả tâm trí và thể xác…mà không có cách nào giải thoát cho đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Những ngày tăm tối này như sống trong địa ngục trần gian với Dũng và cả gia đình anh.
Với mỗi người, ma túy có cách xâm nhập và tàn phá khác nhau nhưng đều cùng chung kết cục là hủy hoại sức khỏe và cuộc sống của người đó.
Với Hoàng Việt Anh (sinh năm 1982, ở Quốc Oai, Hà Nội, nghiện ma túy 14 năm, nhiễm HIV từ năm 1999), sử dụng ma túy như một hình thức thể hiện “đẳng cấp” của một thanh niên sành điệu, một “dân chơi.”
Việt Anh thừa nhận ma túy đã kiểm soát toàn bộ tâm trí và suy nghĩ khiến cuộc đời trở nên tuyệt vọng và bế tắc.
Bắt đầu nghiện ma túy là khi vừa qua tuổi thiếu niên, người đàn ông nay giờ cay đắng nhìn lại thấy mình không được hưởng một chút thanh xuân nào cả. Đam mê ma túy đã vùi dập, nhấn chìm tất cả các ước mơ, hoài bão tuổi trẻ.
Việt Anh cùng bạn đã đi cướp giật trên phố để kiếm tiền mua ma túy. Một nạn nhân nữ bị Việt Anh giật dây chuyền ngã từ trên xe máy xuống đầu đập xuống đường nhưng hai kẻ cướp giật cứ phóng xe kéo lê nạn nhân một đoạn đường rồi chạy mất, mặc cho nạn nhân nằm bất tỉnh trên đường.
“Đó là khoảnh khắc ma túy làm cho mình có những hành động rất vô nhân tính,” Việt Anh chua xót thừa nhận.
Nguyễn Xuân Thành (sinh năm 1982, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, nghiện ma túy 12 năm), thường xuyên lấy trộm gạo bán hàng của mẹ, lừa nhổ tóc cho bà nội để tháo trộm khuyên tai, xông vào trụ sở Công an phường để lấy trộm ấm siêu tốc, thậm chí còn lấy tiền mua sữa cho con mới sinh để đi mua ma túy.
Đến khi thỏa mãn cơn thèm ma túy đá rồi, Thành bị ảo giác, bị “ngáo đá” đến độ nói một mình, cười một mình suốt đêm, mất kiểm soát, tự muốn hủy hoại bản thân, mặc váy của mẹ đi khắp nhà, lúc nào cũng hoang mang, lo sợ, nhìn mọi người xung quanh ai cũng giống công an như đang muốn đến bắt Thành…
Tìm đến cái chết
Đau khổ vì nghiện ngập, bệnh tật, cuộc sống tiếp nối vòng luẩn quẩn nghiện, cai nghiện, về lại nghiện, rồi lại đi cai nghiện…, nhiều con nghiện đã nghĩ quẩn chỉ muốn kết liễu cuộc đời, song sự giải thoát không dễ dàng.
Nguyễn Việt Dũng đã 3 lần tự tử bất thành. Công cuộc cai nghiện ma túy là một thử thách quá lớn khiến Dũng vật vã, đau đớn. Lần đầu tiên cai nghiện, Dũng đã muốn tìm tới cái chết để thoát khỏi sự hành hạ của “dòi bò trong xương.”
Sau một tháng khổ sở, Dũng cũng tạm cắt được cơn nghiện nhưng ngay khi trở về với cộng đồng, gặp bạn bè, Dũng nhanh chóng tái nghiện.
Sự cám dỗ của ma túy lớn hơn sự quyết tâm của Dũng. Người đàn ông này tiếp tục cùng bạn bè hút chích ma túy, tiếp tục làm những điều xấu xa để kiếm được nhiều tiền thỏa mãn cơn nghiện.
Lần thứ hai Dũng tìm đến cái chết bằng cách dùng ma túy quá liều. Sau khi sử dụng một lượng ma túy lớn gấp nhiều lần so với liều thông thường, Dũng bất tỉnh. Nhưng lần này, “thần chết” vẫn từ chối Dũng.
Lần thứ ba, Dũng tiếp tục sử dụng ma túy quá liều để tự kết liễu cuộc đời mình, nhưng cuối cùng vẫn tỉnh dậy. Kể từ đó, Dũng càng chán chường và càng lún sâu vào ma túy.
Giống như Dũng, anh Tạ Phú Cường (sinh năm 1973, trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh, nghiện ma túy 17 năm, nhiễm HIV từ năm 1999) nhiều lúc muốn chết mà không chết được. Trong lúc cùng quẫn, anh Cường tuyệt vọng nghĩ quẩn hay là có thể làm cho mình bị thần kinh, không biết gì; hoặc là làm cho mình bị tai nạn, gãy hết chân hết tay… miễn là làm sao bỏ được ma túy.
Nỗi đau cùng cực và ánh sáng cuối đường hầm
Chứng kiến sự nghiện ngập ma túy của con cái là nỗi đau đớn không gì so sánh được của các bậc sinh thành. Bà Vũ Thị Lập (sinh năm 1951, ở Cầu Giấy, Hà Nội, mẹ của Nguyễn Việt Dũng) nhớ về hành trình cùng con cai nghiện ma túy với sự ám ảnh kinh hoàng không bao giờ quên được.
Do bận công tác, bà Lập ít có thời gian ở nhà chăm hai cậu con trai. Thời đó, ma túy vẫn còn là thứ gì đó khá lạ lẫm nhiều người. Và bà Lập đã chủ quan khi chỉ nhắc nhở, răn đe chung chung mà không có biện pháp quản lý con cái sát sao hơn.
Đến khi thấy tiền bạc trong nhà đều “không cánh mà bay,” đồ đạc trong nhà, nhất là những đồ đạc có giá trị “bốc hơi” hết thì đã muộn, con trai bà đã nghiện nặng ma túy.
Kể từ đó, gia đình bà Lập sống trong nỗi tủi hổ khi bị bà con hàng xóm xa lánh vì trong nhà có “thằng nghiện.” Bà Lập không nhớ chuyển nhà không biết bao lần nhằm tách Dũng ra khỏi nhóm bạn xấu. Song lần nào Dũng cũng nhanh chóng “bắt mối,” giao du với nhóm nghiện ngập tại nơi ở mới.
Bà Lập vẫn nhớ như in nỗi đau đớn, suy sụp khi biết Dũng bị nhiễm HIV.
Được Trung tâm cai nghiện thông báo đến đón con trai về vì sức khỏe quá yếu, người mẹ khi đón con đã không thể nhận ra con trai trong hình hài da bọc xương yếu ớt, run rẩy. Lúc này bà vẫn chưa hề biết con trai đã có HIV.
Về nhà, Dũng yếu đến mức không thể đi lại và cũng không tự đi tìm ma túy được nữa. Bà Lập tự an ủi, có thể yên tâm chăm con vì giờ chắc Dũng bỏ được ma túy rồi. Nhưng sức khỏe Dũng ngày càng yếu.
Vào buổi sáng, Dũng gọi mẹ sang phòng. Khi đó, Dũng chỉ còn da bọc xương, thần sắc rất tệ, má hóp, mắt trũng sâu toàn lòng trắng. Khi con trai ngước nhìn, trái tim người mẹ thắt lại, sụp đổ: “Thôi rồi, con mình bị rồi.”
Nỗi sợ hãi cùng cực mà bà muốn né tránh đã hiển hiện. Bà từng lo con mắc HIV nhưng vẫn cầu mong ngày đó đừng đến. Đến khi sự thật không thể phủ nhận thì bà hoàn toàn suy sụp.
Cùng hoàn cảnh với bà Lập, bà Trịnh Thị Phi (sinh năm 1946, trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh, mẹ anh Tạ Phú Cường) còn đau đớn hơn bởi có tới hai người con trai cùng bị nghiện ma túy.
Nhớ lại những ngày tăm tối ấy, bà Phi dùng bàn tay chai sạn quệt ngang dòng nước mắt: “Thật sự là khổ, người ta có một đứa nghiện đã khổ, tôi đây lại có cả hai thằng con cùng nghiện, không còn từ nào diễn tả nổi. Nhiều người bảo mình không biết dạy con, mà mình vẫn phải giả điếc để tiếp tục sống. Lắm khi tự nhủ sao mình không như con giun mà chui xuống đất, mà lấp nó đi được. Nhiều lúc quẫn trí, chỉ muốn chết cho xong.”
Đau đớn ở chỗ, vì không muốn con trộm cắp, cướp giật để lấy tiền mua ma túy, ông bà Phi đã “nối giáo cho giặc,” chạy vạy tiền để mua ma túy chu cấp hàng ngày cho hai con. Hàng ngày, hai ông bà Phi chỉ dám mua mớ rau và ít cá vụn ăn cho qua bữa, và vay mượn tiền để mua ma túy cho con.
Tuy nhiên, số ma túy ông bà phát hàng ngày không đủ thỏa mãn hai con nghiện, chúng lấy cắp mọi thứ trong nhà đem bán lấy tiền mua ma túy. Bi kịch vẫn chưa hết khi hai đứa con nghiện thường xuyên chửi bới cha mẹ vì không đáp ứng đủ nhu cầu ma túy cho chúng.
Bà Phi run rẩy kể: “Lo cho nó như vậy mà nó vẫn chửi tôi, mỗi khi nhìn thấy con là tôi lại sợ run người. Nhiều lúc nửa đêm đang ngủ, nó đập cửa ầm ầm bắt tôi đưa tiền làm tôi sợ phát khiếp, hồn vía lên mây. Tôi sợ không có tiền đưa nó mua ma túy, nó chửi, rồi nhỡ đúng lúc nó lên cơn nghiện, nó mất kiểm soát, dùng dao đâm mình…”
Có con bị nghiện ma túy đá, bà Lê Thị Thi (sinh năm 1954, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội, mẹ anh Nguyễn Xuân Thành) lúc nào cũng cảm thấy tuyệt vọng. Ai mách thuốc gì, cúng bái ở đâu là bà đều tìm đến, nhưng mỗi ngày lại thêm vô vọng.
Hàng xóm xa lánh, nhà cửa tan nát, nhiều đêm bà Thi mất ngủ lo con “chết bờ chết ruộng” vì chích ma túy quá liều.
Trở lại câu chuyện của vợ chồng bà Lập, nhiều lúc ông bà bàn với nhau nếu chẳng may vì ma túy, vì HIV mà Nguyễn Việt Dũng chết, gia đình sẽ bí mật đưa Dũng về quê chôn cất và không thông báo cho bất cứ một ai.
Cho tới một ngày, bà Lập vô tình gặp mấy người bạn trước đây cùng mắc nghiện ma túy với Dũng. Nhưng điều kỳ diệu là những người này đã hoàn toàn cai được ma túy và trở lại cuộc sống bình thường khỏe mạnh.
Họ cho biết đã được giới thiệu đi học tập, rèn luyện tại Trung tâm cơ đốc Đời sống mới (ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Tại đây, họ được học Kinh Thánh, được dạy dỗ trở thành người lương thiện, được cảm hóa, được tiếp thêm niềm tin… Và họ đã đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, tự nguyện ở lại Trung tâm để cứu giúp những anh em cùng cảnh ngộ khác.
Với bà Lập, đây là niềm hy vọng lớn cho gia đình bà, là cơ hội để con trai bà được tái sinh. Bà quyết tâm đưa Dũng lên Trung tâm cơ đốc Đời sống mới để bắt đầu hành trình cai nghiện./.
Ý kiến ()