Đường sắt từng bước thu hút khách trở lại
Đoàn tàu chất lượng cao được đóng mới trong nước.
Các đơn vị vận tải hành khách của ngành đường sắt đang nỗ lực tăng chất lượng dịch vụ bằng những bước đi bài bản và chấp nhận chịu lỗ trong thời gian đầu nhằm cạnh tranh với các loại hình vận tải khác, hút hành khách quay trở lại đi tàu hỏa.
Thanh lọc đầu máy, toa xe cũ Theo Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đường sắt, có hiệu lực từ ngày 1-7, niên hạn đối với đầu máy và toa xe khách chạy trên đường sắt quốc gia không quá 40 năm, toa hàng sử dụng tối đa 45 năm. Theo đó, lộ trình để các doanh nghiệp vận tải đường sắt thay thế các phương tiện quá niên hạn trong khoảng thời gian ba năm (tới năm 2021). Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang lên kế hoạch thay thế, hiện đại hóa hàng trăm đầu máy, toa xe để tăng hiệu quả trong vận tải đường sắt. Thống kê của VNR cho thấy, các đơn vị trong ngành đang quản lý gần 300 đầu máy với 14 chủng loại, trong đó có 270 đầu máy đang hoạt động phần lớn có tuổi đời từ 30 năm trở lên. Theo Phó Tổng Giám đốc VNR Đoàn Duy Hoạch, vận hành các đầu máy, toa xe cũ nát tiêu hao lượng nhiên liệu lớn, tốn kém chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, hiệu quả thấp. Việc thay thế đầu máy, toa xe là áp lực rất lớn đối với ngành đường sắt, song chính điều này sẽ tạo động lực để bắt buộc các đơn vị thay đổi, nếu không sẽ chẳng biết đến bao giờ mới có đoàn tàu, đầu máy mới. Đến cuối năm 2022, VNR sẽ buộc phải bán sắt vụn khoảng 60 đầu máy, gần 1.000 toa xe hàng và 500 toa xe khách. Một số đầu máy, toa xe còn lại, tuy chưa đến thời hạn thanh lý nhưng không bảo đảm an toàn kỹ thuật hoặc môi trường cũng phải loại bỏ. Trên cơ sở này, VNR tổng hợp số lượng đầu máy, toa xe thanh lý và căn cứ kế hoạch sản xuất, kinh doanh từng giai đoạn, sẽ xác định cần bao nhiêu toa xe, đầu máy để cải tạo, nâng cấp, phân kỳ đầu tư phù hợp chứ không phải thanh lý bao nhiêu là đầu tư mua mới bấy nhiêu. Với những đầu máy quá niên hạn nhưng bảo đảm chất lượng vận hành, VNR kiến nghị vẫn được tiếp tục khai thác. Nhiều quốc gia không áp dụng niên hạn đối với đầu máy, toa xe mà áp dụng hàng rào kỹ thuật đăng kiểm thường kỳ. Niên hạn chỉ là một yếu tố và là thước đo về an toàn, ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như thời gian khai thác, hệ số sử dụng, tác động của ảnh hưởng khai thác,… Nếu không bảo đảm điều kiện khai thác, dù chưa đến niên hạn vẫn phải thanh lọc và ngược lại, kể cả quá niên hạn nhưng vẫn chạy an toàn thì tiếp tục sử dụng để đem lại hiệu quả, lợi ích cho xã hội và doanh nghiệp. Để giảm áp lực về vốn đầu tư, VNR sẽ tổ chức điều hành hợp lý, nâng hệ số sử dụng đầu máy toa xe, tăng số toa xe sử dụng trên số toa xe sẵn có, tổng số thời gian sử dụng toa xe trên thời gian công lịch, tăng hệ số sử dụng chiếm chỗ và hàng hóa. Về hình thức, có thể Công ty mẹ VNR, các công ty cổ phần vận tải, công ty cơ khí của ngành đường sắt bỏ vốn đầu tư, đồng thời huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa. VNR đã tính toán kết hợp mua động cơ và một số chi tiết phụ tùng để đóng trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa để hạ giá thành, từng bước làm chủ công nghệ đóng đầu máy, toa xe, giúp chủ động hơn trong quá trình duy tu, sửa chữa sau này. Khai thác toa xe chất lượng “năm sao” Từ ngày 1-10 tới đây, ngành đường sắt sẽ tổ chức bán vé tàu Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (sớm hơn bốn tháng so mọi năm). VNR đã khảo sát, lấy ý kiến thăm dò của khách hàng để điều chỉnh chất lượng dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu hành khách, chứ không đơn thuần cung cấp những gì mình sẵn có. Phần lớn hành khách không mặn mà với đường sắt là do chất lượng dịch vụ kém (nhà vệ sinh trên tàu bẩn, giờ đi/đến điểm du lịch bất tiện). Vì thế, VNR đã nâng cấp nhà vệ sinh trên tàu, chọn loại tàu đẹp, giờ đẹp; mở rộng dải giá vé, tổ chức kết nối các phương thức vận tải, bán trọn gói vé ô-tô đưa đón khách đến các điểm du lịch. Ngành quyết tâm từng bước thay đổi tư duy văn hóa tham gia giao thông của hành khách, xem tàu hỏa không chỉ là phương tiện chở khách tới điểm du lịch mà từ khi bước chân lên tàu, hành khách đã được đi du lịch. Cuối năm 2017 vừa qua, đoàn tàu đóng mới tiêu chuẩn “năm sao” được đưa vào khai thác đã góp phần thay đổi hẳn diện mạo ngành đường sắt, hệ số sử dụng ghế bình quân trong dịp Tết Mậu Tuất của đoàn tàu “năm sao” tuyến Hà Nội – TP Hồ Chí Minh đạt gần 90%. Trong năm nay, ngành đường sắt dự kiến đóng thêm sáu đoàn tàu, nâng tổng số lên 12 đoàn, với 180 toa đóng mới, phấn đấu đến năm 2022, sẽ cơ bản thay hết các đoàn tàu cũ. Cách đây khoảng hai tháng, VNR tiếp tục đưa vào khai thác toa xe khoang hai giường trên tuyến đường sắt bắc – nam để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Mỗi toa xe gồm hai khoang loại hai giường đặc biệt, phục vụ nhu cầu của hành khách muốn có không gian riêng. Đây là các toa được đóng bằng công nghệ và vật liệu cao cấp, lắp giá chuyển hướng lò xo không khí chống rung lắc; thành, vách, cửa sổ đúc liền khối, lối hành lang được mở rộng. Buồng vệ sinh có điều hòa không khí và trang bị thiết bị tự hoại, hệ thống xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh môi trường… Thời gian tới, VNR dự kiến sẽ vận dụng linh hoạt loại khoang hai giường này để khai thác thêm trên các tuyến khác. Hiện nay, đường sắt vẫn chưa phải là phương thức vận tải được nhiều hành khách lựa chọn, tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR Vũ Anh Minh vẫn nhất quán quan điểm, trước tiên đường sắt phải nâng cao chất lượng dịch vụ, nhằm thu hút khách bằng lộ trình thích hợp. Đường sắt đưa ra chiến lược mục tiêu từng giai đoạn, trước mắt là tăng sản lượng, sau đó mới đến doanh thu, lợi nhuận. Trong hoạt động kinh doanh, VNR đang tìm mọi cách lấy lại hình ảnh, chấp nhận phục vụ ít nhưng chất lượng tốt còn hơn là “nhồi nhét” khách, xóa bỏ dần cảnh ngồi ghế nhựa vạ vật trên tàu suốt cả hành trình. “Chúng tôi chấp nhận chịu lỗ bằng cách tăng chất lượng dịch vụ, chứ không tiết giảm chất lượng dịch vụ để giảm giá vé. Hành khách đi đường sắt không phải chọn giá rẻ mà chọn phương thức vận tải an toàn, thuận tiện, ga đi/đến tại trung tâm các thành phố. Những cự ly ngắn trong khoảng 4 – 7 giờ, đường sắt hoàn toàn cạnh tranh ngang ngửa các loại hình phương tiện khác” – Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh chia sẻ. VNR đã lên phương án vay hơn 3.200 tỷ đồng vốn tín dụng của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cộng với gần 1.400 tỷ đồng (30%) vốn đối ứng để thực hiện các dự án đầu tư đầu máy, toa xe mới từ nay đến năm 2020. Cụ thể, sẽ đầu tư 100 đầu máy mới (2.164 tỷ đồng), 150 toa xe khách (1.674,5 tỷ đồng), 300 toa xe vận chuyển công-ten-nơ (270 tỷ đồng) và 500 toa xe có tốc độ chạy dưới 60 km/giờ (550 tỷ đồng). |
Theo Nhandan
Ý kiến ()