Đường sắt phá "lớp băng" tư duy cũ mòn để con tàu vận tải có lãi
Ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo để kinh doanh vận tải có lãi.
Trong những năm vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã có những bước chuyển mình thay đổi về tư duy nhằm có được kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn đồng thời thu hút khách đi tàu tăng cao trở lại.
Thay đổi triệt để
Lần đầu tiên trong lịch sử, VNR được Thủ tướng Chính phủ đến tham dự và chỉ đạo Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 vào đầu năm nay. Tại đây, Thủ tướng đã nhấn mạnh ngành đường sắt đang thay đổi tích cực khi thời gian qua VNR đã cơ cấu lại tài sản, cơ cấu lại cán bộ, cơ cấu lại cách làm và "3 năm nay đã khác hẳ.n. Những thay đổi của ngành đường sắt cho thấy điều quan trọng là có muốn làm, dám làm và có phương pháp làm hay không khi xử lý, giải quyết các khó khăn, thách thức, vướng mắc, các vấn đề tồn đọng…
Có được những ghi nhận, biểu dương đánh giá này, ngành đường sắt đã có nhiều chuyển biến tích cực, mạnh dạn triển khai nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo; kinh doanh vận tải bắt đầu có lãi; đời sống vật chất, tinh thần người lao động được cải thiện rõ rệt.
Cụ thể, trong năm 2023, VNR ra mắt đoàn tàu chất lượng cao Hà Nội-Đà Nẵng mang số hiệu SE19/20 (dù không tăng giá nhưng hoàn vốn rất sớm vì tỷ lệ sử dụng chỗ tăng lên, từ 70% lên 84%); đưa dịch vụ tổ chức lễ cưới cho khách hàng trên chuyến tàu Đà Lạt-Trại Mát (doanh thu tháng 1.2024 đã tăng thêm 85%); khai trương cà phê Hoả xa tại Ga Long Biên, Ga Hải Dương và đang nghiên cứu triển khai tại các ga khác; phát động phong trào với phương châm "Mỗi cung đường-Một loài hoa; Mỗi khu ga-Một điểm đến" đã trở thành điểm check-in thú vị không chỉ với hành khách mà với cả người dân; thử nghiệm thành công kiosh bán vé tự động; ứng dụng mua sắm đặc sản vùng miền trên các đoàn tàu khách thông qua mã QR, sắp tới sẽ đưa wifi lên tàu;…
Bên cạnh đó, VNR cũng đã bắt tay với các đối tác như Công ty Belmond để nghiên cứu chạy tàu hạng sang trên đường sắt Việt Nam, đang xúc tiến hợp tác với Vietravel triển khai Dự án tàu hỏa 5 sao Xuyên Việt.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel, du lịch bằng tàu hỏa đang trở thành một xu hướng mới, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách với những trải nghiệm độc đáo, vừa thư giãn, vừa khám phá văn hóa.
Dẫn số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2023, lượng khách du lịch nội địa đi tàu hỏa đạt 10 triệu lượt, tăng 15% so với năm 2022; lượng khách du lịch quốc tế đi tàu hỏa đạt 1,5 triệu lượt, tăng 20% so với năm 2022, ông Kỳ cho rằng du lịch bằng tàu hỏa cũng đang có những bước phát triển tích cực và trong thời gian vừa qua, ngành đường sắt ngày càng biết gìn giữ, chăm chút, làm đẹp những nhà ga, cung đường và đã có chủ trương khai thác thị trường phục vụ du lịch…
Từng khá chậm chân, song đường sắt Việt Nam đang gia nhập cuộc đua tàu liên vận với các nước trong khu vực bằng những bước đi nhanh chóng, vững chắc. Trong 5 năm qua, VNR đã duy trì được hoạt động liên vận hàng hóa và bước đầu khẳng định được lợi thế, tiềm năng phát triển hoạt động vận tải hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt tới Trung Quốc, các nước Trung Á, châu Âu. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đưa ra những sản phẩm mới đáp ứng thị trường như tàu container đông lạnh, tàu container chuyên tuyến đi Trung Quốc và quá cảnh nước này sang các nước thứ ba ở châu Âu, Nga, Mông Cổ, Trung Á…
Thẳng thắn nhận diện khó khăn để "bứt tốc"
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR khẳng định thay đổi lớn nhất của ngành đường sắt vài năm qua là tư duy, từ lãnh đạo lan tỏa đến người lao động.
“Trước đây, đường sắt thường tự ti, nghĩ mình nghèo khó và chỉ kêu, than thở nhưng hiện nay đã thay đổi tư duy, thẳng thắn nhận diện những khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm. Không thể đi đâu cũng nói đường sắt là đặc thù, phải phá được lớp băng tư duy,” ông Mạnh chia sẻ.
Để thị phần vận tải đường sắt nâng lên, theo ông Mạnh, VNR đã nỗ lực bản thân tạo sức hút gần, sức hút xa như tàu chất lượng cao, cải cách chất lượng dịch vụ trên tàu, dưới ga; tàu hàng đưa cửa khẩu vào sâu với nội địa… đồng thời đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn về hạ tầng như nâng cấp hạ tầng đường sắt, mở mới một số khu ga khách, cải tạo một số khu ga hàng; kết nối với khu công nghiệp, cảng biển…
Thời gian tới, VNR sẽ tập trung phát triển các tàu khách khu đoạn (đường ngắn), đầu tư chất lượng phương tiện, nâng cao các dịch vụ phục vụ, có sự gắn kết giữa trên tàu với dưới ga; tăng cường liên kết với các công ty du lịch; tăng cường vận tải container, vận tải liên vận quốc tế và tích cực tham gia vào chuỗi logistics; nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm dịch vụ tàu chuyên tuyến./.
Xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ, giảm giá cước vận tải hàng hóa, năm nay, VNR đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.
VNR đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu Công ty mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023-2025 là 327 tỷ đồng (so với lợi nhuận giai đoạn 2021-2022 là -1.194 tỷ đồng)./.
Ý kiến ()