Đường ống khí đốt Hy Lạp - Bulgaria bắt đầu vận hành
Đường ống kết nối khí đốt giữa Hy Lạp và Bulgaria (IGB) chính thức đi vào vận hành thương mại sau thời gian dài chờ đợi, được kỳ vọng sẽ đóng góp vào an ninh năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).
Reuters đưa tin, ngày 1-10, lễ khánh thành đường ống IGB được tổ chức tại thủ đô Sofia của Bulgaria với sự tham dự của lãnh đạo nhiều quốc gia trong khu vực và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Với tổng số vốn đầu tư khoảng 240 triệu euro, trong đó có 45 triệu euro do EU tài trợ theo kinh phí ban đầu, đường ống xuất phát từ thành phố Komotini (Hy Lạp) đến thành phố Stara Zagora (Bulgaria) với công suất hằng năm đạt 3 tỷ mét khối và có thể tăng lên 5 tỷ mét khối. Dù có kế hoạch xây dựng từ năm 2009 nhưng phải 10 năm sau, công trình này mới được khởi công.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phát biểu tại lễ khánh thành đường ống IGB.Ảnh: eurokinissi.gr. |
Theo thiết kế, đường ống IGB cho phép Bulgaria kết nối qua Hy Lạp với đường ống Biển Adriatic (TAP) nhằm vận chuyển khí đốt từ Biển Caspi đến Tây Âu. Ngoài ra, IGB cũng vận chuyển khí đốt từ các nguồn khác, đặc biệt là thông qua cảng dầu khí Alexandropoulis ở phía Đông Bắc của Hy Lạp trong tương lai để giao hàng từ Algeria hoặc Qatar.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhấn mạnh: Đường ống IGB đánh dấu vai trò quan trọng của nước này và là cầu nối năng lượng ở “lục địa già”, đồng thời góp phần nâng cao vai trò của Hy Lạp trên bản đồ năng lượng và địa chính trị trong khu vực. Trong khi đó, Chủ tịch EC nêu rõ đường ống IGB đã mở ra một kỷ nguyên mới cho Bulgaria và khu vực Đông Nam Âu, cũng như đánh giá cao đường ống này trong việc hạn chế sự phụ thuộc của các nước thành viên EU vào năng lượng của Nga. “Đường ống IGB là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho Bulgaria và an ninh năng lượng của châu Âu”, Reuters dẫn lời bà Ursula von der Leyen nhận định.
Trước đây, Bulgaria từng phụ thuộc tới 80% khí đốt tự nhiên của Nga. Tuy nhiên, quốc gia vùng Balkan này đã bị Moscow cắt nguồn cung khí đốt vào tháng 4 vừa qua sau khi chính quyền Sofia từ chối mở tài khoản thứ hai bằng đồng ruble để thanh toán việc mua khí đốt của Tập đoàn Gazprom theo yêu cầu của Nga. Vì vậy, đường ống IGB có ý nghĩa chiến lược lớn đối với hoạt động thị trường khí đốt trong khu vực và an ninh năng lượng của Bulgaria, từ đó giúp nước này giảm thiểu khủng hoảng kinh tế. Mặt khác, nó sẽ tạo thành một mạng lưới vận chuyển khí đốt trên toàn bộ khu vực, đầu tiên là Balkan và tiếp đến là châu Âu, cũng như giúp đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp khí đốt tại châu lục này.
Ở một diễn biến có liên quan, Reuters cùng ngày cho biết, nhà điều hành đường ống dẫn khí đốt của Ba Lan Gaz-System thông báo đường ống dẫn khí đốt Baltic mới đã bắt đầu vận hành, cung cấp khí đốt từ Na Uy đến Ba Lan thông qua Đan Mạch. Công suất ban đầu của đường ống sẽ là 62,4 triệu mét khối mỗi ngày và dự kiến đạt công suất tối đa là 10 tỷ mét khối mỗi năm vào đầu năm sau. Ba Lan hy vọng đường ống này sẽ bù đắp được sự thiết hụt về nguồn cung từ Nga.
Trong khi đó, cũng theo Reuters, công ty Nord Stream 2 AG phụ trách vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) ngày 1-10 thông báo đường ống vận chuyển khí đốt chạy dưới đáy Biển Baltic này không còn rò rỉ. Trước đó, Cơ quan hàng hải Thụy Điển đã cảnh báo về 2 vết rò rỉ trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, đoạn chạy qua các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và Đan Mạch, ngay sau khi một vết tương tự cũng được phát hiện trên đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, đoạn chạy qua EEZ của Đan Mạch. Cả 3 đoạn đường ống xảy ra sự cố đều không hoạt động, nhưng đã được bơm khí đốt. Hiện EU đang tiến hành điều tra nguyên nhân và nghi ngờ đây là một vụ phá hoại có chủ đích.
Ý kiến ()