Đường nghệ thuật ven sông
Tác phẩm nghệ thuật ngoài trời làm từ đồ dùng tái chế tại đoạn đường cũ ven sông Hồng giáp cầu Long Biên (Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển dự án (trước đó cũng từng là Giám tuyển của dự án bích họa phố Phùng Hưng) cho biết, Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân được triển khai từ đầu tháng 1-2020 với sự tham gia của 16 họa sĩ, trong đó có hai nghệ sĩ đến từ Ô-xtrây-li-a và Tây Ban Nha là G.Bớc-xét và Đ.Co-ti-xa. G.Bớc-xét có bố là phóng viên từng gắn bó với chiến trường Việt Nam, đã gặp gỡ nhiều nhân vật lịch sử của Việt Nam. Còn Đ.Co-ti-xa đã gắn bó với Hà Nội hơn 20 năm, rất am hiểu về văn hóa Hà Nội. Trước khi triển khai, các họa sĩ đã có nhiều thời gian trao đổi với người dân khu vực nhằm nắm bắt tâm tư và hiểu hơn về lịch sử nơi này để có nguồn cảm hứng sáng tạo phù hợp. Việc sử dụng vật liệu tái chế trong những tác phẩm nhằm gửi tới mọi người thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường”.
Con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân lấy cảm hứng từ chính địa thế đặc trưng – nơi giao thoa nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử của mảnh đất Thăng Long – Kẻ Chợ; từng tấp nập trên bến dưới thuyền cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ; chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên, gắn liền ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây. 16 tác phẩm sắp đặt trải dài trên những bức tường cũ được xây dựng đã hơn 20 năm, ngăn giữa khu vực nhà dân và hành lang ven sông. Từ sắt phế thải và inox gương, Nguyễn Thế Sơn mang đến tác phẩm sắp đặt Gánh hàng rong thể hiện hình ảnh những người lao động ở bến sông Hồng; cùng hai phù điêu phục dựng lại bức Ngư nghiệp và Nông nghiệp nổi tiếng của Trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), tái hiện cảnh đời lam lũ, bình dị của người dân Việt Nam bằng phong cách khoáng đạt. Trong tác phẩm Xẩm tàu điện, Phạm Khắc Quang đã hàn những thanh sắt cũ, túi ni-lông ép kính dựng lên hình ảnh toa tàu, trên đó có hình ảnh cố Nghệ sĩ Ưu tú hát xẩm Hà Thị Cầu. Lê Đăng Ninh sử dụng 20 chiếc thùng phuy sắp đặt tác phẩm Nhà nổi phục dựng cuộc sống của những người dân ngụ cư nơi bãi giữa sông Hồng. Tác phẩm Thuyền của Vũ Xuân Đông sử dụng hơn 10.000 chai nhựa là vỏ chai nước, hộp dầu xe máy tạo thành bốn chiếc thuyền buồm tái hiện khung cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập ở bãi sông Hồng cách đây hàng trăm năm. Ở tác phẩm The Red River’s Dragon dài 15 m, cao 2 m, kiến trúc sư, nhiếp ảnh gia Đ.Co-ti-xa đã thu nhặt bu gà bỏ đi ở chợ Long Biên để tạo nên những lồng đèn nhiều mầu sắc chiếu sáng vào con rồng được vẽ trên tường, kết hợp xếp gương vỡ thành hình cầu Long Biên. Bức tường danh vọng của Trần Hậu Yên Thế sử dụng năm cánh cửa bằng sắt cắt CNC giống như những ký ức về những cánh cửa của những căn “nhà Tây” hầu như đã biến mất trong quá trình phát triển đô thị, kết hợp bích họa hoa giấy gợi nhớ một Hà Nội yêu kiều và lãng mạn thuở xưa. Nguyễn Ngọc Lâm lấy thùng phuy cũ tạo nên một Thành phố ven sông – đặc biệt nổi bật vào buổi tối khi các ô cửa biến đổi mầu sắc liên tục. Dùng vật liệu là gốm, sành, đất nung trong tác phẩm Phù sa, Nguyễn Đức Phương phục dựng lại nền móng một ngôi chùa từ thế kỷ 16 đã bị biến mất… Điều đặc biệt của các tác phẩm này là sử dụng hệ thống đèn led nghệ thuật đem đến hiệu ứng ánh sáng ban ngày cũng như ban đêm, tạo nên khoảng không gian độc đáo có khả năng thu hút cộng đồng; hứa hẹn mang lại hiệu quả về văn hóa, môi trường và tham quan du lịch cho địa phương.
Chung tay vì môi trường
Đến con đường ven sông vào một buổi chiều nhạt nắng, tôi gặp họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam cùng đồng nghiệp đang tranh thủ hoàn thành nốt Múa lân, tác phẩm tò he khổng lồ có nguồn gốc từ tranh dân gian Hàng Trống. Những nhân vật dáng vẻ ngộ nghĩnh, vui nhộn với quần áo “hàng hiệu” rực rỡ sinh động, thể hiện chủ ý của người nghệ sĩ muốn làm mới những mô-típ truyền thống trong bối cảnh hiện đại, hội nhập. Lam cho biết, các họa sĩ trong dự án làm việc hoàn toàn tự nguyện, góp công; còn nguồn kinh phí xã hội hóa do UBND quận Hoàn Kiếm kêu gọi là dùng để chi phí cho vật liệu, họa phẩm… Trước đó, cùng với một số họa sĩ trong dự án này, Nguyễn Xuân Lam từng tham gia dự án phố bích họa Phùng Hưng với tác phẩm Tuần lễ thời trang phố cổ, có nguồn gốc từ bức Múa rồng nổi tiếng cũng của tranh dân gian Hàng Trống. Hiệu quả phố bích họa Phùng Hưng mang lại là quá rõ, khi từ những đoạn đường vòm cầu nhếch nhác trước kia, mấy năm nay phố Phùng Hưng đã khoác áo mới, trở thành không gian đi bộ mỗi dịp cuối tuần, lễ Tết; là điểm check-in cho đông đảo người dân và du khách, cả những sinh viên, nhà báo, nhà nghiên cứu nước ngoài và người muốn tìm hiểu về lịch sử Hà Nội thông qua tác phẩm nghệ thuật; trở thành sân chơi cho mọi người tiếp cận nghệ thuật đương đại một cách gần gũi hơn.
Trong cái hanh hao của buổi chiều cuối xuân, trong gió và nắng đưa lại, thấy còn phảng phất đâu đây mùi nước đọng, rác thải. Cả một bãi dài ven sông vẫn um tùm cây cối, đồ phế liệu. Song, khung cảnh đã thoáng đãng, phong quang hơn, dù con đường do người dân tự làm nhiều năm qua vẫn gập ghềnh, nứt vỡ. Trẻ con chạy nhảy, chơi đùa tung tăng bên những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt còn nguyên vẹn, mỗi tác phẩm mỗi vẻ độc đáo, sinh động, gần gũi. Những người dân ngồi hóng gió trước cửa, rôm rả chuyện trò bên ấm trà chiều. Khi được hỏi, nhiều người cho biết, trước đây nơi này rất bẩn, ô nhiễm, tối tăm và thường xuyên biến thành nơi bị đổ rác… trộm; tình trạng tranh giành, lấn chiếm đất để trồng trọt, chăn nuôi thường xuyên khiến lộn xộn xóm phố. Nhờ con đường nghệ thuật giờ đây mọi thứ trở nên sạch đẹp, trật tự hơn. Không chỉ bảo vệ, không xâm phạm tác phẩm, nhiều người còn giúp các nghệ sĩ thu gom vật liệu tái chế để thiết kế, sáng tạo. Hai tháng qua, khi loạt tác phẩm đã hoàn thành, “tổ tự quản” cũng chính là nhân dân, cùng nhắc nhau giữ gìn, trông coi. Trong câu chuyện của mỗi người, mỗi nhà, thấy ngập tràn niềm vui và hy vọng về những giai đoạn tiếp theo của dự án nhằm cải tạo cơ sở hạ tầng như làm đường, hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh, bờ kè… để khu phố thật sự “thay da đổi thịt”, có thể trở thành một địa chỉ văn hóa, du lịch của Thủ đô.
Con đường nghệ thuật ven sông không chỉ là một không gian sáng tạo, mà còn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long khẳng định, đây chính là một giải pháp cho “điểm nóng” môi trường tồn tại nhiều năm qua của phường Phúc Tân. Chính quyền địa phương cũng có nhiều nỗ lực, giải pháp khắc phục, khi từ năm 1993 đã xây bức tường khoanh vùng, bảo vệ khu dân cư; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm…; song không thể giải quyết triệt để. Ý tưởng đưa nghệ thuật vào nhằm nâng cao nhận thức người dân, để họ chủ động phối hợp, tham gia cải tạo, gìn giữ môi trường sống của chính mình và cộng đồng. Con đường nghệ thuật mới là giai đoạn đầu của dự án cải tạo bờ lở sông Hồng, nhằm “thử” phản ứng của mọi người. Quận cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các hạng mục tiếp theo để cải tạo cơ sở hạ tầng và phát huy giá trị mặt nước, cây xanh; những ưu thế của khu vực ven sông, cận cầu, chợ Long Biên…
Tháng 10-2019, Hà Nội chính thức được ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, vì vậy, việc hình thành các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật là điều cần thiết. Cùng với phố đi bộ hồ Gươm, khu phố cổ, con đường bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân hứa hẹn tiếp tục trở thành một địa chỉ văn hóa nghệ thuật của quận Hoàn Kiếm, góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và thẩm mỹ của người Hà Nội.
Ý kiến ()