Đường Na Sầm - Na Hình: Ì ạch thi công
>>> Tập trung giải phóng mặt bằng xong toàn bộ dự án trong năm 2013
LSO-Đường từ thị trấn Na Sầm ra cửa khẩu Na Hình thuộc huyện Văn Lãng được khởi công nâng cấp sửa chữa từ năm 2012. Thế nhưng cho đến nay chỉ có vài km mét đường được hoàn thiện theo đúng nghĩa. Thi công chậm dẫn đến người dân đi lại, hàng hóa xuất nhập khẩu rất khó khăn. Nếu không có biện pháp đảm bảo giao thông, tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Một đoạn đường Na Sầm- Na Hình thi công dở dang |
Tuyến đường Na Sầm đi Na Hình dài trên 15 km là đường ra cửa khẩu và hai xã Thanh Long, Thụy Hùng nên mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe và người dân tham gia giao thông. Tuyến đường quan trọng như vậy nên năm 2012 công trình cải tạo đường Na Sầm- Na Hình chính thức được ghi vốn và khởi công với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi. Có thể nói đây là niềm vui của nhân dân và các doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới, bởi nếu con đường được hoàn thành đúng tiến độ sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội vùng biên. Cùng niềm vui đó là nhân dân sẽ đi lại dễ dàng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Thế nhưng ngay sau khi khởi công được vài tháng toàn bộ công trình rơi vào cảnh thi công ì ạch, kể cả các đoạn tuyến giải phóng mặt bằng khá tốt. Qua nhiều lần đốc thúc của Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng hạ tầng Kỹ thuật tỉnh, kiểm tra đôn đốc của lãnh đạo tỉnh bên thi công mới dốc lực thi công khá hơn một chút. Biện pháp thi công là rải lực lượng ra toàn tuyến nên mỗi chỗ bên thi công đào đắp một chút khiến cho cả tuyến đường chỗ thì dở đào, chỗ thì dở đắp. Toàn tuyến đường trở nên nham nhở. Do thi công không có các biện pháp đảm bảo giao thông vì vậy những chỗ đào đắp đất bùn phủ dầy, mỗi khi mưa toàn bộ lòng đường trở thành nơi đọng nước, hình thành các ổ gà, ổ voi khiến cho các phương tiện không thể lưu thông được.
Do nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, doanh nghiệp không thể chờ nên họ phải thuê xe kéo ở những đoạn đường khó khiến cho chi phí của doanh nghiệp bị đội lên rất nhiều. Với người dân do yêu cầu sinh hoạt, học tập các cháu học sinh vẫn phải đi lại, mỗi lần như vậy rất nguy hiểm vì các ta luy dương bên thi công đào có thể sập xuống bất kỳ lúc nào. Đặc biệt sau cơn bão số 2, số 3 nhiều đoạn đường bị khoét thành hàm ếch rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Vì đường khó đi nên người dân dọc các thôn giáp biên thường xuất cảnh mua bán tiêu dùng phía nước bạn. Còn cư dân từ giữa tuyến trở ra phải vượt trên 10 km đi chợ Na Sầm, mỗi lần đi như vậy là cả một lần vất vả.
Anh Lương Văn Pin, trưởng thôn Na Hình, xã Thụy Hùng cho biết: đường lầy lội nên bà con rất ngại đi lại, khó phát triển kinh tế, hàng hóa tiêu dùng tại đây rất đắt, ngược lại nông sản bà con làm ra thì rất rẻ bởi thương lái không thể vào mua. Theo quan sát của chúng tôi, bên thi công triển khai công việc khá ì ạch. Trên tuyến thi công có hàng chục xe tải nhưng chỉ có một, hai chiếc hoạt động. Hầu hết máy xúc, máy ủi nằm im lìm bất động, cả công trường mới có chục công nhân làm từng phần việc thủ công. Những đoạn đã đào bới ra không được rào lại hoặc cảnh báo an toàn, không ai chỉ đường và những chỗ đất, đá không được san phẳng để các phương tiện lưu thông.
Bà Đinh Thị Động, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc cho biết: do đường khó đi nên ách tắc hàng hóa xuất nhập khẩu, công ty đã nhiều lần kiến nghị, nhiều lần tự đổ đất đá để vá đường, thế nhưng làm đến đâu hỏng đến đấy do bên làm đường bóc đất bừa bãi: “Thà cứ để như xưa có khi lại tốt cho người dân hơn, nếu đã làm nên làm dứt điểm từng đoạn chứ không nên đào bới lung tung thế này”- Bà Động nói.
Làm dứt điểm từng đoạn, đảm bảo lưu thông đấy cũng là nguyện vọng của người dân và doanh nghiệp lưu thông xuất nhập khẩu qua địa bàn. Thế nhưng hiện nay với tốc độ thi công chậm như vậy thì chắc chắn còn rất lâu nữa con đường mới hoàn thành.
NGUYỄN NHẬT ANH
Ý kiến ()