Đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc
Quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc
Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc luôn kề vai sát cánh, gắn bó máu thịt bên nhau trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai địch họa và xây dựng đất nước.
Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, với quan điểm nhất quán, xuyên suốt là các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Các dân tộc Việt Nam là một cộng đồng thống nhất trong đa dạng, cư trú, phân tán, đan xen trên nhiều địa bàn của Tổ quốc.
Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta và đã đề ra chủ trương, chính sách dân tộc với nguyên tắc nhất quán: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc ở Việt Nam được làm chủ vận mệnh của mình trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ trương, chính sách của Đảng được đồng bào các dân tộc ủng hộ, đón nhận và ra sức thực hiện, tạo động lực to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng dân tộc, dân chủ và những thành tựu to lớn của cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với các đại biểu các dân tộc thiểu số. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Trong thời kỳ đổi mới, nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề dân tộc, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, như Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế-xã hội miền núi; Nghị quyết số 24/NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Quan điểm, chủ trương, chính sách cơ bản của Đảng về dân tộc và công tác dân tộc được thể chế hóa trong nhiều bộ luật, luật, pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, thông tư… của các cơ quan có thẩm quyền.
Có thể khẳng định, chính sách dân tộc của Đảng luôn được quán triệt và triển khai thực hiện nhất quán trong mọi thời kỳ. Trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, chính sách dân tộc của Đảng luôn được bổ sung, hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển của đất nước.
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tại thôn Đăk Mế có trên 70 em học sinh là người Brâu. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lâu dài trong sự nghiệp cách mạng nước ta.”
Thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đã đề ra một loạt các chương trình, mục tiêu đối với vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Chính trị đã ban hành các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chỉ đạo các ban của Đảng, Ban cán sự đảng của các bộ, ngành liên quan và cấp ủy các địa phương tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc và đã ra nhiều kết luận quan trọng liên quan đến công tác chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Những thành tựu cơ bản trong thực hiện chính sách dân tộc
Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng sự nỗ lực vươn lên của đồng bào các dân tộc, trong những năm qua, tình hình kinh tế-xã hội vùng dân tộc đã có những chuyển biến quan trọng, quyền bình đẳng giữa các dân tộc ngày càng được thể chế hóa và thực hiện trên thực tế các lĩnh vực của đời sống.
Học sinh dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)
Cùng với những thành tựu to lớn của đất nước đạt được trong năm 2019, các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi đều đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân các tỉnh vùng Tây Bắc tăng 8,4%, các tỉnh vùng Tây Nguyên tăng 8,1%, các tỉnh vùng Tây Nam bộ tăng 7,3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 3-4%/năm.
Ưu tiên đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội thiết yếu, như: giao thông, nước cho sinh hoạt và sản xuất, điện, thông tin liên lạc, trạm xá, các thiết chế văn hóa, y tế, trường, lớp học đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Ðến nay đã có 98,4% số xã có đường ô tô đến trung tâm; hơn 98% số hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia;hơn 90% số xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% số xã có hạ tầng viễn thông; 100% số xã có trường lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% số xã có trạm y tế.
Khám, tư vấn sức khoẻ miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số Nam Đông, Thừa Thiên-Huế (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ, đạt thành tựu to lớn. Đến nay, đã cơ bản xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở; các loại hình trường nội trú, bán trú phát triển, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát triển giáo dục, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc; các giá trị văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát huy, như: khôi phục các lễ hội truyền thống, tổ chức ngày hội văn hóa của các dân tộc; hình thành và bước đầu hoạt động có hiệu quả Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, tổ chức trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam…
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số được cải thiện, góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng và chất lượng dân số; đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định; mạng lưới y tế ở vùng dân tộc thiểu số phát triển.
Già A Dói, người có uy tín trong cộng đồng người Rơ Măm chăm sóc bò được hỗ trợ từ Quyết định 2086/QĐ-TTg. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng dân tộc và miền núi có chuyển biến tốt, dịch vụ trợ giúp pháp lý đang tiếp cận với người dân. Công tác vận động nhân dân, phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng được chú trọng.
Bình đẳng giới từng bước được tạo lập giúp người phụ nữ nâng cao nhận thức, vươn lên phát huy vai trò của bản thân trong gia đình và xã hội.
Có thể thấy rằng, nếu như trong thời chiến, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta có tác dụng cổ vũ, khích lệ tinh thần cách mạng của đồng bào dân tộc thiểu số kháng chiến, làm nên thắng lợi lịch sử của dân tộc, thì trong thời kỳ đổi mới, chính sách ấy có ý nghĩa củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra khối sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ổn định tình hình an ninh, chính trị của đất nước./.
Nghi lễ phục dựng Lễ cúng cầu mưa của người Jrai tại làng Krêl, xã Ia Krêl, huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai
Ý kiến ()