Ðường cao tốc trong chiến lược phát triển kinh tế Trung Quốc
Đường vào Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Từ hàng nghìn năm nay, người Trung Quốc vẫn truyền nhau câu nói: "Muốn làm giàu phải làm đường trước". Nhưng chắc chắn rằng chỉ có ngày nay, câu nói đó mới được kiểm chứng đầy đủ nhất. Trong dân gian, người ta còn phát triển nó một cách nôm na rằng: "Đường nhỏ giàu nhỏ, đường to giàu to, đường cao tốc giàu nhanh".Trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, "phát triển kinh tế, giao thông đi trước" được coi như một tư tưởng chiến lược xuyên suốt trong các quy hoạch phát triển. Bởi thế, khi nghiên cứu kỳ tích phát triển kinh tế của Trung Quốc mấy chục năm nay, người ta không thể bỏ qua chiến lược giao thông, trong đó nổi bật nhất là đường cao tốc.Lịch sử phát triển Sau mấy năm cải cách mở cửa, lưu lượng vận chuyển người và hàng hóa của Trung Quốc tăng mãnh liệt, vận tải đường sắt, đường không, đường bộ đều rất căng thẳng. Những người có hiểu biết đã bắt đầu lên tiếng kêu gọi làm đường cao tốc. Ngày 31-10-1988, đoạn...
![]() Đường vào Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. |
Từ hàng nghìn năm nay, người Trung Quốc vẫn truyền nhau câu nói: “Muốn làm giàu phải làm đường trước”. Nhưng chắc chắn rằng chỉ có ngày nay, câu nói đó mới được kiểm chứng đầy đủ nhất. Trong dân gian, người ta còn phát triển nó một cách nôm na rằng: “Đường nhỏ giàu nhỏ, đường to giàu to, đường cao tốc giàu nhanh”.
Trong đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, “phát triển kinh tế, giao thông đi trước” được coi như một tư tưởng chiến lược xuyên suốt trong các quy hoạch phát triển. Bởi thế, khi nghiên cứu kỳ tích phát triển kinh tế của Trung Quốc mấy chục năm nay, người ta không thể bỏ qua chiến lược giao thông, trong đó nổi bật nhất là đường cao tốc.
Lịch sử phát triển
Sau mấy năm cải cách mở cửa, lưu lượng vận chuyển người và hàng hóa của Trung Quốc tăng mãnh liệt, vận tải đường sắt, đường không, đường bộ đều rất căng thẳng. Những người có hiểu biết đã bắt đầu lên tiếng kêu gọi làm đường cao tốc. Ngày 31-10-1988, đoạn đường cao tốc Thượng Hải – Gia Định dài 18,5 km thông xe, đó là đoạn đường bộ cao tốc đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đại lục.
Từ đó, đường cao tốc của Trung Quốc vươn dài ra với tốc độ hiếm thấy trên thế giới.
Đến cuối năm 1998, đã có 8.733 km, đứng thứ sáu thế giới; mười năm tiếp theo, tháng 10-1999 đột phá lên con số 10 nghìn km, đứng thứ tư thế giới; cuối năm 2000 đạt 16 nghìn km, đứng thứ ba thế giới; cuối năm ngoái (2010) con số đó đã lên tới 74 nghìn km (theo thống kê, trên thế giới hiện có gần 100 nước có đường cao tốc, trong đó Mỹ đứng đầu với 90 nghìn km, Trung Quốc đứng thứ hai với 74 nghìn km; Ca-na-đa đứng thứ ba với 16.500 km). Theo công bố mới nhất của Bộ Giao thông Trung Quốc, đến cuối năm 2010, tổng chiều dài đường bộ của Trung Quốc là 3 triệu 984 nghìn km; riêng thời kỳ Quy hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006 – 2010), trung bình mỗi năm tăng 128 nghìn km, trong đó, đường cao tốc trung bình mỗi năm dài ra 6.500 km, riêng năm 2010 tăng 9.200 km.
Lợi ích mang lại
Khi đường sá hiện đại và tiện lợi, các khoảng cách trên đất nước bao la này dường như được rút ngắn lại, lưu thông dễ dàng, kinh tế phát triển. Xin lấy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây gần Việt Nam làm thí dụ. Đây là một địa phương cấp tỉnh thuộc vùng dân tộc, miền núi, diện tích rộng đến 230 nghìn km2 nhưng đồi núi chiếm tới 85%, trước đây đi lại không dễ dàng, kinh tế kém phát triển. Từ năm 1993, Quảng Tây mới bắt đầu xây dựng đường cao tốc, đến nay, đã có 2.500 km. Quãng đường từ Nam Ninh (thủ phủ Quảng Tây) đến Quế Lâm 400 km, trước đây đi ô-tô phải mất một ngày ròng rã. Kể từ khi có đường cao tốc, từ Nam Ninh đến Quế Lâm chỉ đi mất bốn giờ, cứ 30 phút có một chuyến xe khách. Người dân Quảng Tây thừa nhận, kinh tế khu vực này mấy năm qua phát triển nhanh chóng là không thể tách khỏi sự phát triển của hệ thống đường cao tốc. Theo tính toán của các chuyên gia, so với đường bộ phổ thông, đường cao tốc có những ưu thế nổi bật, như tốc độ chạy xe nhanh, khả năng lưu thông lớn, giá thành vận tải thấp, mức độ an toàn cao. Tuy nhiên, khi bàn về lợi ích của đường cao tốc, người ta không chỉ nhìn vào những tính chất này. Hiện nay, các khu khai phát, khu công nghiệp, các trung tâm giao dịch đang mọc lên san sát khắp nơi trên đất nước này, chủ yếu và trước hết là tập trung gần các trục đường cao tốc. Theo Bộ Giao thông Trung Quốc, xây dựng được mạng lưới đường cao tốc sẽ “có lợi cho việc đẩy nhanh xây dựng thị trường thống nhất cả nước, thúc đẩy lưu thông tự do và cạnh tranh đầy đủ của hàng hóa và các yếu tố khác trong phạm vi cả nước”. Một quốc gia hiện đại hóa không thể thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, một hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại không thể thiếu một mạng lưới đường cao tốc hiện đại. Đường cao tốc cũng nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại đang tăng lên từng ngày của người dân.
Chưa có thể thống kê đầy đủ lợi ích của đường cao tốc, nhưng theo tính toán của các nhà kinh tế Trung Quốc gần đây, ở Trung Quốc ngày nay, cứ đầu tư một tỷ nhân dân tệ (NDT) vào làm đường cao tốc thì có thể trực tiếp đẩy sản lượng sản xuất xã hội lên gần 3 tỷ NDT. Các học giả còn cho rằng, lưu chuyển trên đường cao tốc không chỉ là con người và hàng hóa mà còn là sự lưu chuyển của thương mại, tiền tệ, thông tin, văn hóa, v.v. Đó là tiêu chí của một quốc gia hiện đại hóa.
Quy hoạch cho tương lai
Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVI (năm 2002) quyết định thực hiện chiến lược “xây dựng toàn diện xã hội khá giả” trong 20 năm đầu thế kỷ. Các ngành đã đệ trình các chiến lược, quy hoạch của ngành mình nhằm thực hiện chiến lược trọng đại mà Đại hội đã đề ra. Bộ Giao thông và Ủy ban Phát triển Cải cách nhà nước đã xây dựng nên “Quy hoạch mạng lưới đường cao tốc quốc gia”. Quy hoạch này đã được Quốc Vụ viện phê chuẩn cuối năm 2004 và công bố ngày 13-1-2005.
Theo Quy hoạch, Trung Quốc phải dùng một khoảng thời gian 30 năm (kể từ tuyến đường cao tốc đầu tiên) để hình thành một mạng lưới đường cao tốc quốc gia 85 nghìn km. Mạng lưới mới này được hợp thành bởi bảy tuyến tỏa ra từ Thủ đô Bắc Kinh, chín tuyến dọc nam – bắc và 18 tuyến ngang đông – tây, bởi vậy có tên gọi tắt là “Mạng lưới 7918”. Mạng lưới này sẽ liên kết tất cả các thành phố có 200 nghìn dân trở lên lại với nhau và nối với các trục giao thông đường sắt, đường không, đường thủy chính và các cửa khẩu quan trọng. “Mạng lưới 7918” sẽ phủ rộng trên diện tích dân cư hơn một tỷ người. Tuy nhiên, mạng lưới đó chưa phải là tất cả đường cao tốc của Trung Quốc. “Quy hoạch” ghi rõ: “Mạng lưới đường cao tốc quốc gia là hệ thống đường cao tốc cấp quốc gia mà Quốc Vụ viện phê chuẩn theo quy trình luật định. Đó không phải là toàn bộ đường cao tốc của Trung Quốc trong tương lai. Các tỉnh, thành phố trực thuộc còn phải dựa theo Quy hoạch này, tiếp tục xây dựng các tuyến đường cao tốc nối tiếp mạng lưới đường cao tốc quốc gia hoặc xây dựng các tuyến đường cao tốc chính phục vụ cho nhu cầu phát triển của địa phương mình”.
Để hoàn thành được Quy hoạch khổng lồ này, Chính phủ Trung Quốc dự tính cần đến khoảng 2.200 tỷ NDT (tương đương 340 tỷ USD). Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật có liên quan cũng không ngừng được hoàn thiện. Theo Bộ Giao thông Trung Quốc, hiện nay đã có hơn 50 văn bản quy định quản lý và hơn 60 văn bản về quy phạm kỹ thuật đường bộ, trong đó bao gồm đường cao tốc, là những văn bản dưới luật cho phép kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng, phát triển và quản lý hệ thống đường bộ cả nước.
Kinh phí đầu tư
Làm đường cao tốc là phải đầu tư lớn. Thực tế cho thấy, để làm đường giao thông, chỉ dựa vào vốn đầu tư của Nhà nước là không thực tế. Nhà nước chủ yếu cho sự hỗ trợ quan trọng về chính sách. Quốc Vụ viện đã ban hành chính sách vay tiền làm đường, thu phí hoàn trả, thu các phụ phí mua sắm xe cộ, lập quỹ xây dựng đường bộ riêng. Nhà nước đã cải cách thể chế thu hút vốn đầu tư giao thông, mở ra cánh cửa thị trường bị đóng kín xưa nay. Vốn đầu tư xây dựng đường bộ từ chỗ chủ yếu dựa vào thu phí giao thông theo quy định đã phát triển sang hướng áp dụng các phương thức như vay vốn ngân hàng, phát hành công trái, phát hành cổ phiếu, thu tiền chuyển nhượng quyền kinh doanh đối với loại đường thu phí (thực chất là bán quyền kinh doanh cho các doanh nghiệp) và sử dụng vốn nước ngoài, v.v. Những năm gần đây, pháp quy về kinh doanh đường bộ ở Trung Quốc cũng được mở thông thoáng hơn. Nhà nước quy định, pháp nhân đầu tư, xây dựng có quyền kinh doanh dự án bằng phương thức thu phí trong vòng 30 năm. Sau 30 năm, Nhà nước mới thu hồi quyền kinh doanh của dự án đó. Cá nhân cũng có quyền đầu tư mua cổ phần của dự án. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các công ty đường bộ cũng ngày càng tăng.
Hiện nay, tại Trung Quốc có khoảng 100 triệu xe hơi. Trong năm năm gần đây, trung bình mỗi năm có thêm 9,5 triệu chiếc.
Trên thực tế, kể từ khi “Quy hoạch mạng lưới đường cao tốc quốc gia” ra đời, tốc độ phát triển của loại đường này ở Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của Chính phủ, chỉ tiêu đặt ra cho 30 năm có thể chỉ hoàn thành trong 25 năm. Các nhà kinh tế đã đưa ra những kết luận chắc chắn rằng “đường cao tốc là sản phẩm tất yếu của phát triển kinh tế”, “đường cao tốc là nhịp cầu tiến tới hiện đại hóa của một quốc gia”, v.v. để nhấn mạnh vai trò của đường cao tốc trong chiến lược phát triển của đất nước khổng lồ này.
Theo Nhandan

Ý kiến ()