Được mùa rớt giá
LSO-Vụ đông xuân năm 2017 – 2018 được cho là có thời tiết thuận lợi cho việc trồng khoai tây và quả đúng như vậy, người dân trồng khoai tây của huyện Chi Lăng đã được mùa với diện tích, năng suất và sản lượng bình quân đều cao hơn năm 2017. Tuy nhiên, mức giá bán buôn cũng như bán lẻ chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Khoai tây của dân được Huyện đoàn Chi Lăng phối hợp với Thành đoàn Lạng Sơn hỗ trợ bày bán tại ki ốt chợ bờ sông, thành phố Lạng Sơn |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, năm 2017, diện tích trồng khoai tây toàn huyện gần 150 ha, nhiều hơn năm 2016 khoảng 30 ha, tập trung nhiều nhất ở xã Quan Sơn với diện tích 50 ha, còn lại là các xã: Nhân Lý, Mai Sao, Quang Lang… Trong đó, giống khoai Đức, Hà Lan lòng vàng chiếm khoảng 1/3 diện tích, còn lại là giống khoai tây Trung Quốc. Năm nay, thời tiết thuận lợi, khoai phát triển tốt cho năng suất bình quân 135 tạ/ha, cao hơn so với vụ khoai năm 2017 (115 tạ/ha), cá biệt có ruộng đạt cao hơn nữa.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được mùa của bà con là nỗi buồn giá thấp. Do đã đến vụ thu hoạch cả tháng nay nhưng lượng tiêu thụ chậm, giá thành chỉ bằng một nửa vụ trước. Ông Vi Văn Vọng, nông dân thôn Đông Mồ, xã Quang Lang, vừa thu hoạch khoai vừa buồn bã chia sẻ: Tầm này năm ngoái, người dân còn thu không kịp bán, thương lái, du khách xuống cả ruộng để tranh nhau mua với giá bán đổ xô bình quân cũng được 9 nghìn đồng/kg tại ruộng. Nhưng năm nay, gia đình thu hoạch khoai đưa ra tới chợ rồi cũng chỉ bán được 5 nghìn đồng/kg. Theo nhẩm tính của ông Vọng, 4 sào khoai tây thu bán với giá 5 nghìn đồng/kg thì số tiền thu lại chỉ khoảng gần 3 triệu đồng. Trong khi đó, tiền giống, phân bón từ đầu vụ (chưa tính công chăm sóc) đã hết 3 triệu đồng.
Cũng theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sở dĩ khoai tây năm nay mất giá do các nguyên nhân chính như: diện tích và sản lượng khoai của các tỉnh miền xuôi như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh… vụ này tăng đột biến và cũng tiêu thụ chậm nên thời gian tiêu thụ kéo dài, so với mọi năm thì kết thúc vụ khoai tây ở các tỉnh dưới xuôi thì nông dân trong huyện mới bắt đầu vào vụ thu hoạch khoai tây. Chính vì cung vượt cầu quá nhiều dẫn đến quy luật rớt giá tự nhiên. Cùng với đó, trên địa bàn huyện chưa có doanh nghiệp đăng ký bao tiêu sản phẩm mà người dân tự trồng, tự bán nên bị ảnh hưởng lớn của quy luật cung – cầu.
Ông Lương Thành Trung, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Từ đầu vụ, khi nhận thấy khoai tây năm nay giá thấp và khó tiêu thụ, phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập tổ công tác đến các vùng khoai trên địa bàn nắm bắt tình hình sản xuất và hướng dẫn bà con cách bảo quản sau thu hoạch. Đồng thời, UBND huyện đã vận động các cơ quan, đoàn thể, tổ chức công đoàn trên địa bàn tham gia “giải cứu” khoai tây giúp người dân.
Đơn cử như Huyện đoàn Chi Lăng đã phối hợp cùng Huyện đoàn Hữu Lũng mở một điểm bán khoai tây tại thị trấn Hữu Lũng và phối hợp với Thành đoàn thành phố Lạng Sơn mở điểm bán tại chợ đầu mối Giếng Vuông và 2 ki – ốt tại chợ Bờ Sông, thành phố Lạng Sơn… Chỉ trong 2 ngày 28 – 29/3, các điểm bán đã tiêu thụ được hơn 10 tấn khoai tây cho người dân. Đồng thời, nhiều tổ chức đoàn thể cũng đang vào cuộc kêu gọi, thu mua khoai tây, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia đình vừa làm quà biếu, góp phần chia sẻ gánh nặng với người nông dân.
Vụ khoai của bà con chỉ kéo dài hơn một tháng, chính vì vậy, hơn lúc nào hết cần sự chung tay của cộng đồng để sẻ chia gánh nặng với người nông dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo bài toán “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp nhiều năm nay. Thời gian tới, cần hơn nữa sự định hướng mùa vụ từ các cấp chính quyền, tạo kết nối 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý (chính quyền) và nhà đầu tư (doanh nghiệp) để nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đầu ra, lợi ích mùa vụ cho người nông dân.
ANH DŨNG – ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()