Được mùa, mất giá
LSO-Huyện Văn Quan là “vựa” hồi lớn nhất tỉnh với diện tích gần 10.000 ha, chiếm 25% diện tích cây hồi toàn tỉnh, trong đó có trên 7.000 ha đang cho thu hoạch. Vụ hồi năm nay được đánh giá là được mùa nhất trong 5 năm trở lại đây, tuy nhiên giá hồi lại thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.
Người dân xã Chu Túc, huyện Văn Quan thu hoạch hồi |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Văn Quan đang là thời gian thu hoạch hồi chính vụ (kéo dài từ tháng 8 đến tháng 10). Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện, vụ hồi năm nay ước sản lượng đạt 12 nghìn tấn hồi tươi, (tăng 2.000 tấn so với năm 2016). Tuy nhiên, giá hồi năm nay lại giảm mạnh, chỉ bằng một nửa so với năm trước. Năm nay, giá hồi chỉ đạt 9.000 đồng/kg, trong khi năm 2016 đạt từ 16.000 đồng đến 25.000 đồng/kg. Vì vậy, mặc dù được mùa, nhưng thực tế thu nhập từ hồi của người dân lại thấp hơn năm ngoái.
Anh Lương Văn Phú, thôn Nà Pua, xã Vân Mộng cho biết: Nhà tôi có khoảng 6 ha hồi, năm nay hồi sai nhiều hơn so với mọi năm. Cả vụ năm ngoái chỉ thu được 2 – 3 tấn, nhưng vụ này ước thu được khoảng 6 tấn hồi. Nhưng giá chỉ được 9.000 đồng/kg nên thu nhập từ hồi thấp hơn năm ngoái. Vì vậy, mặc dù được mùa nhưng gia đình tôi và những người trồng hồi trong xã không thể vui được.
Được biết, nguyên nhân khiến giá hồi tươi thấp là do thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nên đầu ra không ổn định. Hiện các tư thương chỉ đứng ra hợp đồng miệng với các thương lái Trung Quốc vì thế thường xuyên bị ép giá, giá cả lên xuống không ổn định. Ông Nông Văn Tùng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Đến nay, huyện vẫn chưa ký kết được với các doanh nghiệp về bao tiêu đầu ra cho sản phẩm hồi, vì vậy, giá hồi bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường.
Bà Chu Thị Hạnh, phố Điềm He 2, xã Văn An là người có hơn chục năm thu mua hồi cho biết: Hồi được mùa, mỗi phiên chợ tôi đều thu mua được hơn 125 tấn hồi tươi. Giá hồi thấp do chúng tôi không có hợp đồng với đối tác Trung Quốc, phải phụ thuộc, tư thương Trung Quốc trả giá thấp nên chúng tôi phải thu mua với giá thấp.
Trước thực tế giá hồi bấp bênh, để tìm hướng đi mới cho cây hồi, nhiều người dân huyện Văn Quan đã chuyển từ bán hồi tươi sang phơi để bán hồi khô với giá cao hơn (khoảng 50.000 đồng/kg) và xây lò chưng cất tinh dầu… Tuy nhiên, việc chế biến và bảo quản hồi vẫn còn rất nan giải đối với người trồng hồi. Bởi để bảo quản, chế biến hồi không chỉ đòi hỏi yếu tố kỹ thuật mà còn phải có vốn, quỹ đất và nhân lực, vì vậy người trồng hồi luôn rơi vào thế bị động, đành chấp nhận giá hồi lên xuống thất thường.
Ông Nông Văn Tùng cho biết thêm: Thời gian tới, để ổn định đầu ra cho quả hồi, phòng sẽ phối hợp với các ngành chức năng tìm những giải pháp thiết thực. Trong đó, tập trung đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, hướng đến thực hiện bao tiêu sản phẩm; tích cực tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc cây hồi; cách bảo quản để hồi đạt chất lượng cao. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đứng ra thu mua hồi dưới nhiều hình thức. Từng bước đưa hồi trở thành sản phẩm hàng hóa, có giá trị kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()