Được lòng dân, nâng nhận thức
LSO-Là một tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn rất khó khăn trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, với quyết tâm nâng cao mức sống cho nhân dân các vùng có mặt nước hồ, đập, tỉnh đã xây dựng dự án thả cá trong lòng hồ thủy lợi. Điều đó không những được lòng dân mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi quan niệm nuôi trồng thủy sản ở miền núi Xứ Lạng.
Nông dân huyện Lộc Bình bán cá nuôi trồng tại chợ Giếng Vuông thành phố Lạng Sơn |
Một hình ảnh khá lạ với người dân Xứ Lạng là gần đây rất nhiều các bác, các cô ở vùng sâu, vùng xa ra chợ bán cá. Có người còn mặc nguyên bộ quần áo chàm truyền thống. Hỏi ra mới biết họ là những nông dân ở vùng sâu, vùng xa nuôi trồng, đánh bắt được thủy sản mang bán. Câu chuyện đơn giản vậy nhưng để có được điều đó là cả sự thay đổi về nhận thức, quan niệm của người dân. Là một tỉnh miền núi nhưng thiên nhiên khá ưu đãi cho Lạng Sơn. Hiện cả tỉnh có gần 700 hồ, đập lớn, nhỏ. Trong đó có 15 hồ, đập lớn thuộc địa bàn 5 huyện, thành phố với diện tích đạt 500 ha. Mặc dù số lượng hồ, đập nhiều như vậy nhưng do nuôi trồng thủy sản chưa được tổ chức tốt nên nguồn cung thực phẩm từ thủy sản ở Lạng Sơn hết sức nhỏ lẻ. Bình quân mỗi người dân mới chỉ hưởng thụ thủy sản ở mức rất khiêm tốn khoảng 2,6 kg thủy sản một người mỗi năm, trong khi đó bình quân cả nước là 20 kg.
Để tận dụng thế mạnh lòng hồ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 778/QĐ-UBND ngày 22/6/2012 về việc thả cá xuống lòng hồ thủy lợi. Dự án được thực hiện trong vòng 3 năm, tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng (mỗi năm 1,1 tỷ đồng). Ngay sau khi có quyết định của tỉnh, việc thả cá xuống lòng hồ được tiến hành khá nhanh. Bên cạnh đó xác định cư dân xung quanh lòng hồ ít đất canh tác, chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo, ngoài việc giúp họ cải thiện, nâng cao mức sống từ nuôi trồng thủy sản còn giúp họ nâng cao nhận thức về nuôi trồng thủy sản. Vì vậy khi thả cá xuống lòng hồ hàng loạt các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được người dân cập nhật. Theo ông Phạm Bá Biền, Phụ trách Trung tâm Thủy sản Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thì hiện nay mặc dù dự án chưa tổng kết nhưng nhận thức của người dân đã thay đổi. Từ chỗ không tin là nuôi trồng thủy sản được thì nay đã có sản phẩm để bán. Từ chỗ cho rằng khó quản lý thì hiện nay họ đã biết thành lập các tổ tự quản để quản lý nguồn lợi thủy sản. Và mục tiêu thả 15 hồ nay đã được xã hội hóa, rất nhiều nhân dân các vùng lân cận tận dụng mặt nước, ao hồ để thả cá nên diện tích nuôi trồng không ngừng được nâng lên.
Với tỉnh miền múi, mức hưởng thụ thủy sản thấp, mục tiêu của dự án là tập trung vào các loại thủy sản có giá thành hạ, phù hợp với thực tiễn. Các giống cá như chép, trôi, mè, trắm được thả xuống lòng hồ đã phát huy hiệu quả vừa lớn nhanh, giá thành nuôi rẻ, giá bán phù hợp với thu nhập của người dân nên đã nâng mức hưởng thụ thủy sản của người dân trung bình lên 6,5 kg một người mỗi năm. Qua nuôi trồng thủy sản giúp người dân có thêm kiến thức, thay đổi nhận thức về nuôi trồng thủy sản ở miền núi. Anh Hoàng Văn Tân, hộ nuôi trồng thủy sản ở hồ Nà Cáy, huyện Lộc Bình cho biết: trước đây người dân vùng lòng hồ Nà Cáy, Bản Chành đánh bắt cá bừa bãi, không ai quản lý thủy sản lòng hồ nên nguồn lợi ngày càng cạn kiệt. Họ còn mở rộng đánh bắt ra các vùng lân cận nên không ai dám nuôi trồng. Hiện nay các lòng hồ đã được quản lý, việc đánh bắt đi vào nền nếp nên anh và các hộ lân cận đã mạnh dạn đầu tư ngoài dự án, kết quả đã nuôi được cả ba ba, cá sấu và nhiều loại thủy hải sản khác.
Theo chương trình, dự án mỗi năm sẽ thả trên 1 triệu con cá giống. Hiện nay đã thả trên 3 triệu con giống. Qua khảo sát mức độ sinh trưởng của cá bố mẹ rất tốt. Ước tính trong 15 hồ sản lượng cá đã đạt gần 300 tấn. Nhưng điều đó chưa quan trọng bằng việc đã hình thành các tổ hợp tác nuôi thủy sản, tận dụng được nguồn lợi thủy sản và các mô hình nuôi trồng thủy sản đang dần được xã hội hóa. Theo ông Phạm Bá Biền, thành công của dự án đã rõ. Những việc ấy còn tác động làm thay đổi nhận thức của chính cán bộ. Riêng nhân dân vùng lòng hồ nhận thức thay đổi đã rõ, bằng chứng là ngày càng nhiều nông dân ra chợ bán thủy sản. Đấy cũng chính là nguồn lực để tái sản xuất mở rộng, tận dụng lợi thế lòng hồ mang lại thành công trong việc đưa thủy sản lên non.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()