Dừng tổ chức phần hội trong Lễ hội Lam Kinh để khắc phục hậu quả bão lũ
Năm nay, để ưu tiên nguồn lực tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau bão, lũ, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định dừng tổ chức phần hội trong Lễ hội Lam Kinh năm 2024.
Nhân kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, 591 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi, sáng 24/9 (tức ngày 22/8 năm Giáp Thìn) lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghi thức dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân).
Theo thông lệ, ngày 21-22/8 âm lịch hằng năm là ngày chính lễ của Lễ hội Lam Kinh. Tuy nhiên, năm nay, để ưu tiên nguồn lực tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau bão lũ, tỉnh Thanh Hóa đã quyết định dừng tổ chức phần hội trong Lễ hội Lam Kinh năm 2024 mà chỉ tổ chức dâng hương theo nghi thức truyền thống tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc), Thái miếu nhà Hậu Lê và Tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi (Thành phố Thanh Hóa).
Theo sử sách ghi lại, năm 1407, sau khi cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại, nước Đại Việt rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, năm 1418, tại núi rừng Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân), Lê Lợi cùng nhiều hào kiệt đã dựng cờ khởi nghĩa, truyền hịch chiêu mộ anh hùng bốn phương, kêu gọi nhân dân đánh đuổi giặc Minh xâm lược.
Trải qua 10 năm dài “nếm mật, nằm gai” với ý chí anh dũng, kiên cường và bằng nghệ thuật quân sự lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều, năm 1428 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã trở thành một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta; biểu tượng cho lòng yêu nước nồng nàn, ý chí anh dũng, quật cường và quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của nhân dân ta trong thời kỳ phong kiến.
Sau khi đất nước thái bình, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, khôi phục quốc hiệu Đại Việt và lập nên vương triều Hậu Lê kéo dài hơn 360 năm. Đây là thời kỳ nước Đại Việt được hồi sinh và trở thành một quốc gia cường thịnh vào bậc nhất ở Đông Nam Á nửa sau thế kỷ 15.
Vua Lê Thái Tổ chọn đất Lam Sơn là nơi thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các vua và hoàng hậu. Song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời hậu Lê - Lam Kinh hay còn có tên gọi khác là Tây Kinh (nay là Di tích Lịch sử Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh) trở thành vùng đất thiêng, nơi mỗi người hướng về cội nguồn với lòng tôn kính, ngưỡng vọng và tri ân các bậc tiền nhân, tiên tổ./.
Ý kiến ()