Dung nham từ núi lửa Kilauea phá hủy kết cấu đảo Hawaii
Hòn đảo nhỏ được hình thành từ nham thạch núi lửa Kilauea ở đảo Hawaii, Mỹ ngày 13/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các nhà địa chất học cho rằng những vụ nổ này có thể phần nào do lượng dung nham từ khe nứt dài tới 40km ở phía Đông núi lửa này chảy vào Thái Bình Dương quá nhiều và quá nhanh chóng.
Những cơn rung chấn và phun trào dung nham kéo dài suốt 11 tuần qua đã khiến khoảng 712 ngôi nhà bị phá hủy, song may mắn không gây thiệt hại về người. Gần đây nhất, ngày 17/7, một quả “bom nham thạch” bắn ra từ núi lửa này đã rơi trúng một tàu du lịch, làm 23 người bị thương.
Hàng nghìn cư dân trên đảo đã được sơ tán khi dung nham bao phủ diện tích rộng 32 km2 gồm đất nông nghiệp, rừng và các khu nhà.
Ước tính, diện tích Đảo Lớn đã được nới thêm khoảng 283 hécta khi dòng dung nham chảy ra biển. Hồi tuần trước nham thạch thậm chí đã tạo thành một hòn đảo nhỏ ở khu vực này. Vị trí dung nham hiện cách Công viên Isaac Hale thuộc cộng đồng Pohoiki khoảng 400 mét.
Trước đó, người dân địa phương đã tìm cách tới đây bằng thuyền, vì cho rằng đây có thể là lần cuối cùng họ nhìn thấy công viên này, trước khi nó bị dung nham phá hủy.
Trong khi đó, một vụ cháy lớn đã xảy ra ở khu vực miền Tây Latvia ngày 18/7, thiêu rụi hơn 180 hécta rừng, khiến chính quyền địa phương phải sơ tán người dân đề phòng hiểm họa.
Theo các lực lượng cứu hỏa và cứu hộ, những cột khói đen và tro bụi bốc cao gần như bao phủ ngôi làng Stikli, khiến người dân nơi đây cảm thấy bị nghẹt thở.
Đám cháy bắt nguồn từ một bãi than bùn ở khu vực Kurzeme trước khi lan rộng sang diện tích rừng gần đó. Lửa lan nhanh do thời tiết khô hanh, nắng nóng 30 độ C kéo dài và có gió mạnh.
Ông Zigmunds Jaunkirkis, một quan chức của Bộ Lâm nghiệp Latvia, cho biết công tác chữa cháy rất khó khăn, do khu vực này ở Kurzeme cư dân sống rải rác, đường sá ít và chật hẹp, trong khi nhiều nơi không thể tiếp cận do có nhiều đầm lầy lớn.
Quân đội và lực lượng vệ binh quốc gia cùng một trực thăng chuyên dụng đã được huy động tới Kurzeme để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ.
Chính phủ nước láng giềng Litva cũng chung tay dẹp “giặc lửa” với Latvia bằng cách điều một đội tình nguyện viên cùng một trực thăng tới hiện trường đám cháy.
Theo dự báo thời tiết, tại miền Tây Latvia trời sẽ không mưa trong vòng 2 tuần tới. Đất nước Latvia 1,9 triệu dân đang trải qua tình trạng hạn hán từ nhiều tháng nay, khiến chính phủ nước này phải tuyên bố thảm họa quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp kể từ tháng Sáu vừa qua./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()