Dùng người theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Phải hiểu biết cán bộ... Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Theo Người, có cán bộ tốt và cán bộ xoàng. Cán bộ tốt thì việc gì cũng xong; nơi nào cán bộ xoàng thì, việc gì cũng uể oải. Do vậy, để bố trí, sử dụng đúng cán bộ, thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải đánh giá đúng cán bộ. Có đánh giá đúng cán bộ thì việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí sử dụng mới có kết quả, mới phát huy được tài năng của từng người.Nhiều năm gần đây, công tác cán bộ của Đảng có nhiều đổi mới, thu được những kết quả quan trọng. Song, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Đây là vấn đề luôn được Đảng ta quan tâm. Từ Đại hội V của Đảng, Báo cáo về công tác xây dựng Đảng trình tại Đại hội đã mạnh dạn chỉ rõ: Công tác đề bạt cán bộ còn bị chi phối khá nặng nề bởi quan điểm đánh giá và lựa chọn người theo lối cũ...,...
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Theo Người, có cán bộ tốt và cán bộ xoàng. Cán bộ tốt thì việc gì cũng xong; nơi nào cán bộ xoàng thì, việc gì cũng uể oải. Do vậy, để bố trí, sử dụng đúng cán bộ, thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải đánh giá đúng cán bộ. Có đánh giá đúng cán bộ thì việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí sử dụng mới có kết quả, mới phát huy được tài năng của từng người.
Nhiều năm gần đây, công tác cán bộ của Đảng có nhiều đổi mới, thu được những kết quả quan trọng. Song, việc đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Đây là vấn đề luôn được Đảng ta quan tâm. Từ Đại hội V của Đảng, Báo cáo về công tác xây dựng Đảng trình tại Đại hội đã mạnh dạn chỉ rõ: Công tác đề bạt cán bộ còn bị chi phối khá nặng nề bởi quan điểm đánh giá và lựa chọn người theo lối cũ…, chưa thật sự lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu của phẩm chất và năng lực. Đến Đại hội XI, khẳng định những thành tích đạt được là cơ bản, Đảng cũng nêu rõ: Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm…; đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu. Theo cách nói của Bác Hồ thì đây là một khuyết điểm to. Để hiểu biết cán bộ, đánh giá đúng cán bộ, cần có cách nhìn biện chứng, toàn diện, công tâm và khách quan. Con người không phải là cái gì bất biến, mà thường xuyên chịu tác động từ những điều kiện, hoàn cảnh khách quan. Bởi thế, việc xem xét, đánh giá cán bộ không nên chấp nhất. Một người cán bộ trước đây có sai lầm, nhưng không vì thế mà sai lầm mãi, không trở thành người tốt được; ngược lại có cán bộ chưa mắc sai lầm, nhưng không thể nói chắc chắn rằng họ không bao giờ sai lầm. Với quan niệm như thế, Bác Hồ nhắc chúng ta, xem xét cán bộ, không chỉ xem mặt ngoài, mà còn phải xem tính chất của họ; không chỉ xem một việc, một lúc, mà phải xem tất cả mọi việc họ làm và quá trình công tác của họ. Xem xét, hiểu biết cán bộ càng sâu sắc thì việc bố trí, sử dụng cán bộ càng hiệu quả.
Cất nhắc cán bộ một cách đúng đắn
Bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ luôn là việc nhạy cảm và không đơn giản. Phải nói rằng, công tác cán bộ, trong đó có việc bổ nhiệm cán bộ ngày càng được thực hiện công khai theo hướng mở rộng dân chủ trực tiếp; nguyên tắc, quy trình các bước được thực hiện chặt chẽ, khoa học hơn. Song, vẫn còn tình trạng chạy chức, chạy quyền, làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ và uy tín của Đảng. Tháng 10-1947, khi viết Sửa đổi lối làm việc, Bác Hồ đã gọi những yếu kém trong việc cất nhắc, dùng cán bộ là 'chứng bệnh'. Đó là ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn; ham dùng những kẻ nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực… Như thế, cố nhiên là hỏng cả công việc của Đảng, hỏng cả danh giá của người lãnh đạo. Theo Bác, phải có gan cất nhắc cán bộ; cất nhắc cán bộ, phải vì công tác tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Cất nhắc đúng cán bộ có đức, có tài không chỉ vừa tăng nguồn lực lãnh đạo, mà còn tạo sự đồng thuận trong cơ quan, thống nhất tư tưởng và việc làm, nâng cao hiệu quả công tác; nếu ngược lại sẽ gây mâu thuẫn trong nội bộ, làm giảm ý chí phấn đấu của những người có trình độ, năng lực. Bởi thế, khi cất nhắc cán bộ, phải xem xét rõ ràng: xem xét cách công tác, cách sinh hoạt; chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không… Phải biết ưu điểm của họ, mà cũng phải biết khuyết điểm của họ – Bác căn dặn như vậy. Cất nhắc cán bộ không đúng là khuyết điểm to của người lãnh đạo, chẳng những khuyết điểm với tổ chức, mà còn là khuyết điểm với người được đề bạt, cất nhắc.
Khéo dùng cán bộ
Trên báo Cứu quốc, số 58, ngày 4-10-1945, khi nói về việc dùng nhân tài, với bút danh Chiến Thắng, Bác viết: 'Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về gì, ta đặt ngay vào việc ấy'. Nếu như biết rõ cán bộ để cất nhắc một cách đúng mực, thì việc khéo dùng cán bộ lại là cả một nghệ thuật. Cái tài của người nghệ sĩ là cảm nhận được cung bậc trên từng phím đàn mà gửi gắm tình cảm của mình vào đó để tạo nên những âm thanh nói hộ trái tim mình. Còn người lãnh đạo có hiểu rõ cán bộ của mình mới giao đúng người, đúng việc. Ở đời, không phải ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, Bác nhắc nhở phải biết tùy tài mà dùng người. Không được 'thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công'. Mục đích của việc khéo dùng cán bộ là để khơi dậy tiềm năng ý chí và năng lực làm việc, tránh những hạn chế, yếu kém của mỗi người, cốt để thi hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, cần 'thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách', mới nhanh trưởng thành. Khi giao việc cho cán bộ phải bàn kỹ, nói rõ nội dung yêu cầu và dành cho họ quyền tùy cơ ứng biến, sáng tạo trong cách làm. Không miễn cưỡng trao việc mà họ không gánh nổi; 'không nên sớm ra lệnh này, trưa đổi lệnh khác'. Song, cũng không phó mặc cho cán bộ mà thường xuyên kiểm tra, động viên, khen ngợi việc làm tốt, uốn nắn, giúp cán bộ sửa chữa khuyết điểm rút kinh nghiệm việc làm chưa tốt. 'Nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra 'chỉnh' một lần, thế là 'đập' cán bộ. Cán bộ bị 'đập', mất cả lòng tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng'. Khéo dùng cán bộ, còn là biết cách 'khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến', kể cả việc góp ý cho cán bộ lãnh đạo, chỉ ra hạn chế, khuyết điểm của cấp trên. Đó là niềm tin đối với cán bộ, là thể hiện sự dân chủ trong Đảng, cùng giúp nhau tiến bộ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ sâu sắc mà phong phú. Noi gương Người, khắc ghi và làm theo những lời căn dặn ấy luôn là động lực thôi thúc chúng ta trong công tác. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, mỗi cấp ủy và những người làm công tác cán bộ hơn bao giờ hết nhận thức sâu sắc quan điểm cơ bản của Đảng đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XI. Đó là tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ; đổi mới tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác này. Đổi mới việc đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển.
Theo Nhandan
Ý kiến ()