Dừng ngay những dự án đầu tư không bảo đảm
Ngày 29-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về an toàn hồ chứa nước.
– Ngày 29-8, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về an toàn hồ chứa nước.
Nguy hiểm luôn rình rập tại các hồ chứa nhỏ
Đánh giá về hiện trạng công trình đầu mối của hồ chứa nước ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, cả nước có 317 hồ bị hư hỏng, trong đó có 120 hồ trọng điểm cần quan tâm đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ 2013, chủ yếu tập trung vào nhóm hồ chứa nhỏ có dung tích trữ dưới 3 triệu m3.
Hiện có 25 đập bị thấm ở mức độ mạnh, chín hồ bị hư hỏng tràn xả lũ, 13 hồ hư hỏng thân ống, 17 hồ thiếu khả năng xả lũ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Nhiều địa phương có hồ xuống cấp như Hòa Bình (25 hồ), Hải Dương (17 hồ), Hà Tĩnh (20 hồ), Bình Định (21 hồ), Thanh Hóa (17 hồ)…
Mặc dù các hồ chứa nhỏ dù chiếm số lượng không lớn nhưng cần đặc biệt quân tâm và có biện pháp đảm bảo an toàn công trình vùng hạ du trong mùa mưa lũ, vì đa số đã bị hư hỏng nếu bị sự cố sẽ gây thiệt hại rất lớn. Năm 2009 sự cố vỡ đập hồ Z20 (Hà Tĩnh) khi vỡ đã làm trôi đường sắt Bắc Nam một đoạn dài gần 500m làm tê liệt giao thông đường sắt hàng tháng. Năm 2010 vỡ đập hồ Khe Mơ (Hà Tĩnh), hồ Đội 4, hồ 36 Đắc Lắc, hồ Phước Trung (Ninh Thuận). Năm 2013 sự cố sụt lún tại thân đập hồ Bản Muông (Sơn La), vỡ tràng xả lũ hồ Hoàng Tân (Tuyên Quang) vỡ đập dâng Phân Lân (Vĩnh Phúc)…
Không chỉ là việc xuống cấp của các công trình ở nhiều nơi mà, công tác quản lý chất lượng xây dựng đập thủy điện nhỏ còn nhiều bất cập. Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, do chủ đầu tư đa số là tư nhân, năng lực hạn chế nên quá trình xây dựng đập từ khâu khảo sát đến nghiệm thu đưa vào khai thác chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình.
Đại diện một số địa phương cũng thừa nhận thực trạng mỗi nơi quản lý hồ theo một kiểu, quá nhiều đơn vị quản mà thiếu “nhạc trưởng”. Quá trình quản lý, vận hành đập, công tác quản lý Nhà nước về an toàn hồ chứa còn nhiều bất cập đặc biệt trong phân cấp quản lý. Trách nhiệm các ngành trong quản lý hồ chứa sau khi sự cố vỡ đập các ngành còn lúng túng chẳng biết ngành nào phải chịu trách nhiệm vì điều khoản quy định chưa rõ còn chồng chéo.
Tiêu chuẩn pháp lý đối với chủ đầu tư, người thiết kế … còn hổng nên dường như quản lý đập ai cũng làm được, thiết kế đập ai cũng làm được, xây dựng đập ai cũng làm được., ông Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nói.
Cần 17.500 tỷ sửa chữa công trình cấp bách
Theo đại diện nhiều bộ ngành và địa phương, đối với hồ thủy điện do có nguồn thu nên công tác duy tu, bảo dưỡng còn bảo đảm. Nhưng đối với hồ thủy lợi tìm lời giải bài toán kinh phí là không dễ dàng.
Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, quá nhiều khó khăn trong việc chống lũ và cấp nước cho hạ du của các hồ chứa. Theo ông Lai đối với các hồ thủy lợi nói chung và hồ chứa thủy điện lớn nói riêng được đầu tư hàng năm bằng ngân sách sử dụng đa mục tiêu, có dung tích lớn nên đảm bảo việc chống lũ và cấp nước cho hạ du. Tuy nhiên, các hồ thủy điện do doanh nghiệp đầu tư khả năng phục vụ cho các mục đích an sinh xã hội như chống lũ và cấp nước còn hạn chế.
Đối với hồ trên 10 triệu m3 thì kiểm định đúng quy định đề ra nhưng với những hồ nhỏ hầu như các địa phương không thực hiện tra, kiểm soát vì thiếu kinh phí. Do đó nhiều nơi đề nghị Chính phủ cần có chương trình hỗ trợ kinh phí đảm bảo an toàn hồ chứa như kinh phí Nhà nước vẫn rót xuống để nâng cấp hệ thống đê.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải phân tích, hiện việc thu thủy lợi phí miễn hết cho người dân ngân sách nhỏ giọt sao có tiền để duy tu bảo dưỡng các hồ thủy lợi. Hồ chứa thủy điện thì không lo vì đơn vị đầu tư phải lo. Nhưng khi tính toàn kết hợp hai loại hồ thủy điện và thủy lợi. Cứ mỗi lần lũ bão các công trình đầu tư phá hết, nếu không duy tu thì mất an toàn mà duy tu thì thiếu kinh phí. Do đó việc đảm bảo đủ kinh phí thường xuyên cho hồ thủy lợi là một bài toán khó.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng nếu đáp ứng nguồn tài chính cho chương trình sửa chữa công trình cấp bách cũng khoảng 17.500 tỷ. Tuy nhiên tình hình tài chính hiện nay rất khó khăn nên việc cân đối thu chi rất khó. Bộ Tài chính kiến nghị xử lý bằng phương pháp ứng trước năm 2014 để xử lý các danh mục mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ.
Rõ ràng, chưa bao giờ đầu tư thủy lợi được tập trung và nhiều như bây giờ, chủ yếu là sửa chữa nâng cấp (gần 10.000 tỷ đồng). Đối với một số địa phương nghèo khó khăn trong việc sửa chữa các công trình cấp bách sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị nâng cao an toàn hồ chứa, trong đó quy định các địa phương sử dụng nguồn lực địa phương để sửa chữa các công trình hồ chứa..Thực tế các địa phương rất ít làm việc này dù theo Luật Ngân sách đó là trách nhiệm của họ.
Kiên quyết dừng các dự án không bảo đảm
Trước báo cáo của các địa phương, bộ ngành, ông Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn đề nghị sự quan tâm đúng mức của các bên liên quan. “Nhiều quy định về an toàn hồ chứa chúng ta chưa thực hiện được nghiêm túc. Đúng là chúng ta thiếu kinh phí sửa chữa nhưng nếu không quản lý tốt thì sửa chữa xong sẽ lại xuống cấp. Nguồn tài chính của chúng ta hạn hẹp về lâu dài nên chúng ta cần chống xuống cấp nghiêm trọng. Nếu chúng ta không cẩn thận thì chính chúng ta tạo thêm lũ. Cần chỉ đạo vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình và khoa học”, ông Phát nói.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cho rằng, chưa bao giờ chúng ta có bức tranh đầy đủ về hệ thống thủy điện thủy lợi như hiện nay. Việt Nam là quốc gia có nhiều sông, hồ chứa nếu không quản lý tốt thì không phát triển bền vững được. Những sự cố mới đây là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý.
Trong thời gian tới cần tập trung xử lý những hạn chế, trước hết về công tác quy hoạch đây là vấn đề còn nhiều điểm yếu, bất cập nhất là các hồ đập loại nhỏ. Tới đây sẽ tiếp tục buộc 67 dự án dừng đồng thời xem xét kỹ các dự án chuẩn bị đầu tư.
Về công tác chuẩn bị đầu tư, đa số hồ lớn được quản lý tốt hơn nhưng với các hồ nhỏ việc đầu tư rất có vấn đề, rủi ro lớn. Bộ Xây dựng cần rà soát năng lực của các tổ chức tư vấn, chủ đầu tư dự án và phải có giải pháp phân cấp quản lý đối với các dự án đầu tư. “Hiện nay quản lý nhà nước còn dễ dãi quá nên để lọt những sự cố đáng tiếc xảy ra. Nếu chúng ta không làm mạnh mẽ thì thảm họa rất lớn sẽ đến ngay sau lưng chúng ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Các cơ quan cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hồ chứa, “ khi có bất cập là phải điều chỉnh để bảo đảm an toàn”. Giao trách nhiệm quản lý an toàn hồ đập cho các cơ quan rõ ràng, củng cố lực lượng chuyên trách, chuyên môn, tăng cường tập huấn nâng cao năng lực.
Bộ Xây dựng cũng cần tăng cường quy định về quản lý chất lượng công trình, xử lý nghiêm nếu các công trình tư nhân không lập hội đồng tư vấn theo đúng quy định. Các địa phương phối hợp với các bộ ngành kiên quyết dừng các dự án không bảo đảm, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các nội dung dự án, giám sát chặt chẽ quá trình đầu tư …
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()