“Đừng đùa với thiên tai” đoạt Giải nhất cuộc thi phim ngắn về phòng chống thiên tai
“Đừng đùa với thiên tai” là tựa đề tác phẩm vừa đoạt Giải nhất trong cuộc thi phim và phóng sự ngắn “Những sự kiện thiên tai cực đoan – Bài học quá khứ và hành động tương lai”. Cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy công tác truyền thông về phòng chống thiên tai, giúp cộng đồng hiểu hơn về tác động và chủ động tham gia ứng phó. | |
Sau bốn tháng phát động (từ ngày 15-11-2017 đến 15-3-2018), cuộc thi do Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức, đã nhận được 78 tác phẩm báo chí dự thi. Các tác phẩm đã phản ánh kịp thời, sinh động những tác động nghiêm trọng của thiên tai cùng những mất mát, thiệt hại và khó khăn của người dân, từ đó đề xuất và đưa ra những giải pháp thực tế hữu hiệu cho chính phủ và cộng đồng. Nhiều phim và phóng sự ngắn đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người xem, được các thành viên Ban giám khảo đánh giá cao. Sau ba vòng chấm giải (vòng chấm online, chung khảo lần 1 và chung khảo lần 2), chín tác phẩm xuất sắc nhất đã được vinh danh trong Lễ trao giải được tổ chức ngày 22-5, đúng vào dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Phòng chống thiên tai Việt Nam. Ban Tổ chức đã trao Giải nhất cho tác phẩm Đừng đùa với thiên taicủa Đài PT và TH tỉnh Khánh Hòa; hai Giải nhì dành cho Lũ quét Mù Cang Chải – Nguyên nhân hình thành và một số giải pháp(Trung tâm truyền hình thời tiết và cảnh báo thiên tai, Đài Truyền hình Việt Nam) và Chuyện cái ao(Đài PT và TH tỉnh Sóc Trăng); ba Giải ba và ba giải Khuyến khích cũng được trao cho sáu tác phẩm còn lại. Thiên tai tại Việt Nam hiện đang diễn ra hết sức phức tạp, với nhiều biểu hiện cực đoan, trái với quy luật. Hơn 400 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước từ 1% đến 1,5% GDP mỗi năm, là hậu quả đau xót mà chúng ta phải nhận lấy từ những cơn giận dữ của thiên nhiên. Bởi vậy, cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy công tác truyền thông về phòng chống thiên tai, từ đó giúp cộng đồng hiểu hơn về tác động và chủ động tham gia ứng phó.
|
Ý kiến ()