Dừng dự án chậm tiến độ: Đúng luật - hợp lòng dân
LSO-Những năm vừa qua, nhiều dự án đầu tư vào Lạng Sơn đã góp phần thay đổi diện mạo toàn tỉnh.
LSO-Những năm vừa qua, nhiều dự án đầu tư vào Lạng Sơn đã góp phần thay đổi diện mạo toàn tỉnh. Các dự án đã tạo thêm công ăn việc làm, đào tạo lao động, mở rộng tiếp xúc, giao lưu với nhiều loại hình doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên cũng không ít dự án chậm tiến độ, gây giảm sút lòng tin của dân. Trước thực trạng đó, kể từ 24/10/2012 đến nay, UBND tỉnh đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của 5 dự án.
Một góc tổ hợp khách sạn 5 sao bị thu hồi giấy phép |
Kỳ 1: Bức tranh đầu tư những mảng màu sáng- tối
Là một tỉnh miền núi biên giới, Lạng Sơn có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển kinh tế. Thứ nhất, với diện tích đất lâm nghiệp rộng tới trên 473 nghìn ha, khí hậu á nhiệt đới, Lạng Sơn có thể đầu tư phát triển vốn rừng. Trong điều kiện công nghiệp chế biến gỗ phát triển thì vùng nguyên liệu ở Lạng Sơn là một “mỏ vàng xanh” vô tận. Nếu biết khai thác đúng thế mạnh đây sẽ là một cơ hội làm giàu lý tưởng. Thứ hai, Lạng Sơn giáp với Trung Quốc, có thế mạnh về dịch vụ xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa vào các nước ASEAN và ngược lại. Đi cùng với đó là các loại hình dịch vụ khách sạn, nhà hàng ngày càng phát triển. Sẽ không mấy khó hiểu vì chỉ từ năm 2005 đến nay, hệ thống khách sạn, nhà hàng tại Lạng Sơn được đầu tư lớn, đã có 1 khách sạn 4 sao, trên 100 cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Cũng chính vì vậy mà việc đầu tư vào Lạng Sơn luôn được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Hiện nay toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm 2012 đến nay, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 27 dự án các doanh nghiệp trong nước, hàng chục dự án của các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt những dự án như đầu tư nông nghiệp, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, dự án khách sạn 5 sao… đã làm nức lòng người xứ Lạng.
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, những dự án ấy đã tạo nên một hướng phát triển mới, tạo vị thế của Lạng Sơn so với toàn quốc. Cũng từ đó chỉ số cạnh tranh của cấp tỉnh (PCI) đã tăng 19 bậc vào năm 2013, góp phần thu hút các doanh nghiệp đến Lạng Sơn ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên như đã nói ở trên rất nhiều các dự án khi khai trương thì rầm rộ, nhưng khi triển khai thì đuối dần. Không ít các dự án gây ra bao hệ lụy; tranh chấp, hiểu lầm, làm người dân bất bình. Yếu tố ấy ít nhiều làm ảnh hưởng đến bức tranh đầu tư chung. Ông Nguyễn Minh Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Vàng bày tỏ, những năm qua tỉnh đã dốc lòng ủng hộ doanh nghiệp. Thế nhưng kết quả chưa như mong đợi, cụ thể nhiều dự án làm cầm chừng thậm chí là giữ đất, tranh phần… Và như vậy cái tâm của doanh nghiệp chưa thực sự đáp lại mong đợi của tỉnh. Cũng không ít những người dân nghi ngờ, đặt dấu hỏi ở các dự án. Tuy không gay gắt nhưng ít nhiều ảnh hưởng đến bức tranh đầu tư chung.
Tháng 10/2012, sau khi rà soát các dự án kém hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phân loại và quyết tâm loại bỏ các dự án rùa, thực hiện không đúng tiến độ, không đầu tư như cam kết gây lãng phí. Từ tháng 10/2012 đến tháng 8/2013 đã có 5 dự án bị thu hồi chứng nhận đầu tư. Đây là 5 dự án đầu tư lớn nên việc chậm tiến độ cũng gây thiệt hại không nhỏ. Những dự án đó gồm dự án của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Kinh tế trang trại thủy hải sản Thành Tín, đầu tư trồng rừng nguyên liệu công nghiệp tại huyện Đình Lập và Bình Gia. Dự án của Công ty Cổ phần Tài nguyên xanh núi rừng Lạng Sơn, đầu tư trồng rừng sản xuất tại 6 xã thuộc huyện Bình Gia. Dự án đầu tư mở rộng xưởng chế biến khoáng sản của Công ty Cổ phần Vật tư tổng hợp Lạng Sơn. Dự án Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao và Trung tân dịch vụ thương mại của Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng. Dự án đầu tư xây dựng cầu Thác Mạ và đường Bà Triệu giai đoạn 2 thành phố Lạng Sơn của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Sơn Hà. Với 5 dự án tổng số tiền đầu tư lên đến trên 5.000 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng trên 40 ngàn ha. Đã có lúc chính những người trong cuộc khi xử lý các dự án này cũng vô cùng lúng túng bởi sự chậm trễ kéo dài của chủ dự án. Sự phức tạp khi chính sách thay đổi. Tuy nhiên với sự cương quyết của tỉnh, việc 5 dự án bị thu hồi giấy phép trong gần 1 năm đã minh chứng: Lạng Sơn luôn tích cực kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư, nhưng không vì thế mà thực hiện trái luật, trái với mong mỏi của nhân dân. Có thể coi đây là một liều thuốc đắng nhưng nó sẽ giải được căn bệnh đầu tư theo phong trào, thiếu tâm và tầm trong đầu tư, giữ đất ăn phần. Dù dự án quan trọng đến đâu, cần thu hút mấy cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân. Những điều đó đã được người dân đồng tình ủng hộ.
Kỳ 2: Dự án “rùa” và giải pháp
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()