"Đủng đỉnh" giải ngân vốn đầu tư
Đã thành tiền lệ, giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) luôn "đủng đỉnh" trong quý I rồi lại dồn dập vào quý IV hằng năm. Báo cáo chi NSNN quý I-2014 cho thấy, tổng chi chỉ đạt 18,3% dự toán năm, ngang với mức năm 2012, thấp hơn một chút so với năm 2011, nhưng lại vẫn cao hơn so với năm 2010 và 2013. Sang đến tháng 4, chi NSNN đạt 34,015 nghìn tỷ đồng, đưa kết quả bốn tháng đầu năm ước đạt 266,17 nghìn tỷ đồng, bằng 26,4% dự toán.
Khoản chi được quan tâm nhất là chi đầu tư phát triển từ NSNN lại thường xuyên đạt mức kế hoạch thấp nhất so với chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể và chi trả nợ viện trợ. Ngay quý I-2014 cũng chỉ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN được 17,7% dự toán năm, xấp xỉ mức năm 2012 và 2010, cao hơn hẳn so với năm 2013, nhưng lại thấp xa so với năm 2011. Đến hết tháng 4, sau bốn tháng, giải ngân vốn đầu tư phát triển này đã tăng lên 38,33 nghìn tỷ đồng nhưng cũng chỉ bằng 23,5% dự toán.
Rõ ràng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN không đều đã ảnh hưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng quý, đến diễn biến tổng vốn đầu tư toàn xã hội, đến điều hành chính sách tài chính tiền tệ cũng như đến quản lý thu chi NSNN.
Tăng tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ NSNN ngay từ những tháng đầu, quý đầu năm không chỉ giảm áp lực chi NSNN cho những tháng cuối năm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô mà còn giúp đẩy cao tốc độ tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm, tạo tiền đề cho tăng trưởng cao hơn vào các quý tiếp theo, đồng thời tạo thuận lợi cho công tác quản lý và điều hành NSNN, nâng cao hiệu quả chi NSNN.
Muốn bảo đảm giải ngân nguồn vốn này đúng tiến độ thì trước hết cần rà soát hoàn thiện quy trình NSNN từ khâu lập dự toán đến thực hiện dự toán và kiểm tra giám sát, quyết toán NSNN được thể hiện trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật NSNN lần này. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm và thiếu kỷ luật trong quản lý chi NSNN. Chấm dứt tình trạng vốn chờ dự án cũng như công trình chờ vốn trong chi đầu tư xây dựng cơ bản, quy trình đầu tư không ăn khớp với quy trình chi NSNN, dẫn đến đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, giảm hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng của không ít dự án đầu tư công. Hơn nữa, thực tế quý I mấy năm gần đây cho thấy, hiện tượng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư từ NSNN xảy ra ở cả trung ương và địa phương, nhưng vốn đầu tư từ NSNN do trung ương quản lý so với kế hoạch năm lại thường đạt thấp hơn so với vốn do địa phương quản lý. Chính vì vậy, việc bảo đảm tiến độ chi NSNN nói chung, chi đầu tư phát triển từ NSNN nói riêng không thể tách rời với hoàn thiện cơ chế phân cấp tài chính và phân cấp đầu tư nhằm vừa bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy sức sáng tạo của địa phương, vừa bảo đảm quyền quản lý tập trung thống nhất của trung ương, chống cục bộ địa phương cũng như sự trông chờ ỷ lại vào trung ương.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()