Đừng để tác phẩm điện ảnh chỉ để ‘cất kho’
Để điện ảnh trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa thì các cơ chế, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành điện ảnh phát triển từ khâu sản xuất, phát hành đến quảng bá phim.
Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có sự chuyển mình mạnh mẽ; cơ chế, chính sách dành cho điện ảnh cũng dần hoàn thiện. Luật Điện ảnh được Quốc hội thông qua vào năm 2022 là hành lang pháp lý quan trọng để điện ảnh Việt Nam có cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh, các hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng phim Việt Nam được sản xuất tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng hóa các thể loại, dòng phim…
Mặc dù điện ảnh Việt Nam đã cố gắng hội nhập với điện ảnh khu vực và thế giới nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Chưa xây dựng được các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ để phát triển công nghiệp điện ảnh. Kinh phí đầu tư cho sản xuất phim còn thấp, việc sản xuất phim hiện nay phần lớn là doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Phim Nhà nước đặt hàng ngày càng ít về số lượng và hạn chế về chất lượng.
Hoạt động sản xuất, phát hành và quảng bá phim vẫn chưa bắt kịp với xu hướng công nghệ của thế giới. Mặt khác, điện ảnh Việt Nam vẫn còn thiếu nhân lực có khả năng tạo nên những tác phẩm điện ảnh có chất lượng đột phá; công tác đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực điện ảnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và xu thế của thời cuộc…
Những hạn chế trên phần nào đã kìm chân điện ảnh Việt Nam so với sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Kinh phí chưa phải là yếu tố quyết định
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia, nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh đều cho rằng, để điện ảnh trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa thì các cơ chế, chính sách của Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành điện ảnh phát triển từ khâu sản xuất, phát hành đến quảng bá phim.
Tại Hội thảo về Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á được tổ chức mới đây, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, hai điểm mấu chốt để một bộ phim thành công kể cả phim đặt hàng là kịch bản và đội ngũ thực hiện.
Theo NSND Đặng Nhật Minh, kịch bản là khâu cực kỳ quan trọng. Kịch bản phải được viết một cách chuyên nghiệp, chặt chẽ, nội dung được xã hội quan tâm… Để có kịch bản tốt thì khâu sàng lọc phải kỹ.
“Tôi có cảm tưởng hiện nay khâu sàng lọc kịch bản không kỹ, chỉ có 3-5 kịch bản để chọn ra 1. Phải tổ chức cuộc thi rộng lớn để thu hút đông đảo các tác giả tham gia, từ đó chúng ta mới có nhiều kịch bản hay, để chọn ra được kịch bản chất lượng. Phải “đãi cát tìm vàng” thì mới có được bộ phim hay”, NSND Đặng Nhật Minh nói.
Sau khâu kịch bản, bộ phim phải được giao cho đội ngũ thực hiện chuyên nghiệp như: Đạo diễn, quay phim, diễn viên… có nhiều sáng tạo, tìm tòi. Những phim Nhà nước đặt hàng nhưng không thành công cũng chỉ do hai yếu tố trên.
“Kinh phí chưa phải là yếu tố quyết định, có những bộ phim kinh phí rất lớn nhưng hai yếu tố trên không đạt được thì cũng không thể thành công”, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.
Theo NSND Đặng Nhật Minh, điện ảnh được Nhà nước quan tâm là rất đáng quý, tuy nhiên Nhà nước không chỉ quan tâm tới việc mỗi năm trích kinh phí ra để làm phim đặt hàng mà còn cần quan tâm đến cả khâu phát hành. Hiện nay khâu này đang không được quan tâm và chú trọng đầu tư.
Ở góc độ quản lý, bà Lý Phương Dung-Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Luật Điện ảnh mới được ban hành có những chính sách phát triển điện ảnh, đặc biệt là khâu kịch bản. Luật Điện ảnh cũng đặt ra vấn đề cần phải huy động tất cả các nguồn lực xã hội để có nguồn kịch bản tốt, dồi dào.
“Nếu trước kia trong Luật Điện ảnh không có nội dung liên quan đến chính sách để mua được tác phẩm văn học, để có được kịch bản hay thì nay đã có nội dung này nhằm huy động các nguồn lực, tạo cơ chế để có thể mua được kịch bản tốt”, bà Lý Phương Dung nhấn mạnh.
Cũng theo bà Lý Phương Dung, trong Luật Điện ảnh có chính sách đào tạo nguồn nhần lực điện ảnh trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên từ luật đến hiện thực thì cần có thời gian triển khai. Ở Hà Nội và TPHCM đều có trường đào tạo chuyên ngành về điện ảnh; có hơn 10 cơ sở đào tạo có khoa đào tạo điện ảnh chuyên nghiệp. Chúng ta cũng có những liên kết với Hiệp hội Điện ảnh, các trường Điện ảnh ở nước ngoài để có thể đào tạo được nguồn nhân lực tốt phục vụ cho nền điện ảnh nước nhà.
Nên có định lượng cho phát hành và sản xuất phim trong nước
Cùng các quan điểm trên, ông Đỗ Duy Anh–nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) cho rằng, cần xây dựng chính sách tốt nhất để phát triển nền điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó quan trọng nhất là sản xuất được những bộ phim hay và đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của người xem.
Bên cạnh đó, công tác phát hành và quảng bá cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Điều này còn phụ thuộc vào nguồn lực đầu tư của cả Nhà nước và tư nhân.
“Chúng ta cũng nên có những định lượng nhất định cho phát hành và sản xuất phim trong nước. Mở rộng đề tài kể cả đối với dòng phim giải trí. Muốn vậy cần phải chọn lọc kịch bản vừa đáp ứng nhu cầu giải trí vừa đáp ứng được tính nhân văn… Nếu cứng nhắc trong đề tài sẽ không làm ra được những bộ phim hay, đáp ứng thị hiếu của khán giả và chỉ để “cất kho”, ông Đỗ Duy Anh nói.
Theo ông Đỗ Duy Anh, đối với công tác phát hành, Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho các đơn vị phát hành phim trong nước, các rạp chiếu phim của Việt Nam, các đơn vị sự nghiệp của địa phương thì phim Việt mới vào được thị trường. Chính sách phải đi vào những điều cụ thể.
Về quảng bá phim, ngân sách Nhà nước phải dành cho công tác này, tích cực đầu tư tham dự các Liên hoan phim quốc tế, tổ chức các gian hàng của Việt Nam tại các hội chợ về điện ảnh, khuyến khích các doanh nghiệp đưa phim vào hệ thống chiếu phim ở nước ngoài…
Cần có các gian hàng điện ảnh quốc gia
Đối với vấn đề phát hành và quảng bá trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, chúng ta cần phải giới thiệu với thế giới mình là ai, mình như thế nào. Công tác này cần phải làm bài bản để thu hút các nhà làm phim quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Đăng Di, hiện nay công tác này không được thực hiện một cách hệ thống.
Đạo diễn Phan Đăng Di cho biết, các Liên hoan phim quốc tế hoặc các sự kiện điện ảnh thường có các hội chợ, các gian hàng của mỗi quốc gia giới thiệu về nền điện ảnh của nước mình. Các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Philippines… đều có gian hàng quốc gia tại các Hội chợ như vậy.
Đạo diễn Phan Đăng Di lý giải gian hàng quốc gia quan trọng vì đó là nơi giới thiệu hình ảnh quốc gia một cách chính thống nhất. Trong gian hàng quốc gia đó ngoài giới thiệu về nền điện ảnh của quốc gia còn giới thiệu về đất nước, con người của quốc gia đó; những thông tin mà một nhà làm phim cần tìm hiểu để có thể đầu tư và làm phim tại một quốc gia…
“Nhà nước cần phải đầu tư để xây dựng các gian hàng quốc gia tại các hội chợ về điện ảnh. Đồng thời cần có những cuốn cẩm nang hướng dẫn để các đoàn làm phim muốn vào Việt Nam làm phim thì cần làm những thủ tục gì. Đó là những bộ thông tin cần thiết để các nhà làm phim nước ngoài có thể nắm bắt được về nền điện ảnh Việt Nam. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời đại công nghệ số hiện nay”, đạo diễn Phan Đăng Di đề xuất.
Bên cạnh đó, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, cần xây dựng các chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/dung-de-tac-pham-dien-anh-chi-de-cat-kho-1022303161954329.htm
Ý kiến ()