Vi phạm nhiều
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì chỉ trong vòng năm năm qua (2006-2010), diện tích rừng ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ liên tục bị suy giảm, với tổng diện tích 158.000 ha, chiếm 31,6% diện tích rừng bị mất trong toàn quốc, bình quân mỗi năm giảm 31.698 ha, trong đó các tỉnh Tây Nguyên bình quân giảm mỗi năm là 20.513 ha. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do thực hiện các dự án chuyển đổi sử dụng sang mục đích khác không phải lâm nghiệp, khai thác trắng rừng trồng theo kế hoạch, rừng bị chặt phá trái pháp luật, rừng bị cháy… Từ số liệu thống kê cho thấy, trong năm năm qua, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã chuyển mục đích sử dụng 95.497 ha rừng, chiếm 60,1% tổng số diện tích rừng suy giảm. Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển mục đích sử dụng 79.194 ha, bằng 45,8% của cả nước. Ngoài ra, trung bình mỗi năm rừng trồng đến kỳ khai thác trắng theo kế hoạch là hơn 10.000 ha, rừng bị chặt phá trái phép gần 2.000 ha…
Điều đó chưa gây bức xúc trong xã hội bằng việc thời gian qua chính là tình trạng vi phạm các quy định về QLBVR ngày một nhiều và trắng trợn. Chỉ trong chín tháng năm 2011, tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã phát hiện gần 8.900 vụ vi phạm, chiếm 39,6% so với cả nước. Trong đó, đã có 1.047 ha bị thiệt hại do hành vi phá rừng trái phép (chiếm 68,6% so với toàn quốc). Các vụ phá rừng chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước. Đặc biệt, tại các huyện Krông Năng, Ea H’leo, Ea Súp (Đác Lắc), Đác Ngol (tỉnh Đác Nông) đã xảy ra những vụ phá rừng có tổ chức, có khi lên đến hàng trăm người tham gia. Địa bàn phá rừng chủ yếu thuộc khu vực các doanh nghiệp được thuê đất triển khai dự án; rừng của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng được giao cho UBND xã quản lý, một số khu rừng đặc dụng còn nhiều gỗ quý… Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hành vi vi phạm của lâm tặc ngày càng tinh vi và liều lĩnh. Phổ biến là tình trạng lâm tặc thuê người dân địa phương khai thác, vận chuyển gỗ; đầu tư phương tiện và cho ứng tiền trước để phá rừng. Phương tiện được dùng trong khai thác gỗ, phá rừng thường là cưa máy nên rất cơ động, tốc độ khai thác gỗ và sự tàn phá rừng là rất nhanh.
Chuỗi hành vi vi phạm từ khai thác, vận chuyển đến chế biến thường được các “đầu nậu” tổ chức chặt chẽ theo đường dây. Trong khi đó, các lực lượng thực thi chức năng QLBVR thì vẫn chưa có được biện pháp để ngăn chặn hiệu quả, kịp thời. Vấn đề nhức nhối hơn là tình trạng chống người thi hành công vụ ngày càng diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Chỉ trong chín tháng năm 2011, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã xảy ra 19 vụ chống người thi hành công vụ nghiêm trọng là có 12 cán bộ thực thi nhiệm vụ QLBVR bị thương, nhiều tài sản của nhà nước bị phá hủy và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.
Xử lý ít
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do các cấp chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về QLBVR, thiếu kiên quyết chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng thường xuyên, đồng bộ mà chủ yếu là giao cho lực lượng kiểm lâm và chủ rừng. Trong khi đó, chủ rừng thì không đủ điều kiện (con người và tài chính) để tổ chức bảo vệ rừng, dẫn đến rừng bị phá, lấn chiếm trái pháp luật. Thứ nữa là việc phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, lại thiếu sự kiểm tra nên một số chủ rừng có biểu hiện “buông xuôi”, thiếu trách nhiệm, thậm chí còn có cán bộ tiếp tay cho hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Ngoài ra, phải nói đến công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ, các tụ điểm mua bán gỗ không minh bạch. Việc cấp phép kinh doanh thiếu quy hoạch, không gắn với nguồn nguyên liệu, lại thiếu kiểm tra giám sát đối với hoạt động của các cơ sở chế biến gỗ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ không rõ nguồn gốc được “tuồn” vào xưởng, sau đó được hợp thức hóa để tiêu thụ. Nguyên nhân không kém phần quan trọng dẫn đến rừng bị mất là tâm lý người dân sợ hết đất sản xuất khi hàng loạt doanh nghiệp được cấp phép triển khai thực hiện các dự án trên đất lâm nghiệp. Từ đó, họ tổ chức đông người chiếm rừng, chiếm đất, phá rừng trái phép trong vùng dự án để lấy đất hoặc đòi chủ dự án bồi thường. Từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa người dân địa phương với chủ dự án, tạo áp lực lớn đến công tác bảo vệ rừng…
Theo đồng chí Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đác Lắc: Từ nhiều năm nay, một bộ phận người dân đã lấn chiếm đất rừng để canh tác và sinh sống ổn định. Vẫn biết là người dân vi phạm, nhưng nếu thu hồi diện tích đất này thì tỉnh chưa biết sẽ “đẩy” dân đi đâu? Nói đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, đồng chí Đinh Văn Khiết nhấn mạnh, trách nhiệm của các doanh nghiệp quốc doanh đang quản lý hàng chục nghìn ha rừng, và cũng là những chủ rừng để tình trạng phá rừng xảy ra nặng nề nhất, từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp này chỉ “thay tên đổi họ”, có nghĩa là vai trò, trách nhiệm cũng như năng lực bảo vệ, phát triển rừng vẫn giẫm chân tại chỗ. Và hệ quả là rừng ngày càng bị xâm hại nặng nề hơn. Chúng ta cần phải có một “cuộc cách mạng”, rà soát lại tất cả các văn bản pháp luật liên quan đến rừng để có một sự thống nhất trong việc xử lý, và phải xử lý từ “gốc” thì may ra mới giữ được rừng.
Cần lập lại trật tự, kỷ cương để giữ rừng
Để nhanh chóng lập lại trật tự, kỷ cương trong quản lý bảo vệ rừng thì cần phải phân định rõ ràng hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Các diện tích rừng, đất lâm nghiệp do các lâm trường, công ty lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng cũng cần được đánh giá lại hiệu quả sử dụng để có phương án sắp xếp lại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh. Để bảo vệ rừng tốt hơn thì nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách cần được điều chỉnh. Nhưng một vấn đề rất rõ, thể hiện trên thực tế là: một khi chính quyền địa phương vào cuộc mạnh mẽ thì việc bảo vệ rừng ở đó tốt hơn! Do vậy, một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác QLBVR đối với các địa phương là: khẩn trương rà soát, kiểm kê lại rừng; chấn chỉnh lại hoạt động của các nông-lâm trường, các ban quản lý rừng và các công ty lâm nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp vào mục đích khác. Trong đó siết chặt quản lý, cấp phép các cơ sở chế biến gỗ. Chính quyền các cấp và lực lượng chức năng cần phải phối hợp thường xuyên, chặt chẽ trong cuộc chiến truy quét lâm tặc và xử lý cương quyết những vụ việc lâm tặc chống người thi hành công vụ.
Ý kiến ()