Đừng để mất bò mới lo làm chuồng
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ (bên trái) trao giấy chứng nhận |
Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, hằng ngày, hằng giờ đều có các sản phẩm mới ra đời, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân. Với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phát minh thì sở hữu tài sản trí tuệ như: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, nhãn hiệu… không chỉ giúp họ khẳng định vị thế, nâng cao giá trị sản phẩm, hạn chế sự cạnh tranh từ các đối thủ mà khi có tranh chấp, kiện tụng đây là công cụ bảo vệ hữu hiệu. Tuy nhiên, thực tế có rất ít cá nhân, doanh nghiệp chú trọng đăng ký bảo hộ SHTT cũng như biết cách quản trị thương hiệu của mình. Cụ thể như, năm 2017, sản phẩm bún ngô của cơ sở sản xuất Thuận Anh, xã Đình Lập, huyện Đình Lập được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh bạn ưa chuộng. Khi sản phẩm này bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường, một số cơ sở kinh doanh đã mua lại gắn mác bún ngô Cao Bằng bán tại Cao Bằng và thành phố Lạng Sơn. Đứng trước nguy cơ mất thương hiệu, chủ cơ sở được tư vấn và đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm của mình. Trong trường hợp này, nếu chủ cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh đăng ký bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm của mình ngay từ đầu thì sẽ không có sự việc đáng tiếc xảy ra.
Chị Vy Thị Thúy, chuyên viên Phòng Quản lý công nghệ và Quản lý chuyên ngành cho biết: Năm 2017, Sở KHCN Lạng Sơn tiếp nhận và hướng dẫn xác lập quyền SHTT cho 44 nhãn hiệu, 3 kiểu dáng công nghiệp, 3 sáng chế, giải pháp hữu ích; so với những năm trước, số lượng tăng gấp đôi. Cùng đó, trong năm 2017, Sở KHCN tổ chức 11 lớp tập huấn về bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm nông sản địa phương tại các huyện, thành phố cho 600 học viên tham dự. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã tư vấn cho 5 cá nhân, doanh nghiệp các thủ tục SHTT. Qua đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh trong việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mình làm ra được nâng lên.
Tuy nhiên, SHTT đang là một lĩnh vực mới đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hầu hết cá nhân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, giá trị của tài sản trí tuệ nên chưa coi đó là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển của mình. Chỉ khi có vi phạm xảy ra hoặc có nhu cầu mở rộng thị trường cá nhân, doanh nghiệp mới quan tâm. Các chủ thể chỉ tập trung xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu; còn lại những đối tượng khác như: sáng chế, kiểu dáng… vẫn chưa được quan tâm. Chủ thể chưa chủ động trong việc tự bảo vệ quyền, khi bị xâm phạm còn có tâm lý e dè, ngại tranh tụng. Cùng đó, công tác tuyên truyền về SHTT tại Lạng Sơn chưa được triển khai thường xuyên, liên tục, chính vì vậy, việc tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp có nhiều khó khăn.
Ông Bùi Văn Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn cho biết: Vừa qua, thiết bị cảnh báo buồn ngủ cho tài xế của học sinh trong trường được giải thưởng Quốc gia, nếu không có sự định hướng, tuyên truyền thì sản phẩm này rất dễ bị đánh cắp ý tưởng, phương pháp thực hiện. Chính vì vậy, chúng tôi đã hướng dẫn, định hướng các em đăng ký bảo hộ SHTT.
Xâm phạm quyền SHTT xảy ra ở hầu hết sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, trong đó, phổ biến là sao chép nhãn hiệu, kiểu dáng bao bì… không chỉ gây thiệt hại cho chủ sở hữu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra tình trạng vi phạm quyền SHTT được phản ánh đến lực lượng chức năng, song để ngăn ngừa tình trạng này, các cá nhân, doanh nghiệp cần tự nâng cáo ý thức, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Ý kiến ()