Đừng để đuối nước thành nỗi ám ảnh của mùa hè
Thời gian qua, hàng chục vụ đuối nước thương tâm xảy ra liên tiếp trên cả nước. Đuối nước không chỉ lấy đi sự sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em mà còn để lại những nỗi đau cho gia đình và xã hội.
Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), từ đầu năm đến nay, trên cả nước có hơn 100 trẻ tử vong do đuối nước. Đây thực sự là con số đáng báo động. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chia sẻ: “Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chương trình, dự án nhằm bảo đảm công tác phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là vấn đề phòng, chống đuối nước ở trẻ. So với giai đoạn trước, tình hình tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm”. Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2010, số trẻ em tử vong do đuối nước là 3.300 em, đến năm 2015 giảm xuống còn 2.600 em, và năm 2020, con số này là khoảng 2.000 em. Như vậy, trung bình mỗi năm, tỷ lệ này giảm từ 3 đến 5%. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều vụ đuối nước ở địa phương chưa được báo cáo kịp thời và chính xác.
Dạy bơi cho trẻ tại bể bơi Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. |
Tại hội thảo xây dựng kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2022, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Trẻ em chia sẻ, đuối nước hiện vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam. Vấn nạn này gặp nhiều ở trẻ em trai hơn trẻ em gái; ở vùng nông thôn nhiều hơn các vùng thành thị và gặp nhiều ở các gia đình nghèo. Đặc biệt, đuối nước thường xảy ra vào các dịp trước và trong thời gian trẻ em nghỉ hè. Điều đáng nói, có những vụ rất thương tâm như nhiều em cùng đuối nước một lúc, hoặc các em tử vong là anh chị em ruột trong cùng một gia đình.
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, nguyên nhân chính là do trẻ còn thiếu các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước. Mặt khác, vấn đề quản lý, giám sát trẻ cũng chưa tốt. Hầu hết các vụ đuối nước xảy ra gần đây đều do các em tự ý đi chơi, đi bơi ở những nơi không được phép, không có người lớn đi cùng. Trong khi đó, môi trường sống hiện nay cả ở gia đình và cộng đồng vẫn còn chưa an toàn, nhiều vũng nước sâu, nguy hiểm chưa được cắm biển báo; các ao, hồ, sông ngòi chưa có rào chắn; nhiều gia đình để nước trong các dụng cụ chứa khiến trẻ ngã vào gây đuối nước. Bên cạnh đó, trang thiết bị, cơ sở vật chất, các hướng dẫn viên dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho các em còn thiếu…
Trước hàng loạt vụ trẻ em tử vong do đuối nước, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ. Yêu cầu hàng đầu là các cơ quan chức năng phối hợp với nhà trường, gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè; hướng dẫn địa phương tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi; hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi cho học sinh, trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chương trình phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị, vận chuyển cấp cứu với trẻ em bị đuối nước.
Cùng với đó, các địa phương, cơ quan chức năng cần rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước…) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở…). Dạy kỹ năng bơi cho trẻ là câu chuyện bắt buộc để người lớn phần nào an tâm về trẻ nhỏ. Chị Nguyễn Như Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang cho hai con học bơi tại bể bơi Tăng Bạt Hổ, cho biết: “Năm nào cũng thế, mỗi khi hè về là liên tiếp những vụ đuối nước xảy ra khiến tôi cũng như bao phụ huynh khác thấy rất đau lòng, thương tâm. Vì quê nội con tôi là miền biển nên hè nào các cháu cũng muốn về chơi, bởi vậy, tôi yêu cầu hai con phải biết bơi và tôi đã đăng ký cho con mình một khóa học bơi để các con có kỹ năng bơi lội tốt”.
Ngoài ra, dù công tác truyền thông về phòng tránh thương tích cho trẻ đã được tăng cường, nhưng việc cần thiết là đẩy mạnh công tác xã hội hóa về đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các trường học, địa bàn dân cư đáp ứng nhu cầu học bơi, luyện tập bơi cho trẻ em, giúp cho mọi trẻ em đều biết bơi, bởi nguy cơ không loại trừ bất cứ ai. Việc ban hành các chính sách ưu tiên dạy bơi đối với thanh thiếu niên, trẻ em; miễn, giảm học phí đối với các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng cần được lưu tâm. Đừng để đuối nước trở thành sự ám ảnh, nỗi đau của nhiều gia đình mỗi khi hè về.
Ý kiến ()