Đừng để di tích bị xâm lấn
LSO- Do thời gian, thiên nhiên, con người tác động, hiện nay, nhiều di tích tại Lạng Sơn bị xâm lấn, xâm hại, chưa phát huy hết giá trị văn hóa. Thực trạng này cho thấy, để quản lý, bảo vệ tốt di tích cần sự chung tay của các cấp, ngành và nhân dân toàn tỉnh.
19 hộ gia đình có nhà trong đất quy hoạch di tích nhà bia Thủy Môn Đình,
thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc) chưa được di dời
32 di tích bị xâm lấn
Nhiều năm nay, di tích cấp tỉnh nhà bia Thủy Môn Đình tại sườn đồi Phja Mạt, khu Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc có tới 19 hộ dân có nhà ở, kinh doanh trong diện tích đất di tích. Vì thế, cảnh quan nơi đây thiếu sự tôn nghiêm, không phát huy tối đa giá trị văn hóa lịch sử để lại.
Ông Sái Vĩnh Chung, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Đăng cho biết: Các hộ dân sinh sống ở đây từ trước khi có quy hoạch di tích. Để di dời, nhà nước cần có phương án hỗ trợ, bền bù thỏa đáng đảm bảo các hộ chuyển đi không bị ảnh hưởng.
Hay như khu di tích Nhị – Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn) hiện có trên 370 hộ đang sinh sống trong khu quy hoạch của di tích. Trong số này, có nhiều hộ cơi nới, xây dựng nhà ở trong khu vực bảo vệ khu di tích, gây ảnh hưởng đến yếu tố gốc, không gian, cảnh quan và giá trị vốn có của khu.
Không chỉ 2 di tích trên, toàn tỉnh hiện có 27/123 điểm, khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh bị chiếm dụng mặt bằng, không gian cảnh quan, hành lang bảo vệ và có hành vi cơi nới, xây dựng công trình, nhà ở, dựng lều quán buôn bán trong khu vực. Ví như di tích Nà Kheo (1 trong 12 điểm thuộc khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn) bị hộ dân lấn chiếm 700 m 2và di tích chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc bị 1 hộ dân lấn chiếm 4.474 m 2đất…; 5/123 điểm, khu di tích bị hư hỏng, hủy hoại, xuống cấp và biến dạng do thiên tai, thời tiết gồm: khu di tích lịch sử Chi Lăng, hang Lạng Nắc, hang Nà Ngụm, hang Phai Sa và đồi Yên Mạ (huyện Chi Lăng).
Người dân làm nhà và sinh sống trong diện tích và khu vực cấm
thuộc di tích pháo đài Đồng Đăng (Cao Lộc)
Cần giải pháp dài hơi
Để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và phát huy giá trị di tích, danh lam thắng cảnh, trong năm 2018, UBND tỉnh đã phân cấp quản lý di tích về cơ sở. Từ đây, UBND cấp huyện đã đẩy mạnh việc quản lý, tu bổ, khoanh vùng bảo vệ, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với các di tích đã được xếp hạng. Một số huyện thực hiện tốt công tác này như Bắc Sơn, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn…
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn cho biết: Năm 2018, sở tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quy định pháp luật trong công tác quản lý di tích; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa tín ngưỡng, bảo vệ môi trường và thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích; vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Năm nay, sở cũng tiến hành rà soát, tổng kiểm kê, phân loại, qua đây đã tổng hợp được danh mục 330 di tích chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt.
Mặc dù có sự vào cuộc của các cấp, ngành, tuy nhiên, việc bảo vệ, quản lý, khoanh vùng di tích còn gặp nhiều khó khăn. Đến nay, các huyện, thành phố mới thực hiện xong các bước đo đạc, xác định địa điểm để khoanh vùng bảo vệ và làm các bước trong quy trình cấp GCNQSDĐ. Thực tế chưa có đơn vị cấp huyện nào làm xong thủ tục cấp GCNQSDĐ cho các di tích. Do đó, toàn tỉnh vẫn chỉ có 4/123 di tích được xếp hạng đã được quy hoạch, còn tới 119 di tích chưa quy hoạch; 23/123 di tích được cấp GCNQSDĐ, số còn lại chưa được cấp giấy.
Ông Bạch Đỗ Tiến, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích và danh thắng huyện Chi Lăng cho biết: Chi Lăng có 112 di tích đã được kiểm kê, trong đó 39 điểm, khu di tích được xếp hạng. Từ đầu năm 2018 đến nay, tổ công tác của huyện đã rà soát, xác định ranh giới vị trí và đo đạc diện tích để làm thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với 5 di tích trong khu di tích lịch sử Chi Lăng. Việc cấp GCNQSDĐ cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị liên quan; có phương án, kinh phí hỗ trợ di rời các hộ trong vùng di tích.
Trước yếu tố tác động của thiên nhiên, con người, chủ quan và khách quan như trên thiết nghĩ để các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh không bị xâm lấn, xâm hại thì thời gian tiếp theo, các cơ quan, đơn vị liên quan cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn trong việc quản lý, bảo vệ và trung tu, tôn tạo.
Lạng Sơn hiện có 586 di tích với 4 loại hình gồm: 248 di tích lịch sử, 44 di tích khảo cổ, 250 di tích kiến trúc nghệ thuật và 44 di tích danh lam thắng cảnh. Trong đó có 123 điểm, khu di tích đã được xếp hạng: 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích cấp quốc gia, 95 di tích cấp tỉnh. |
Ý kiến ()