Dụng cụ luyện tập bóng chuyền: Khuyến khích phong trào thể thao
(LSO) – Dụng cụ luyện tập bóng chuyền do nhóm nghiên cứu của thầy Nguyễn Mai Chung, Trường THPT Lộc Bình không phụ thuộc vào nguồn điện, giúp người dùng luyện tập được nhiều động tác, góp phần tích cực nâng cao thành tích môn thể dục tự chọn cho học sinh THPT.
Bóng chuyền là môn thể thao giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, tính kỷ luật và tinh thần tập thể, giải tỏa căng thẳng. Trong chương trình giáo dục tổng thể THPT, 80% trường học trong tỉnh chọn môn thể thao này làm nội dung tự chọn để kiểm tra, đánh giá. Thực tế cho thấy, bên cạnh niềm yêu thích thì môn học này cũng là nỗi “sợ hãi” của nhiều học sinh, nhất là học sinh nữ. Đặc thù của môn bóng chuyền là quá trình chơi, hay tập luyện phải có nhiều người, đường bóng phụ thuộc vào người chơi, người mới chơi chưa điều chỉnh được đường bóng nên dễ bay vào người, gây chấn thương… Khắc phục hạn chế này, trên thị trường có máy bắn bóng chuyền, hỗ trợ đập bóng, tuy nhiên, các loại máy này phải phụ thuộc vào nguồn điện, chỉ luyện tập được một số động tác. Chính vì vậy, dụng cụ luyện tập bóng chuyền ra đời để khắc phục nhược điểm này.
Học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An luyện tập môn bóng chuyền với thiết bị hỗ trợ
Nhóm nghiên cứu của thầy Nguyễn Mai Chung thực hiện nghiên cứu từ đầu năm 2018, khi đó, thầy Nguyễn Mai Chung đang công tác tại Trường THPT chuyên Chu Văn An (năm 2019, thầy chuyển đến công tác tại Trường THPT Lộc Bình) cùng các học sinh: Vũ Thị Vân Anh, Hoàng Việt Nam, Trường THPT chuyên Chu Văn An đã nghiên cứu và chế tạo dụng cụ hỗ trợ tập luyện bóng chuyền. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là tạo ra dụng cụ hỗ trợ luyện tập 3 động tác cơ bản là chuyền bóng cao tay, chuyền bóng thấp tay, đập phát bóng và các kỹ thuật bóng chuyền nâng cao. Đặc biệt, thiết bị phải dễ sử dụng, giá thành rẻ, không phụ thuộc vào nguồn điện.
Dụng cụ hỗ trợ tập luyện bóng chuyền được nhóm nghiên cứu thiết kế gồm các bộ phận: chân đế; cột trụ; máng dài; rổ bóng; chốt nhả bóng; đầu giữ hỗ trợ đập bóng; đầu nhả hỗ trợ chuyền bóng thấp tay và cao tay; chốt cao, thấp; bộ phận đưa bóng lên. Nguyên vật liệu chế tạo dụng cụ là sắt vuông, sắt tròn, bánh xe, con lăn, dây cáp, lò xo… Thiết bị có đầu giữ bóng và đầu nhả bóng. Khi luyện tập, người tập lắp đặt đầu giữ bóng hoặc nhả bóng, tung bóng vào rổ, kéo chốt nhả bóng, bóng sẽ lăn theo máng vào vị trí đầu giữ bóng, người tập tiến hành kỹ thuật đập bóng, truyền bóng… Dụng cụ giúp bóng có đường đi và quỹ đạo theo phương thẳng nên người dùng dễ dàng luyện tập ở các kỹ thuật đệm bóng, chuyền bóng cao tay. Sau khi hoàn thiện dụng cụ hỗ trợ luyện tập bóng chuyền được thực nghiệm tại các trường: THPT chuyên Chu Văn An, Hoàng Văn Thụ, Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn.
Qua thực nghiệm cho thấy, dụng cụ hỗ trợ tập luyện bóng chuyền giúp số học sinh được đánh giá loại giỏi tăng 33,83% (chiếm 43,68%). Đặc biệt, tỉ lệ học sinh dưới 5 điểm giảm 18,15% (còn 1,85%). Sau khi sử dụng dụng cụ hỗ trợ vào tập luyện, học sinh rất hứng thú với việc luyện tập, thực hiện đúng kỹ thuật, phối hợp linh hoạt các động tác. Việc phụ thuộc nguồn điện được khắc phục.
Em Hoàng Phương Thảo, học sinh Trường THPT Việt Bắc cho biết: Dụng cụ hỗ trợ tập luyện bóng chuyền rất hữu ích với những bạn nữ như em. Chúng em không còn sợ việc bóng bay lạc hướng trúng người vì đường bóng thẳng, tốc độ ổn định. Nhờ nó mà thành tích môn thể dục của em được nâng lên.
Nhờ lợi ích thiết thực khi ứng dụng vào thực tiễn, thiết bị hỗ trợ tập luyện bóng chuyền là đề tài duy nhất của tỉnh Lạng Sơn đạt giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc năm 2019. Tin rằng thời gian tới, thiết bị này sẽ được sản xuất đại trà, góp phần phát triển phong trào thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()