Đừng coi con người như hàng hóa
Từ nạn nhân trở thành kẻ buôn người
Năm 1992, Ngô Thị Viện ở tỉnh Hải Dương bị lừa sang Trung Quốc bán làm vợ, cuộc sống khổ cực, Viện bỏ về Việt Nam. Sau đó, Viện thường xuyên sang Trung Quốc làm thuê. Mặc dù hiểu rất rõ nỗi khổ của người bị lừa bán, nhưng do muốn có tiền nhanh mà lại không phải lao động vất vả, Viện đã liên lạc với Thân Thị Mơ ở huyện Hữu Lũng tìm người đem bán sang Trung Quốc.
Mơ biết Nguyễn Thị Thắm không có việc làm nên đã lừa dối Thắm là sang Trung Quốc làm cho công ty nhựa, 5-6 triệu đồng/tháng. Thấy vậy, Thắm đồng ý. Tháng 2/2014, Viện, Mơ đưa Thắm sang Trung Quốc, bán làm vợ người Trung Quốc lấy 1.000 nhân dân tệ, đổi được 33 triệu đồng Việt Nam chia nhau. Lúc này, Thắm mới biết ý định của họ, Thắm không đồng ý và yêu cầu Viện, Mơ đưa về, chi phí hết bao nhiêu sẽ bảo bố, mẹ trả. Nhưng Viện, Mơ không nghe mà cố tình lừa Thắm là đi theo người đàn ông làm việc ở công ty rồi trốn về.
Các bị cáo phạm tội mua bán người trước vành móng ngựa
Hành trình trở về đầy gian khổ
Không cam chịu làm vợ người Trung Quốc, ngày nào Thắm cũng phải chịu những trận đánh đập dã man, thâm tím mặt mày để ép làm vợ. Trong những ngày đầu, Thắm đã lấy được chiếc điện thoại của người đàn ông đó có lưu số điện thoại của Viện để gọi điện cầu cứu Viện đưa về, hết bao nhiêu tiền sẽ trả. Nhưng Viện cố tình mặc kệ Thắm sống chết.
Hơn 10 ngày bị nhốt, sống trong đòn roi, ngày ngày Thắm tìm cách trốn về. Đêm khuya ngày thứ 15, giả vờ ra ngoài đi vệ sinh, nhân lúc mọi người sơ ý, Thắm chạy một mạch để bỏ trốn. Thắm cho biết: trong đêm hôm đó, không biết tôi đã chạy thục mạng băng qua bao nhiều vườn mía, rồi vào rừng sâu để trốn. Những lần vấp ngã, bật máu chân tay không đếm suể nhưng khi đó tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là phải chạy thật nhanh, trốn càng xa càng tốt nên cứ vấp ngã trong đêm tối tôi lại đứng dậy chạy ngay.
Sau 3 ngày 2 đêm băng rừng, vượt núi, đói khát, sống cầm hơi bằng mía, Thắm đến một làng bản. May mắn là Thắm biết nói tiếng dân tộc (người Trung Quốc ở các tỉnh giáp ranh Việt Nam thường nói tiếng dân tộc), Thắm cho họ biết hoàn cảnh của mình và cầu cứu họ báo công an giải cứu. Đến lúc này, sức khỏe Thắm đã suy kiệt.
Sau khi báo cho lực lượng chức năng Trung Quốc được vài giờ cũng là lúc gia đình người Trung Quốc mua Thắm truy tìm, phát hiện. May mắn cũng thời điểm đó, công an Trung Quốc kịp thời có mặt, giải cứu, đưa Thắm qua biên giới để trở về Việt Nam.
Đưa kẻ mua bán người ra ánh sáng
Ngay sau khi về Việt Nam, Thắm đã đến cơ quan chức năng trình báo sự việc. Những kẻ mua bán người, coi con người như hàng hóa đã sa lưới pháp luật. Đầu tháng 11/2015 vừa qua, họ đã phải nhận bản án nghiêm minh của pháp luật.
Trong thực tế, rất ít trường hợp may mắn như chị Thắm, vì hậu quả của nạn nhân mua bán người là rất lớn, để lại nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần cho người phụ nữ và gia đình. Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn của kẻ buôn người. Mục tiêu của họ là những người con gái trẻ, thích ăn chơi, đua đòi hoặc không có việc làm. Chúng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của nạn nhân, lợi dụng nạn nhân không có công ăn việc làm để dụ dỗ, lừa gạt, giả vờ yêu đương… vẽ ra một viễn cảnh về cuộc sống sung sướng khi sang Trung Quốc như: hứa hẹn có việc làm nhẹ nhàng, kiếm được nhiều tiền để chị em tin đi theo. Sau đó, rất nhiều chị em đã bị bán vào các động mại dâm.
Cùng với việc xử lý nghiêm minh kẻ phạm tội thì các ban, ngành chức năng, các xã, thị trấn cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, hậu quả, cách phòng tránh và kỹ năng tự bảo vệ mình trước tội phạm mua bán người. Đồng thời, đối với các gia đình cần nâng cao nhận thức cho từng thành viên, đặc biệt là các em gái. Mỗi người dân, nhất là chị em ở vùng sâu, vùng xa cần nêu cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa bịp để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
(Tên nạn nhân đã được thay đổi)
Ý kiến ()