Dụng chiêu “tâm công”
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có chuyến công du tới Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland) và Cộng hòa (CH) Ireland từ ngày 11 đến 14-4. Chuyến đi đánh dấu kỷ niệm 25 năm Ngày ký Thỏa thuận Thứ Sáu tốt lành (GFA) do Mỹ làm trung gian giúp chấm dứt hàng thập kỷ đổ máu giữa các phe phái ở Bắc Ireland.
Trước thềm chuyến thăm, Tổng thống Joe Biden đã viết lên trang Twitter cá nhân tiết lộ mục đích chuyến công du nhằm khẳng định cam kết của Mỹ trong việc duy trì hòa bình và thúc đẩy những lợi ích thương mại sau khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Song, không khó để nhận ra những ẩn ý đằng sau chuyến công du đặc biệt này.
Mối quan hệ Anh-Mỹ vốn được lịch sử gọi tên là “quan hệ đặc biệt” xuất phát dưới thời Thủ tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Harry S.Truman. Ông Churchill là người đầu tiên dùng cụm từ “quan hệ đặc biệt” để định hình mối quan hệ Mỹ-Anh từ năm 1946. Hai chính trị gia thân thiết này nhất trí đánh giá mối quan hệ Anh-Mỹ “vô cùng quan trọng” trong việc duy trì “nền dân chủ và hòa bình thế giới”. Hai quốc gia gắn kết với nhau bởi lịch sử chung, ngôn ngữ chung và hệ thống luật pháp, cũng như sự chồng chéo về tôn giáo và mối quan hệ họ hàng có từ hàng trăm năm trước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, London và Washington luôn sát cánh trong mọi cuộc chiến, từ quốc phòng-an ninh cho đến kinh tế-thương mại…
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) tại cuộc gặp ở Belfast, Bắc Ireland, ngày 12-4-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài việc tiếp nối lịch sử và củng cố quan hệ đồng minh với London, chuyến thăm của ông Joe Biden còn nhằm tái khẳng định vai trò của Washington trong việc thúc đẩy những lợi ích của thỏa thuận thương mại hậu Brexit, dù rằng vai trò ấy đã mờ nhạt đi nhiều sau “cái chết lâm sàng” của GFA. Chính Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng bày tỏ hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sẽ thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận thương mại mang tên “Khuôn khổ Windsor” mà Anh và Ủy ban châu Âu (EC) vừa ký ngày 27-2 vừa qua, coi đây là biện pháp hạ nhiệt căng thẳng vốn đang gia tăng tại khu vực Bắc Ireland. Hẳn Washington không muốn thấy 2 đồng minh chủ chốt là Anh và EU cãi vã, hoặc tệ hơn nữa, khơi mào cho một cuộc chiến thương mại.
Một ẩn ý khác trong chuyến công du của Tổng thống Joe Biden là nhằm thúc đẩy hiện thực hóa thỏa thuận an ninh 3 bên giữa Mỹ, Anh và Australia (AUKUS). Thỏa thuận an ninh này là một bằng chứng nữa cho thấy mối quan hệ Anh-Mỹ tách biệt với NATO và khác biệt với các mối quan hệ khác ở EU, cả về mặt kinh tế và quốc phòng-an ninh. Cùng với Canberra, AUKUS đưa London vào mối quan hệ gần gũi, bền chặt hơn với Washington so với bất kỳ đồng minh hay đối tác nào khác.
Lâu nay, các chính trị gia lão luyện của Mỹ thuộc nằm lòng cách dụng chiêu “tâm công”. Ấy là dùng tình cảm đánh vào lòng người. Chẳng phải vô cớ mà báo chí phương Tây lại nhộn nhịp đưa tin về nguồn gốc Ireland của ông Joe Biden trước thềm chuyến thăm. Mới hai tuần trước, khi công du 3 nước châu Phi, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng nhận được sự chào đón nồng ấm “như đón người thân trở về” của người dân các nước này, bởi bà Harris cũng “mang một phần dòng máu châu Phi”. Chưa cần biết mục đích chuyến thăm, song chỉ riêng thông tin có chung dòng máu đủ khiến người ta hồ hởi đón nhận “người con xa xứ trở về”, nhất là khi người con ấy đang nắm giữ quyền lực ở một cường quốc như Mỹ. Có được sự đồng cảm ban đầu, hẳn sẽ dễ dàng thuận lợi hơn cho các bên khi ngồi vào bàn thương thảo những vấn đề gai góc.
Sự hiện diện của Tổng thống Joe Biden tại Bắc Ireland và CH Ireland thời điểm này đánh dấu bước tiến lớn kể từ khi thỏa thuận GFA được ký kết cách đây 1/4 thế kỷ. Thông qua chuyến thăm này, Tổng thống Mỹ sẽ thúc đẩy tiềm năng kinh tế lớn của Bắc Ireland và CH Ireland. Điều này vô cùng quan trọng đối với Washington khi mà hợp tác thương mại giữa nước này và EU đang gặp trở ngại bởi chính đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. EU chỉ trích rằng, đạo luật này đặt ngành sản xuất công nghiệp xe hơi mũi nhọn của khu vực thất thế so với công nghiệp nội địa của Mỹ. Chưa hết, trên tờ Politico, một số chính khách EU còn phàn nàn việc Washington “vũ khí hóa” đồng USD, buộc các công ty châu Âu phải từ bỏ kinh doanh và cắt đứt quan hệ với các nước thứ ba hoặc đối mặt với các biện pháp trừng phạt thứ cấp.
Rõ ràng, chuyến thăm Anh lần này của ông Joe Biden là sự tái khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa Washington và London trong gần 8 thập kỷ qua với nhiều lợi ích chiến lược chung, trong đó kinh tế đóng vai trò then chốt cho sự thịnh vượng của hai nước.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/dung-chieu-tam-cong-724820
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()