Đức vật lộn trước tình trạng thiếu lao động
Khoảng 50% các công ty Đức đang gặp khó khăn vì thiếu nhân công, thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh do không đủ người lao động. Tình trạng này được dự đoán sẽ gây thiệt hại về lâu dài cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Theo DW, nếu đến các nhà hàng tại Đức vào thời gian này, khách hàng có thể sẽ phải chờ đợi rất lâu mới được phục vụ, bởi nhiều nhà hàng đang thiếu trầm trọng nhân viên nhà bếp hoặc phục vụ bàn.
Không chỉ riêng ngành dịch vụ mà nhiều ngành nghề khác ở Đức cũng đang thiếu người lao động trầm trọng. Các chuyến tàu và máy bay đến trễ hoặc bị hủy chuyến do thiếu nhân lực ở các nhà ga và sân bay, trong khi việc tuyển dụng lao động mới tiến triển chậm chạp.
Hành khách đứng trước màn hình hiển thị nhiều chuyến bay bị hủy tại sân bay Frankfurt, Đức. Ảnh: Reuters |
Sự thiếu hụt lao động ngày càng trở thành lực cản đối với đà tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế. Với sự phát triển nhân khẩu học như hiện tại ở nước Đức, vấn đề này sẽ còn trở nên trầm trọng hơn trong dài hạn.
Theo một cuộc khảo sát do Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (Ifo) tiến hành mới đây, gần một nửa các công ty tại quốc gia này đang thiếu nhân công. Trong một cuộc khảo sát khác do Hiệp hội Các phòng thương mại và Công nghiệp Đức tiến hành, con số này lên tới 56%. Đa số những người được hỏi ý kiến đều cho biết họ coi thiếu hụt lao động là một trong những rủi ro lớn nhất mà công ty phải đối mặt.
Cơ quan Việc làm Liên bang Đức đã ghi nhận thiếu hụt lao động trong 148 lĩnh vực việc làm và 122 lĩnh vực khác có nguy cơ. Có thể mất 8 tháng để một viện dưỡng lão lấp được một vị trí khuyết. Với các công ty xây dựng, thời gian tuyển được người là 6 tháng. Trên toàn nước Đức, có hơn 1,7 triệu vị trí việc làm còn trống.
Markus Winter, Giám đốc trung tâm môi giới việc làm IDS, bang Baden-Württemberg, miền Nam Đức cho biết: “Cách đây 5-10 năm, chúng tôi phải chạy quảng cáo cho dịch vụ (cung cấp lao động) của mình. Bây giờ chúng tôi đang chạy quảng cáo trên tất cả phương tiện truyền thông để thu hút người lao động”.
Ông Winter nhận định đây không chỉ là vấn đề khó khăn trong các lĩnh vực chuyên môn mà là vấn đề nhân sự nói chung. Theo ông, lao động phổ thông cũng thiếu trầm trọng. Những lĩnh vực thực sự cần thiết cho ngành công nghiệp mà thiếu lao động phổ thông thì không thể hoạt động.
Mặc dù có một số yếu tố tác động mới đây, nhưng đa số nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động tại Đức có thể dự đoán được. Nước Đức mất đi khoảng 350.000 người trong độ tuổi lao động mỗi năm do thế hệ những người sinh ra trong những năm ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai nghỉ hưu và không có đủ người trẻ để lấp chỗ trống của họ. Theo các chuyên gia lao động, thị trường lao động Đức sẽ thiếu 7 triệu lao động vào năm 2035.
Trước đây, Đức từng dựa vào nguồn lao động từ các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) để bù đắp cho thiếu hụt trong nước. Tuy nhiên, theo Giáo sư Herbert Brücker, đến từ Viện Nghiên cứu việc làm (IAB) ở Nuremberg, nguồn lao động nước ngoài này cũng đang bắt đầu cạn kiệt.
“Thu nhập ở các nước EU khác bắt đầu tăng lên và họ cũng đang chứng kiến những thay đổi về nhân khẩu học. Về cơ bản, bữa tiệc đã kết thúc”, Giáo sư Brücker nhận định.
Hiện nay, Chính phủ Đức đang thúc đẩy các kế hoạch cải cách luật nhập cư nhằm hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao. Theo Reuters, Chính phủ Đức dự kiến sẽ cho phép hơn 130.000 người nước ngoài đang gặp vướng mắc về pháp lý có cơ hội được định cư lâu dài tại nước này.
Việc xem xét lại hệ thống nhập cư được kỳ vọng sẽ góp phần giúp giảm bớt sự thiếu hụt trầm trọng lao động lành nghề tại Đức. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến trái chiều cho rằng kế hoạch trên sẽ tạo ra “ưu đãi lớn” cho nhập cư bất hợp pháp vào Đức.
Kinh tế Đức đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như lạm phát cao kỷ lục, sự tắc nghẽn nguồn cung nguyên liệu quan trọng và nguy cơ thiếu khí đốt. Sự thiếu hụt lao động càng khiến tình hình trở nên ảm đạm. Các chuyên gia kinh tế nước này đã cảnh báo những thách thức hiện tại có thể khiến nền kinh tế đầu tàu châu Âu rơi vào suy thoái trong năm nay.
Ý kiến ()