Đức và Pháp hỗ trợ Việt Nam xây dựng pháp luật và đào tạo nhân lực
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong chuyến thăm Pháp và Đức, ngoài việc tham khảo kinh nghiệm về tổ chức tòa án, xây dựng pháp luật, đoàn cũng đã ký kết thỏa thuận đào tạo bồi dưỡng thẩm phán.
Từ ngày 4-9/7, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Tòa án Nhân dân Tối cao có chuyến thăm và làm việc tại Pháp nhằm tìm hiểu một số kinh nghiệm trong các lĩnh vực cải cách tư pháp vị thành niên, cải cách cơ cấu tổ chức tòa án và hợp tác đào tạo tư pháp.
Đoàn đã làm việc với Tòa Phá án, Bộ Tư pháp và các vụ chức năng, Tòa án sơ thẩm Paris, Trường đào tạo thẩm phán quốc gia và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Tại cuộc hội đàm, Chánh án Tòa Phá án Pháp Christophe Soulard đã điểm lại kết quả thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác năm 2013 và chương trình hợp tác giai đoạn 2020-2022.
Ông cho rằng thành quả hợp tác có được là dựa vào nỗ lực và cam kết của cả hai phía, cũng như sự giúp đỡ tích cực của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.
Chánh án Christophe Soulard hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới qua việc thúc đẩy hợp tác, trao đổi giữa các thẩm phán không chỉ ở tầm quốc gia, mà ở tầm khu vực và quốc tế.
Tòa Phá án quan tâm đến các lĩnh vực phát triển án lệ, giao tiếp với người dân và đào tạo đội ngũ cán bộ làm việc kề cận với thẩm phán.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cảm ơn ông Christophe Soulard đã dành thời gian đón tiếp, chúc mừng Chánh án Tòa Phá án Pháp được bổ nhiệm và hy vọng rằng trong cương vị mới, Chánh án Christophe Soulard sẽ có những đóng góp tích cực cho đất nước, nhân dân Pháp và phát triển quan hệ hợp tác với hệ thống tòa án Việt Nam.
Về định hướng hợp tác trong những năm tới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông báo sơ bộ về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Việt Nam, những lĩnh vực ưu tiên phía Việt Nam quan tâm, bao gồm: cải cách hệ thống tổ chức tòa án; tư pháp vị thành niên; đào tạo thẩm phán và cán bộ tòa án.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị cử thẩm phán, chuyên gia pháp luật có kinh nghiệm tham gia giảng dạy trong các buổi tập huấn, đào tạo từ xa cho các thẩm phán Việt Nam trên quy mô toàn quốc thông qua công nghệ trực tuyến.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình trân trọng mời Chánh án Christophe Soulard sắp xếp thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam trong năm 2023, nhân kỷ niệm 50 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong buổi tiếp đón đoàn Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam, Bộ trưởng Tư pháp Eric Dupont-Moretti đã chào mừng Chánh án Nguyễn Hòa Bình thăm và làm việc tại Pháp; nhấn mạnh Việt Nam là đối tác hàng đầu của Pháp trong khu vực.
Bộ trưởng Eric Dupont-Moretti cho biết việc Việt Nam tham gia một số công ước quốc tế về bảo vệ trẻ em giúp Pháp giải quyết những vấn đề tế nhị liên quan đến công dân Pháp. Pháp mong muốn hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực luật pháp cho Việt Nam.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã cảm ơn Bộ trưởng Eric Dupont-Moretti đón tiếp, điểm lại kết quả hợp tác pháp luật giữa hai nước trong thời gian qua, cảm ơn sự giúp đỡ Pháp dành cho Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, thực thi pháp luật và đào tạo pháp lý.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết mục tiêu của chuyến thăm là tìm hiểu thông tin xây dựng chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2030, và xây dựng luật tư pháp vị thành niên của Việt Nam, mong muốn phía Pháp hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ này bằng cách giúp dịch Bộ luật Hình sự người chưa thành niên mà Pháp mới ban hành tháng 9/2021, tổ chức các hội thảo chung về luật này và mời các chuyên gia Pháp sang làm việc tại Việt Nam.
Các lĩnh vực quan tâm khác là kinh nghiệm của Pháp trong tổ chức lại bộ máy tòa án, bao gồm việc thành lập các tòa án chuyên biệt, tòa án liên vùng… và hợp tác đào tạo thẩm phán và cán bộ tòa án.
Chánh án đề nghị Bộ Tư pháp Pháp cử chuyên gia tham gia giảng dạy qua hình thức đào tạo từ xa cho các thẩm phán và cán bộ Tòa án Việt Nam. Chánh án Nguyễn Hòa Bình mời Bộ trưởng đến thăm Tòa án Nhân dân Tối cao nếu Bộ trưởng thăm Việt Nam vào năm 2023.
Bộ trưởng Eric Dupont-Moretti hoan nghênh các đề xuất, cảm ơn lời mời của Chánh án. Bộ trưởng khẳng định hai bên cần cố gắng, nỗ lực hơn nữa đẩy mạnh quan hệ hợp tác pháp luật trong thời gian tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Giám đốc Học viện Tòa án của Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam và Giám đốc Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Pháp ký kết Bản ghi nhớ, có thời hạn 5 năm, theo đó hai bên cùng nhau thực hiện các hoạt động hợp tác trong đào tạo thẩm phán, đào tạo giảng viên, trao đổi thẩm phán, trao đổi chuyên gia và giảng viên.
Trước khi tới Pháp, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đã có chuyến thăm và làm việc tại Đức, nhằm tìm hiểu một số chủ đề trong cải cách tư pháp hiện nay, bao gồm chế định nhân dân tham gia hoạt động xét xử, tư pháp vị thành niên và quản trị tòa án.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết Đức và Pháp là hai quốc gia có nền tư pháp tương đối tiên tiến trên thế giới. Các thành tựu của khoa học pháp lý cũng đã được áp dụng rất thành công. Việt Nam có quan hệ nhiều mặt với cả Đức và Pháp, đặc biệt là quan hệ về hoàn thiện pháp luật và phát triển nguồn nhân lực.
Nguồn nhân lực của khoa học pháp lý và tòa án của Việt Nam cũng được đào tạo ở Đức và Pháp trong nhiều năm qua và cả hai quốc gia này cũng đã hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng pháp luật, trao đổi thực tiễn và đào tạo nguồn nhân lực.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, phía bạn đã trao đổi những kinh nghiệm về đổi mới tổ chức và hoạt động của toà án, khoa học, phù hợp với xu thế thời đại và đảm bảo tính độc lập, xây dựng hệ thống pháp luật hình sự, tố tụng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới khi khoa học công nghệ phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và quy mô nền kinh tế và dân số phát triển lớn hơn nhiều.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong chuyến đi này, ngoài việc tham khảo kinh nghiệm các quốc gia về tổ chức tòa án, xây dựng pháp luật, đoàn cũng đã ký kết thỏa thuận đào tạo bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán.
Việt Nam sẽ cử các chuyên gia nguồn, giảng viên, thẩm phán cấp cao tham gia đào tạo tại Pháp và Đức, rồi về đào tạo lại trong nước, mời các chuyên gia có kinh nghiệm hai nước này tới Việt Nam tham gia đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là trong các vấn đề thị trường chứng khoán, tội phạm kinh tế số, tranh chấp số, xây dựng và phát triển án lệ./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()