Đức trở thành nước đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO
Phát biểu ngày 28/6 khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, đầu tư của Đức cho quốc phòng do cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ đưa Đức trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất ở châu Âu cho NATO.
Theo Thủ tướng Scholz, cùng với Mỹ, Đức chắc chắn sẽ là nước châu Âu đóng góp lớn nhất cho NATO, và nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang trong quá trình tạo ra 1 quân đội thông thường lớn nhất trong khuôn khổ NATO ở châu Âu.
Thủ tướng Scholz cho biết, Đức sẽ chi trung bình hằng năm từ 70-80 tỷ euro cho quốc phòng trong vài năm tới, đồng nghĩa với việc Đức là quốc gia đầu tư nhiều nhất cho quốc phòng.
Chỉ vài ngày sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Thủ tướng Scholz đã tuyên bố thành lập 1 quỹ đặc biệt cho quân đội trị giá 100 tỷ euro (105 tỷ USD), nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội Đức, bù đắp tình trạng thiếu hụt kinh phí kéo dài hàng thập kỷ qua.
Cam kết đáp ứng mục tiêu chi 2% cho quốc phòng của NATO của Thủ tướng Scholz được xem là sự thay đổi chính sách lớn từ cách tiếp cận quốc phòng thận trọng truyền thống của Đức do những vấn đề sau chiến tranh.
Đức đã giảm dần quy mô quân đội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, từ mức khoảng 500 nghìn quân vào thời điểm thống nhất nước Đức năm 1990 xuống chỉ còn 200 nghìn quân.
Liên quan kế hoạch củng cố sườn phía đông NATO, kế hoạch “sự hiện diện tăng cường phía trước” theo thuật ngữ của NATO sẽ giúp củng cố lực lượng ở Litva, Estonia, Latvia và Ba Lan bằng 1 lữ đoàn bổ sung từ 3.000 đến 5.000 binh sĩ.
Do việc đóng quân thường xuyên rất tốn kém, trong khi những nước cung cấp lực lượng hàng đầu như Đức (ở Litva), Anh (ở Estonia) và Canada (ở Latvia) cũng phải đối mặt với những vấn đề thực tế do thiếu quân lực, Thủ tướng Scholz đã đưa ra 1 đề xuất thỏa hiệp.
Theo báo Thế giới (Welt), sẽ chỉ có bộ phận nhỏ của lữ đoàn mới được đóng quân tại chỗ. Quân số này bao gồm các nhân viên, một số lực lượng làm quân báo, bảo dưỡng cũng như tại các kho đạn và nhiên liệu. Trong khi đó, phần lớn binh sĩ vẫn ở lại trong nước.
Với trường hợp ở Litva, 1 lữ đoàn của quân đội Đức sẽ ở chế độ sẵn sàng, luyện tập trong nước và trong thời gian này cũng hoàn thành các cuộc diễn tập ở Litva để làm quen với địa điểm triển khai tiềm năng.
Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Anh và Canada cũng sẽ được thuyết phục theo mô hình này. Lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm ở Ba Lan đã có lực lượng quy mô lữ đoàn tại chỗ đồn trú ở nước này.
Lần đầu tiên kể từ năm 2010, 30 quốc gia thành viên NATO có kế hoạch thông qua về 1 khái niệm chiến lược mới tại Madrid.
Đây sẽ là văn kiện quan trọng của liên minh xuyên Đại Tây Dương, xác định các mối đe dọa đối với tình hình chính sách an ninh hiện tại và đưa ra các hướng dẫn hoạt động trong vài năm tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()