Đức: Tranh cãi về công tác chống khủng bố
Vài ngày sau thảm kịch xe tải đâm vào khu chợ Noel tại thành phố Berlin (Đức) khiến 12 người thiệt mạng, đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận về tính hiệu quả trong công tác chống khủng bố của chính phủ Đức.
Nhiều người đã chỉ trích Thủ tướng Angela Merkel và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thomas de Maiziere, dù vài tháng trước Chính phủ Đức đã tuyên bố sẽ siết chặt các biện pháp chống khủng bố. Tuy nhiên, một biện pháp trong kế hoạch này chưa có hiệu lực dẫn đến vụ khủng bố trên.
Ngày 21/12, các camera quan sát tại các địa điểm công cộng được tăng cường theo lệnh của Thủ tướng Angela Merkel. Đây là một trong các biện pháp được đề xuất bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thomas de Maiziere vào tháng 8 vừa qua sau nhiều vụ tấn công xảy ra trong hè 2016: một vụ nổ súng tại trung tâm mua sắm Munich gây ra bởi một người mắc bệnh tâm thần khiến 9 người chết, hai vụ tấn công ở Wurzburg và Ansbach (Bavaria) nhưng may mắn không có ai thiệt mạng.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt ngày 21/12, các địa điểm gắn camera sẽ được mở rộng sang các cơ sở thể thao và trung tâm mua sắm. Cảnh sát cũng có thể mang theo các máy ảnh cỡ nhỏ. Kế hoạch này đã làm thay đổi một số điều khoản trong luật pháp nước Đức về vấn đề quyền riêng tư của các cá nhân. Hệ thống giám sát “thông minh” này sẽ nhận diện tự động khuôn mặt và biển số xe.
Trong tháng 8, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã công bố sự bổ sung nguồn lực cho ngành cảnh sát khi tuyển mới hàng nghìn người. Các biện pháp mới khác cũng được đưa ra như sửa đổi, bổ sung luật chống tội phạm nước ngoài “gây ra mối đe dọa đối với trật tự công cộng”. Một biện pháp gây tranh cãi hơn là sự can thiệp của quân đội vào vấn đề này cũng đang được đưa ra thảo luận.
“Liệu có cần nhiều biện pháp hơn nữa?” đang là câu hỏi được đặt ra sau vụ tấn công tại Berlin. Chủ tịch Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) Horst Seehofer, một đồng minh của Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel ngay sau vụ tấn công ở Berlin đã yêu cầu hoàn thiện các chính sách an ninh và di cư.
“Luật pháp hiện hành không cho phép chúng tôi thắt chặt các biện pháp an ninh trong cuộc chiến chống khủng bố” – Ông Seehofer cho biết. Ông tuyên bố các chợ giáng sinh đáng ra phải được bảo vệ và yêu cầu sự trao đổi thông tin bởi các cơ quan an ninh, giảm các rào cản viễn thông để có thể giám sát tình hình.
Sau vụ khủng bố ở Berlin, sự hiện diện của các đơn vị thực thi pháp luật đã gia tăng ở khắp nơi trên toàn nước Đức. Cảnh sát được trang bị vũ khí được cử đi giám sát những nơi đông đúc như nhà ga, chợ giáng sinh. Đây là một hình ảnh bất thường tại quốc gia này.
Tuy nhiên, các biện pháp này lại ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân. Các đảng cánh tả đã phản đối việc mở rộng giám sát bằng video. Breitscheidplatz – quảng trường xảy ra vụ tấn công hôm 19/12 lại không hề được trang bị camera giám sát. “Các cuộc tấn công kiểu này không thể ngăn ngừa bằng cách lắp camera giám sát” – Bộ trưởng Bộ nội vụ bang Berlin, Andreas Geisel cho biết.
Chiều 21/12, các thành viên thuộc Ủy ban Nội vụ của Nghị viện đã nhóm họp tại Berlin trong một cuộc họp khẩn cấp sau khi cảnh sát phát lệnh truy nã một đối tượng người Tunisia bị nghi ngờ tham gia cuộc tấn công ở Berlin. Trong cuộc họp đã có nhiều bất đồng khi ý kiến thay đổi chính sách di cư trong đó có các nước như Tunisia. Sau cuộc tấn công tại Berlin, các bất đồng đang được đẩy cao lên hơn bao giờ hết./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()