Đức sửa đổi Hiến pháp, lập quỹ trị giá 100 tỷ euro cho quân đội
Điều khoản mới 87a trong Hiến pháp Đức nêu rõ để tăng cường khả năng của liên minh, Chính phủ liên bang có thể lập một quỹ đặc biệt cho quân đội với việc được cấp tín dụng một lần lên tới 100 tỷ euro.
Với đa số phiếu cần thiết, Quốc hội Đức ngày 3/6 đã thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, đảm bảo cho việc lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro để hiện đại hóa và củng cố năng lực của quân đội Liên bang Đức.
Tại cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội có 683 phiếu thuận, 96 phiếu chống và 20 phiếu trắng, qua đó giành được 2/3 số phiếu cần thiết để thông qua việc sửa đổi Hiến pháp nhằm đưa khoản tiền 100 tỷ euro (vay nợ) nêu trên ra khỏi phanh nợ theo Luật Cơ bản (Hiến pháp) của Đức.
Điều khoản mới 87a trong Hiến pháp nêu rõ để tăng cường khả năng của liên minh (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – NATO) và quốc phòng, Chính phủ liên bang có thể thành lập một quỹ đặc biệt cho quân đội liên bang với việc được cấp tín dụng một lần lên tới 100 tỷ euro.
Điều 109 khoản 3 và Điều 115 khoản 2 liên quan tới những quy định về ngân sách sẽ không áp dụng đối với việc cấp tín dụng cho quỹ đặc biệt.
Quỹ mới này cũng sẽ được các nghị sĩ biểu quyết thành lập trong ngày 3/6, song đây sẽ chỉ là thủ tục mang tính hình thức sau khi hiến pháp đã được Quốc hội sửa đổi.
Theo kế hoạch, Hội đồng Liên bang Đức cũng sẽ phải biểu quyết về việc sửa đổi hiến pháp nêu trên. Phần lớn số tiền trong quỹ mới (gần 41 tỷ euro) sẽ được chi để mua sắm phương tiện, trang thiết bị cho không quân Đức, trong đó có việc mua các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ và trực thăng vận tải Chinook, một phiên bản của máy bay tiêm kích Eurofighter cho tác chiến điện tử cũng như vũ khí trang bị cho máy bay không người lái Heron.
Bên cạnh đó, quỹ cũng được chi để mua các tàu hộ tống và khinh hạm mới cho hải quân.
Kế hoạch hiện đại hóa quân đội liên bang với 100 tỷ euro, được Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố chỉ 3 ngày sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, được xem là bước ngoặt trong chính sách an ninh của quốc gia đầu tầu châu Âu sau nhiều thập kỷ “e dè” về mặt quân sự xuất phát từ lịch sử nước Đức trong thế kỷ 20.
Theo Thủ tướng Scholz, với kế hoạch này, Đức sẽ “sớm có quân đội thông thường lớn nhất ở châu Âu trong khuôn khổ NATO,” giúp củng cố đáng kể cho an ninh của Đức và các đồng minh.
Cũng trong ngày 3/6, Quốc hội Đức đã phê chuẩn việc miễn phanh nợ trong năm 2022 do cuộc chiến ở Ukraine cũng như hậu quả của đại dịch COVID-19.
Phanh nợ được quy định trong hiến pháp và được Chính phủ Đức duy trì tuân thủ cho tới năm 2020, nhưng sau đó đã phải đình chỉ trần nợ do đại dịch COVID-19.
Chính phủ Đức ước tính, khoản nợ mới trong năm 2022 này vào khoảng 138,9 tỷ euro, cao hơn khoảng 115,7 tỷ euro mà hiến pháp cho phép./.
Ý kiến ()