Đức ra gói cứu trợ lớn nhất lịch sử hậu chiến để ứng phó COVID-19
Thủ tướng Merkel cho biết, đây là các biện pháp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của nước Đức, nhấn mạnh rằng Berlin sẽ làm “bất cứ những gì cần thiết” để giải quyết tác động từ đại dịch COVID-19.
Nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân nhiễm dịch COVID-19 tại bệnh viện Trường đại học Uniklinikum Essen ở Essen, miền Tây Đức ngày 9/3/2020.
Chính phủ Đức ngày 13/3 đã tung ra gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hậu chiến của nước này, đồng thời đề xuất hỗ trợ không giới hạn chương trình tín dụng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thủ tướng Angela Merkel cho biết đây là các biện pháp chưa từng có tiền lệ trong lịch sử của nước Đức, nhấn mạnh rằng Berlin sẽ làm “bất cứ những gì cần thiết” để giải quyết những tác động từ đại dịch COVID-19 này.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết Chính phủ Đức quyết định hỗ trợ 550 tỷ euro (khoảng 614 tỷ USD) cho các công ty mới khởi nghiệp, nhiều hơn khoản 500 tỷ euro được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Trong khi đó, Quốc hội Liên bang Đức cũng nhất trí thông qua việc hỗ trợ tiền rút ngắn giờ làm để các doanh nghiệp cũng như người lao động có thể “phòng vệ” tốt hơn trước những hậu quả về kinh tế của dịch bệnh.
Tối 13/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc họp với lãnh đạo các hiệp hội kinh tế và tổ chức công đoàn để thảo luận và tìm cách hạn chế những tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế Đức.
Thông báo của Chính phủ Đức sau cuộc họp nêu rõ dịch bệnh lây lan ở Đức là thách thức trước hết đối với chính sách y tế và thách thức xã hội, gây ra những tác động lớn đối với nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Ý thức điều đó, Chính phủ Đức đã nhanh chóng có phản ứng với những biện pháp đầu tiên đã được thông qua nhằm hạn chế tối đa tác động của virus SARS-CoV-2 đối với nền kinh tế. Trong số các biện pháp này phải kể đến việc nới lỏng có thời hạn quy định về mức lương khi rút ngắn giờ làm, hỗ trợ thanh khoản không hạn chế cho các công ty gặp khó khăn do dịch bệnh. Mục đích của các biện pháp này là ngăn chặn nguy cơ doanh nghiệp lâm vào phá sản cũng như mất việc làm.
Cuộc họp đã đánh giá về tác động lâu dài của dịch bệnh đối với nền kinh tế Đức, về nguy cơ gián đoạn nguồn cung, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất.
Tại cuộc họp, viện dẫn nguồn dự trữ tài chính dồi dào liên tục trong nhiều năm qua, Thủ tướng Merkel cam kết Chính phủ Đức sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để ổn định nền kinh tế.
Bà nêu rõ, Chính phủ Đức cũng như chính quyền các bang và Quốc hội liên bang sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp cần thiết để có thể đưa nước Đức vượt qua khủng hoảng. Ngoài các vấn đề trên, cuộc họp cũng bàn về chính sách phối hợp của Đức với các đối tác châu Âu và quốc tế nhằm ứng phó với dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Y tế liên bang Jens Spahn cũng kêu gọi các bệnh viện tuyển dụng bổ sung nhân lực để đối phó với dịch COVID-19, có thể nhắm tới lực lượng sinh viên hoặc những người hưu trí.
Với biện pháp này, các bệnh viện có thể tăng cường năng lực chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 cũng như chuẩn bị được khả năng tốt nhất để ứng phó với diễn biến của dịch.
Số ca nhiễm bệnh trong hai ngày qua tại Đức đã tăng 50%. Tính đến hết ngày 13/3 theo giờ Đức, số trường hợp dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) của nước này đã tăng lên 3.675 trường hợp, 46 bệnh nhân được xuất viện và 8 ca tử vong.
Giám đốc Viện Robert Koch (RKI) Lothar Wieler cảnh báo, dịch bệnh sẽ còn kéo dài và đây sẽ là “phép thử” đối với nước Đức cũng như hệ thống y tế của Đức. Ông cũng kêu gọi mọi người tránh đến nơi đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc nhằm làm chậm sự lây lan của virus, qua đó bảo vệ được bản thân, cộng đồng, nhất là người cao tuổi và những người bệnh mãn tính./.
Ý kiến ()