Ðức Phổ khai thác tiềm năng sẵn có bằng sức dân
Từ một miền quê nghèo khó, nhờ biết khai thác tiềm năng sẵn có và lấy sức dân làm đòn bẩy, huyện Đức Phổ đã và đang phát triển, xứng danh là cửa ngõ phía nam năng động, trù phú của tỉnh Quảng Ngãi, từng bước thoát nghèo và chung tay xây dựng nông thôn mới.Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệpHuyện Đức Phổ xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại là bước đi thích hợp trong quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Văn Mùi cho biết: Gần đây, huyện đã tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực trong dân để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều mô hình sản xuất lúa cao sản, chăn nuôi công nghiệp, trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã hình thành vùng chuyên canh rau phục vụ các khu đô thị, khu công nghiệp; đồng thời thực hiện dồn điền, đổi thửa phát triển nhiều vùng cây nguyên liệu tập trung, bảo đảm phục vụ nhu cầu chế...
Chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Huyện Đức Phổ xác định phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại là bước đi thích hợp trong quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chủ tịch UBND huyện Đức Phổ Lê Văn Mùi cho biết: Gần đây, huyện đã tập trung khai thác những tiềm năng, lợi thế và huy động nguồn lực trong dân để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Nhiều mô hình sản xuất lúa cao sản, chăn nuôi công nghiệp, trồng rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện đã hình thành vùng chuyên canh rau phục vụ các khu đô thị, khu công nghiệp; đồng thời thực hiện dồn điền, đổi thửa phát triển nhiều vùng cây nguyên liệu tập trung, bảo đảm phục vụ nhu cầu chế biến…
Đức Phổ trong những ngày tháng ba nắng nóng, nhưng trên từng cánh đồng lúa mênh mông ở các xã Phổ Thuận, Phổ Văn, Phổ Ninh vẫn xanh tốt và đang trong thời kỳ làm đòng. Hàng nghìn ha mía chuyên canh tập trung ở Phổ Phong, Phổ Nhơn đang cho thu hoạch với năng suất, chữ đường cao đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nông dân. Mô hình kinh tế biển ở xã Phổ Thạnh đang hiện rõ cách làm giàu từ biển. Toàn xã có hai phần ba dân số sống bằng nghề biển. Nhiều cơ sở chế biến thủy sản đã ra đời và hoạt động có hiệu quả, thu hút hàng nghìn lao động tại địa phương có việc làm thường xuyên, bảo đảm ổn định cuộc sống. Hàng năm, nhiều ngư dân đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải hoán và đóng mới những con tàu có công suất từ 250 đến 600 CV. Đây là những con tàu lớn chuyên đánh bắt xa bờ và góp phần giữ vững biển đảo của Tổ quốc. Ngư dân Võ Thu là một trong số hàng trăm ngư dân ở đây đang làm chủ hai con tàu có công suất 250 CV/chiếc thường xuyên khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Mỗi chuyến đi khơi xa, trừ chi phí cho lãi hơn 800 triệu đồng. Mỗi thuyền viên lao động trong một chuyến đi biển thu về hơn 50 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh Nguyễn Duy Trinh cho biết: Cách đây hai năm, số lượng tàu lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng hiện nay số tàu có công suất lớn đã tăng rất nhanh. Cả xã hiện có gần 840 tàu cá thì trong đó loại tàu 100 CV trở lên chiếm hơn 500 tàu. Đây là những đội tàu hùng hậu nhất của huyện chuyên bám biển dài ngày và khai thác hải sản với sản lượng hằng năm hơn 46 nghìn tấn.
Dừng chân nơi đồng muối Sa Huỳnh, chúng tôi bắt gặp hàng trăm diêm dân đang tích cực lao động. Hiện nay, đồng muối có diện tích hơn 116 ha được địa phương đầu tư đắp hàng nghìn mét đê biển và cải tạo phần lớn diện tích để sản xuất muối chất lượng cao. Nghề làm muối ở Sa Huỳnh đã có hàng trăm năm qua và đang nuôi sống 600 hộ diêm dân. Giá muối đang ở mức cao cho nên vừa qua diêm dân ở đây đã đồng loạt mở kho bán hết, không để muối tồn đọng như trước đây. Đặc biệt, từ khi muối Sa Huỳnh được công nhận thương hiệu, nhiều hộ đã in lô-gô muối Sa Huỳnh vào sản phẩm của mình mang đi quảng bá nhiều nơi trong và ngoài tỉnh cho nên ngày càng có nhiều người tiêu dùng biết đến và lượng muối tiêu thụ cũng nhiều hơn trước. Trao đổi ý kiến với bà con nơi đây, được biết muối Sa Huỳnh hiện đang có giá khoảng 1.600 đồng/kg (cao nhất trong vòng hai năm qua). Bà Lê Thị Phụng ở thôn Tân Diêm hồ hởi nói: Không vui sao được, vì cũng với 10 tấn muối sạch, nhưng trước Tết vừa rồi chỉ bán được hơn năm triệu đồng, giờ thì bán thu hơn 16 triệu đồng. Có tiền, gia đình mua sắm thêm ít vật dụng để đủ sinh hoạt, phần còn lại dành đầu tư sản xuất vụ muối mới. Hiện nay bà con diêm dân rất phấn khởi nhờ giá muối tăng đã cho thu nhập khá, ổn định cuộc sống. Có gia đình, vụ muối vừa qua trắng tay đến nay không những đã lấy lại vốn mà còn có của ăn của để, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Rời làng chài Phổ Thạnh, chúng tôi đến với các khu dân cư của thôn Đồng Vân, một mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn điển hình của huyện Đức Phổ. Xa xa, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi thấp thoáng hiện ra bên những đồi rừng xanh bạt ngàn, một sức sống mới đang trỗi dậy nơi miền quê này. Bí thư Chi bộ thôn Đồng Vân Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: Phổ Thạnh là xã đồng bằng ven biển, có đến chín thôn, nhưng duy nhất thôn này là miền núi, có hơn 500 ha đất tự nhiên chủ yếu là đồi núi bao phủ. Cả thôn có gần 100 hộ gia đình thì một nửa rời quê đi kiếm sống ở nơi khác. Thế rồi, trong cái khó ló cái khôn, chính quyền thôn đã mạnh dạn đề ra những mô hình phát triển kinh tế cụ thể. Thôn đã chọn một số hộ có kinh nghiệm khuyến khích, hỗ trợ vốn để chăn nuôi bò sinh sản, bước đầu có kết quả. Từ đó, nhiều hộ ở đây đã học tập cách làm ăn của người đi trước, mạnh dạn vay vốn phát triển mô hình nuôi bò sinh sản với hàng chục con, rồi tiến tới nuôi bò vỗ béo. Mỗi năm, đàn bò của các gia đình này sinh trưởng và phát triển lớn dần. Khi chăn nuôi bò đạt hiệu quả, các hộ lại động viên nhau phát triển nghề nuôi dê. Nhiều người nuôi được đàn dê lên đến vài chục con, đem lại nguồn thu nhập không nhỏ.
Nhờ sản xuất phát triển, đời sống người dân trong những năm gần đây liên tục được cải thiện. Nhiều gia đình có mức thu nhập vài chục triệu đồng một năm là chuyện bình thường. Không cần mở sổ sách, anh Phong đọc vanh vách họ tên của nhiều hộ gia đình có mức thu nhập hằng năm từ 40 đến 50 triệu đồng như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tựu, Nguyễn Văn Đức, Lê Văn Xuân, Dương Văn Quảng, Lê Hồng Liêu, Nguyễn Tấn Dư, Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Quý, Trần Đình Nguyên… Nhiều hộ nông dân đã đầu tư mua sắm máy móc, nông cụ thiết bị phục vụ cho sản xuất như máy cày, máy gặt, máy kéo, góp phần giải phóng sức lao động và tăng năng suất, hiệu quả làm việc. Nhiều hộ gia đình mua sắm hai, ba chiếc xe máy và các tiện nghi sinh hoạt. Nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên thay cho những căn nhà tranh vách đất tạm bợ. Đáng ghi nhận hơn là con em các gia đình trong thôn không còn một ai thất học, ngược lại việc học đang được người dân rất chú trọng đầu tư học hết phổ thông đến cao đẳng, đại học. Cuộc sống mới đang hiện hữu ở từng ngôi nhà, từng con đường làng. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm người dân tự nguyện đóng góp hàng chục triệu đồng làm đường giao thông nông thôn. Mới đây bà con cũng đã đóng góp hơn 120 triệu đồng xây nhà văn hóa thôn.
Tập trung phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới
Đề án phát triển thị trấn Đức Phổ lên đô thị loại 4 để trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 đã được tỉnh phê duyệt. Theo đó, công tác quy hoạch, công tác đầu tư xây dựng và phát triển các lĩnh vực trọng tâm trên địa bàn đều được huyện triển khai thực hiện khẩn trương theo các tiêu chí quy định.
Đứng ở trung tâm thị trấn Đức Phổ vào thời điểm này, chúng tôi thấy nhiều công trình dân dụng, dịch vụ mọc lên khang trang. Hoạt động thương mại, du lịch nhộn nhịp. Chủ tịch UBND thị trấn Đức Phổ Huỳnh Văn Bằng phấn khởi cho biết: Từ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên cùng với ngân sách địa phương và kinh phí do nhân dân đóng góp, chính quyền thị trấn đã đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng. Trong đó, bê-tông hóa và trải nhựa 20 tuyến đường với chiều dài hơn 6.400 m; nâng cấp bốn tuyến đường đất với chiều dài gần 2.300 m; bê-tông hóa hơn 2.000 m kênh mương nội đồng và xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh khác. Bên cạnh đó, cấp trên đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình như tuyến quốc lộ 1A đi Mỹ Á, đường trung tâm nội thị, quốc lộ 1A đến Đài truyền thanh huyện. Gần đây, Công ty cổ phần công nghệ và truyền thông Biển Xanh đã khởi công xây dựng Trung tâm thương mại – dịch vụ và khu nhà ở liền kề tại tổ dân phố 2 với diện tích 6,72 ha, kinh phí đầu tư hơn 284 tỷ đồng, năm 2015 công trình sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động. Hiện tại, thị trấn Đức Phổ đã đạt 15/49 tiêu chí của đô thị loại 4. Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu, thời gian tới, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng thị trấn theo hướng đẩy mạnh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Huyện cũng chú trọng đến việc xây dựng các đô thị mới Sa Huỳnh, Phổ Phong và Trà Câu để cùng với thị trấn Đức Phổ làm “đòn bẩy” nâng tầm huyện Đức Phổ trở thành thị xã trực thuộc tỉnh trước năm 2015 theo Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và huyện đã đề ra.
Theo Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Mùi, hiện nay ngoài việc phát triển đô thị, Đức Phổ còn tập trung xây dựng nông thôn mới (XDNTM) một cách quyết liệt. Huyện đã rà soát 15 xã, thị trấn để đầu tư cơ sở hạ tầng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm xây dựng các tiêu chí về XDNTM, trong đó có ba xã được huyện chọn làm điểm XDNTM là Phổ Vinh, Phổ Hòa và Phổ Ninh. Trước mắt, nguồn kinh phí rất khó khăn, huyện huy động mọi nguồn vốn và thực hiện các chương trình lồng ghép trên địa bàn để đầu tư những công trình thật cần thiết như: giao thông, thủy lợi, trường học, chợ nông thôn, trạm y tế, nhà văn hóa, nhất là thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và giảm nhanh hộ nghèo theo hướng bền vững. Có như vậy, các tiêu chí XDNTM mới bảo đảm được thời gian, chất lượng và bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
Theo Nhandan
Ý kiến ()