Đức hy sinh và tình thương yêu con người của Bác Hồ
(LSO) – Đức hy sinh và tình thương yêu của Bác Hồ là tấm gương điển hình được thể hiện trong tư tưởng cũng như trong hành động, trong mối quan hệ với đồng bào, đồng chí.
Trong bài thơ “Theo chân Bác”, nhà thơ Tố Hữu có viết:
“Vì sao trái đất nặng ân tình
Nhắc mãi tên Người Hồ Chí Minh
Như một niềm tin, một dũng khí
Như lòng nhân nghĩa, đức hy sinh”*
Hồ Chí Minh một trong những vĩ nhân đặc biệt, danh nhân văn hóa được thế giới công nhận, là anh hùng giải phóng dân tộc. Người là hình mẫu cao đẹp nhất của sự kết hợp giữa truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh hoa nhân loại. Trong đó đức hy sinh vì tình thương yêu của Bác là tấm gương điển hình được thể hiện trong tư tưởng cũng như những hoạt động, trong mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó chính là thể hiện lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân, là tình yêu thương con người hòa quyện với tình yêu thương thiên nhiên tạo nên tinh thần lạc quan. Đức tính đó không chỉ tác động đến nhận thức mà còn có sức cảm hóa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ , “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già”*.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu hình ảnh, tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn tại gian trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn” Ảnh: LA MAI
Suốt cuộc đời Hồ Chí Minh chỉ phấn đấu cho việc chung, vì lợi ích chung của dân tộc, của đất nước. Trong Di chúc, Người đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối tiếc, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
Không chỉ có đức hy sinh mà tình thương yêu của Bác thể hiện trong nhiều mối quan hệ, nhiều đối tượng với một tình cảm bao la, sâu nặng, thắm đượm tình nhân văn cao cả. Ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội chỉ có một chiếc giường đơn, chiếu mộc, không có quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ, nên đồng bào Sơn La tặng Bác chiếc đệm, Bác nằm thử thấy êm, nhưng Bác lại bảo mấy đồng chí phục vụ đem tặng lại cho mấy đồng chí lão thành cách mạng già hơn Bác và nói: “Trong lúc đồng bào chưa có chiếu mà Bác nằm đệm sao yên lòng”. Ngay những ngày đầu làm Chủ tịch nước, trước nạn đói xảy ra, Bác rất đau xót và kêu gọi: “Tôi đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước cứ mười ngày thì nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó, mỗi bữa một bơ để cứu giúp dân nghèo”.
Tình thương yêu con người của Bác còn dành cho kẻ thù khi thua trận. Một lần Bác thăm trại tù binh Pháp, thấy một tù binh đang bị sốt rét run cầm cập. Bác liền cởi chiếc áo bông đang mặc khoác lên người tù binh đó. Sang phòng bên, Bác thấy một tù binh đang bị ho vì cảm lạnh, Bác cởi ngay chiếc khăn của mình quàng lên cổ người tù binh ấy. Sau này, chính người tù binh đó viết hồi ký đã rất xúc động và khâm phục trước tấm lòng thương yêu con người của Bác. Hồ Chí Minh là thế: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”*.
Đặc điểm nổi bật trong tình thương yêu con người của Bác là sự bao dung, độ lượng bao la của Người, đặc biệt là những người mắc khuyết điểm. Người nói: “Người đời ai cũng có chỗ tốt, chỗ xấu, chỗ tốt, ta phải khéo nâng chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Trong sinh hoạt Đảng, Bác căn dặn: “Phải có tình đồng chí thương yêu nhau”. Đức hy sinh và tình thương yêu của Bác là tấm gương toàn diện, là hình ảnh sáng ngời. Phẩm chất đó tiếp tục soi sáng cho mỗi thế hệ yêu nước.
Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Người vẫn đau đáu nỗi niềm chăm lo cho Nhân dân và hơn hết là tình yêu bao la. Người để lại cho toàn dân tộc ta bản Di chúc: “ Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thiếu niên, nhi đồng quốc tế”.
Nhớ đến Người, các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào về một con người bất tử, như Đảng ta đã khẳng định: “Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
MAI TÙNG (TP Lạng Sơn)
* Thơ Tố Hữu
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()